Phương xử lý rác thải sinh hoạt còn nhiều bất cập

Phương xử lý rác thải sinh hoạt còn nhiều bất cập

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển –  Chủ nhật, 12/03/2023 18:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Rác thải sinh hoạt là lượng chất thải sinh ra từ các hoạt động sinh hoạt của con người và nếu không được xử lý bằng một chu trình khoa học đòi hỏi trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình trong cộng đồng chắc chắn sẽ gây ra nhiều hệ lụy đến môi trường.

Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trở lên trầm trọng và phổ biến dẫn tới suy thoái môi trường đất, nước, không khí, đặc biệt là tại các đô thị lớn lượng rác thải sinh hoạt ngày càng gia tăng. Mặc dù số lượng các nhà máy đã xây dựng trạm xử lý chất thải tăng lên trong những năm gần đây nhưng hiện trạng ô nhiễm vẫn chưa được cải thiện.

Các chuyên ra, nhà khoa học cảnh báo rằng, việc thu gom rác thải về bãi chôn lấp tập trung chỉ để “khuất mắt” người dân, nhưng thực tế là di chuyển ô nhiễm riêng lẻ về một chỗ, ô nhiễm lớn hơn. Giải pháp này gây hại cho môi trường nghiêm trọng, nhất là nguồn nước .

tm-img-alt
Bãi rác Hòa Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long mỗi ngày tiếp nhận khoảng 350 tấn rác thải, sắp không còn chỗ chứa. Ảnh TL

Rác thải sinh hoạt có ảnh hưởng tới nhiều mặt của môi trường, là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ở nước ta hiện nay. Cụ thể:

 Rác thải sinh hoạt ảnh hưởng rất lớn đến cả nguồn nước mặt và nước ngầm. Rác có thể do người dân đổ trực tiếp hoặc bị cuốn trôi theo nước mưa xuống sông, ao hồ, cống rãnh… Lượng rác này sau khi bị phân huỷ sẽ tác động trực tiếp và gián tiếp đến chất lượng nước mặt, nước ngầm trong khu vực, làm ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm, gây ra các bệnh nguy hiểm.

– Trong thành phần rác thải có chứa nhiều chất độc, khi rác thải được đưa vào môi trường và không được xử lý khoa học thì những chất độc xâm nhập vào đất sẽ tiêu diệt nhiều loài sinh vật có ích cho đất, làm cho môi trường đất bị giảm tính đa dạng sinh học và phát sinh nhiều sâu bọ phá hoại cây trồng. Đặc biệt, hiện nay, việc sử dụng tràn lan các loại túi nilon trong sinh hoạt hằng ngày, mà các túi nilon này cần 50 – 60 năm mới phân hủy trong đất. Do đó, chúng tạo thành các bức tường ngăn cách trong đất, hạn chế quá trình phân hủy, tổng hợp các chất dinh dưỡng, làm cho đất giảm độ phì nhiêu, đất bị chua và năng suất cây trồng giảm sút.

– Rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi, chất đống lộn xộn, không thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý,… để lại những hình ảnh không đẹp, gây mất mỹ quan.

– Trong rác thải sinh hoạt, thường hàm lượng hữu cơ chiếm tỷ lệ lớn. Các loại rác hữu cơ dễ phân huỷ gây hôi thối, phát triển vi khuẩn gây hại làm ô nhiễm, mất vệ sinh môi trường và ảnh hưởng tới sức khỏe. Khu tập trung rác là nơi thu hút, phát sinh và phát triển chuột, ruồi, muỗi, gián, các loại vi trùng gây nhiều chứng bệnh truyền nhiễm cho con người, vật nuôi trong gia đình. Rác thải không được thu gom, tồn đọng trong không khí, lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của những người sống xung quanh… Đặc biệt, các bãi rác công cộng là nguồn mang dịch bệnh.

Để bảo vệ sức khỏe của bản thân, cộng đồng cũng như làm cho môi trường sống không bị ô nhiễm bởi rác thải, mỗi người dân hãy nêu cao ý thức bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ hằng ngày.

1, Cách phân loại rác thải sinh hoạt tại các gia đình

Phân loại rác tại nguồn – tức là tại điểm phát sinh rác thải là một điều “lý tưởng” với những người làm công tác về môi trường. Tuy nhiên tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam do thói quen sinh hoạt cổ truyền mà rác thải sinh hoạt thường bị vứt bừa bãi, không đúng nơi quy định chứ chưa nói đến việc mỗi người có ý thức phân loại rác ra sao.

Thành phần rác

Các đối tượng rác thải cụ thể

Giấy

Sách, báo, tạp chí, vở cũ, giấy loại và các loại thùng bao bì bằng giấy

Thủy tinh

Chai lọ đã qua sử dụng, mảnh vỡ thủy tinh

Kim loại

Lon, sắt, chuỗi bóng đèn và các hợp kim

Chất dẻo

Chai nhựa, bao ni lông

Vật liệu trong xây dựng

Đồ sành sứ cũ, bê tông, đất đá

Chất hữu cơ có thể phân hủy

Thực phẩm thừa, rau trái, sản phẩm phụ nông nghiệp, phân gia súc

Chất hữu cơ khó phân hủy

Cao su, vải vụn, gỗ, lông gia súc, tóc

2, Các bước xử lý rác thải sinh hoạt từ những hộ gia đình:

– Các hộ gia đình tự phân loại rác thải sinh hoạt dựa vào thành phần theo bảng trên theo từng loại: rác hữu cơ (rau, củ, quả, thức ăn thừa…), rác vô cơ (các sản phẩm từ thủy tinh, kinh loại…) và các loại các loại chất thải còn lại (sành, sứ, xỉ than, giấy nilon….), sau đó có biện pháp thu gom để riêng từng loại rác. Các gia đình có thể lựa chọn các loại thùng đựng rác khác nhau để chứa các loại rác cho phù hợp: thùng rác inox cao cấp chứa rác trong phòng khách, phòng ngủ… thùng rác nhựa có nắp dùng trong phòng bếp, phòng tắm, phòng vệ sinh…

– Quá trình thu gom có thể được thực hiện bằng xe ép rác 2 ngăn hoặc bằng thùng rác nhựa có bánh xe luân phiên theo ngày hoặc theo một lịch cố định. Nhân viên môi trường mà cụ thể là những người làm công tác thu gom rác sẽ có nhiệm vụ phân loại một các sơ bộ rác và những vật liệu có thể tái chế.

– Từ đó rác thải sẽ được vận chuyển bằng các phương tiện vận tải chuyên chở hiện đại đến nơi xử lý rác cuối cùng.

Quá trình này được thực hiện một cách đều đặn và thường xuyên nhằm tránh xảy ra tình trạng ứ thừa rác thải sinh hoạt hàng ngày tại các khu dân cư.

3, Sơ đồ xử lý rác thải sinh hoạt

Đội ngũ những người làm công tác thu gom rác thải sẽ tổng hợp rác thải sinh hoạt từ các hộ gia đình, các khu dân cư hoặc từ các thùng đựng rác, thùng rác nhựa cố định tại các địa điểm công cộng (công viên, vườn hoa, bệnh viện, trường học…) .

Sau khi rác thải được phân loại sẽ được đem đi chôn lấp còn rác hữu cơ sẽ được dùng làm phân hữu cơ sẽ được xử lý theo đúng yêu cầu về môi trường của các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Một số khác dễ phân hủy sẽ được tận dụng để sản xuất phân bón hóa học.

Rác thải sinh hoạt được xử lý theo quy trình như thế nào?
Sơ đồ quy trình xử lý rác thải sinh hoạt chủ yếu hiện nay

Như chúng ta đã biết, phương pháp xử lý rác thải chính của Việt Nam hiện nay chủ yếu là chôn lấp, với kỹ thuật đơn giản. Thực tế cho thấy, các phương pháp xử lý rác thải tại nước ngoài áp dụng cho nước ta đều không hiệu quả do đặc thù rác thải chưa được phân loại tại nguồn. Hiện nay, lượng rác ở đô thị được đưa đến bãi chôn lấp tập trung chiếm 71% , lượng rác còn lại được vứt ở ao hồ, kênh rạch, ven đường.

Thực tế, tình hình quản lý rác thải sinh hoạt có nhiều bước tiến, tuy nhiên vẫn không đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của rác thải sinh hoạt.

tm-img-alt
Phần lớn rác thải tại các đô thị nước ta đều sử dụng phương pháp chôn lấp lạc hậu

Cả nước hiện có trên 100 bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt, tuy nhiên chỉ có 20 bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh có thể gây ra ô nhiễm môi trường đất, không khí và đặc biệt là nước thải rỉ rác từ các bãi chôn lấp. Trong khi ở các nước tiên tiến, với công nghệ kỹ thuật hiện đại, họ xử lý rác thải sinh hoạt bằng cách ủ phân compost, không chỉ giải quyết được vấn đề rác thải mà còn đem lại lợi ích kinh tế. Hiện  nay, việc khống chế mùi hôi tại các bãi chôn lấp được thực hiện bằng việc phun các chế phẩm sinh học và được thực hiện thủ công, điều này có thể gây độc hại cho công nhân.

tm-img-alt
Cần tạo cơ chế để thu hút đầu tư công nghệ xử lý rác

Ở Việt Nam, phương pháp đốt thường được ứng dụng trong xử lý rác thải nguy hại, chủ yếu là chất thải y tế. Rác thải sinh hoạt thường chứa độ ẩm cao do đó phương pháp đốt không hiệu quả. Mặt khác, việc đầu tư một lò đốt công nghiệp thường yêu cầu kinh phí khá lớn. Công nghệ đốt nếu vận hành không đúng kỹ thuật sẽ sinh ra các chất làm ô nhiễm không khí, do đó cũng cần có hệ thống xử lý khí thải khi áp dụng phương pháp đột.

Phương pháp dùng rác thải sinh hoạt để sản xuất phân hữu cơ không phổ biến và chỉ giải quyết được một lượng nhỏ rác thải sinh hoạt. Việc đầu tư dây chuyền công nghệ để sản xuất phân hữu cơ cũng khá tốn kém. Mặt khác, việc sử dụng phân hữu cơ trong nông nghiệp chưa được phổ biến rộng rãi, vì thế nguồn cung không lớn. Nếu phân hữu cơ không có ưu điểm vượt trội thì rất khó cạnh tranh với các loại phân bón truyền thống.

Trước tình hình này, vấn đề lựa chọn công nghệ xử lý rác thải phù hợp là một nhiệm vụ quan trọng đối với các nhà khoa học, các cấp chính quyền. Làm thế nào để lựa chọn được phương pháp xử lý phù hợp với tính chất rác thải cũng như điều kiện kinh tế nước ta đang là một câu hỏi khó./.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích