Phương tiện giao thông trong vùng phát thải thấp phải đáp ứng tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt
Xây dựng vùng phát thải thấp trên địa bàn để giảm thiểu ô nhiễm không khí
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 8 triệu phương tiện, trong đó gần 1,5 triệu ô tô. Tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân của thành phố là 4,5%/năm, riêng ô tô khoảng 10%. Đây chính là nguyên nhân khiến cho thành phố Hà Nội liên tiếp chìm trong tình trạng ô nhiễm không khí trong những ngày gần đây. Trên nhiều con đường, tuyến phố, người tham gia giao thông lại phải đi sau những chiếc xe đang phun ra khói đen kịt thì càng thêm ngột ngạt, khó thở.
Theo Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội, kết quả quan trắc cho thấy số ngày chỉ số chất lượng không khí (VN_AQI) ở mức kém và xấu chiếm tỉ lệ hơn 30% tổng số ngày quan trắc trong năm (xấp xỉ 110 ngày – phóng viên). Nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm tại Hà Nội vượt gần 2 lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên là bởi giao thông vận tải đang là nguồn phát thải PM2.5 lớn nhất (chiếm 50-70%); nguồn sản xuất công nghiệp (14-23%), còn lại là từ các nguồn sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
Trước thực trạng cấp bách trên, để cải thiện môi trường nói chung và không khí nói riêng, UBND thành phố Hà Nội đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp trên địa bàn nhằm cụ thể hóa Luật Thủ đô 2024. Vùng phát thải thấp (LEZ) là khu vực giới hạn trong thành phố, nơi có mức độ ô nhiễm không khí cao. Các phương tiện giao thông hoạt động ở khu vực này phải đáp ứng tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt. Phương tiện không đạt tiêu chuẩn sẽ bị hạn chế hoặc phải trả phí.
Tình trạng ô nhiễm không khí tại thành phố Hà Nội ngày càng nghiêm trọng. Ảnh minh họa
Theo đó, Hà Nội sẽ phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy, tiến tới dừng hoạt động xe máy ở các quận vào năm 2030 (theo nghị quyết của HĐND thành phố từ năm 2017). Đồng thời, rà soát, xác định các khu vực đủ điều kiện phát triển không gian đi bộ gắn với các khu vực danh lam thắng cảnh, khu vực bảo tồn, phát triển du lịch trên địa bàn các quận thuộc Thành phố.
Xây dựng và triển khai đề án nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động vận tải hành khách công cộng vận tải hành khách bằng xe buýt tạo sự kết nối hợp lý và thuận tiện. Xây dựng kế hoạch phân công trách nhiệm cụ thể triển khai thực hiện các chỉ tiêu về phát triển vận tải hành khách công cộng đáp ứng phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân. Dự kiến, việc thí điểm mô hình vùng phát thải thấp (LEZ), hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm sẽ được thực hiện từ đầu năm 2025.
TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam khẳng định, xây dựng những vùng phát thải thấp sẽ là một trong những biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu ô nhiễm đô thị. Vùng phát thải thấp thì chỉ có các phương tiện phát thải thấp được đi vào, mô hình này học tập theo nhiều nước, có thể nhỏ trong vài khu phố, hoặc có thể áp dụng ở một vùng nhỏ rồi phát triển ra vùng lớn hoặc một khu vực. Có mô hình thì cấm 24/7, có mô hình cấm cuối tuần hoặc theo giờ. Hà Nội cũng đang hướng tới xây dựng thí điểm mô hình này nhằm giảm thiểu ô nhiễm từ phương tiện giao thông cá nhân.
Cần có biện pháp kiểm soát, nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo tính khả thi
Để triển khai mô hình này, theo bà Lê Thanh Thuỷ, Phó Trưởng phòng Quản lý Môi trường, Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội cho rằng, thành phố có lợi thế là tại Điều 28 của Luật Thủ đô mới được Quốc hội thông qua đã quy định tiêu chí cùng các giải pháp để xây dựng các vùng phát thải thấp. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thành phố định hướng và có cơ sở xây dựng khu vực phát thải thấp. Dự kiến, quận Hoàn Kiếm là quận tiên phong thực hiện xây dựng khu vực phát thải thấp.
Theo bà Thủy, có 2 chủ thể quyết định đến mức độ thành công của mô hình này: “2 chủ thể quan trọng là Sở Giao thông Vận tải đưa ra các chương trình, kế hoạch để sắp xếp lại giao thông. Thứ hai là chính quyền địa phương, đơn vị sẽ thực hiện việc này với những chính sách cụ thể, đặc thù cho khu vực phát thải thấp, làm sao lấy được sự đồng thuận, gắn kết của người dân vào các hoạt động phát thải thấp này. Xây dựng khu vực phát thải thấp không chỉ Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Giao thông Vận tải, các quận huyện mà là sự chung tay của các sở ngành và người dân”
Dưới góc nhìn của TS Đinh Thị Thanh Bình, Giảng viên trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội, vùng phát thải thấp là một biện pháp quản lý giao thông đô thị. Trên thế giới, người ta thường gắn liền vùng phát thải thấp với hạn chế giao thông cơ giới gây phát thải đi vào khu vực đó.
Để thực hiện khu vực phát thải thấp, TS Đinh Thị Thanh Bình cho rằng, đơn vị chức năng phải tổ chức được luồng phương tiện giao thông đi ngang qua, đi vòng tránh khu vực bị hạn chế; đồng thời nhận diện được phương tiện có mức phát thải cao, có biện pháp kiểm soát, xử lý được những phương tiện vi phạm.
Ban hành cơ sở pháp lý để triển khai vùng phát thải thấp ví dụ như các Nghị quyết, quyết định, các tiêu chuẩn, tiêu chí để lựa chọn vùng phát thải và các điều kiện để có thể tổ chức các vùng phát thải thấp để sau đó chọn khu vực có quy mô nhỏ để áp dụng thí điểm. Từ thí điểm đó rút ra bài học, kinh nghiệm để điều chỉnh để có thể triển khai tiếp theo.
PGS.TS Vũ Thanh Ca, nguyên Giảng viên cao cấp trường Đại học Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng, mô hình này cần được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng về đặc điểm kinh tế, xã hội và mức độ ô nhiễm để đảm bảo tính khả thi. Việc xây dựng thí điểm vùng phát thải thấp và hạn chế phương tiện gây ô nhiễm cần được nghiên cứu một cách kỹ càng khi áp dụng ở Hà Nội. Và nếu mô hình này thành công có thể áp dụng cho những đô thị khác. Mô hình mang lại nhiều ý nghĩa trong việc giảm thiểu ô nhiễm không khí không chỉ cho Hà Nội mà còn ở các đô thị khác ở nước ta.
Cùng với việc xác định tiêu chí, cách thực hiện vùng phát thải thấp, theo ông Chu Mạnh Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Giao thông Vận tải), còn cần quyết tâm của các cấp chính quyền để đảm bảo hiệu quả khi triển khai.
Theo các chuyên gia, để “cứu” Hà Nội khỏi bụi mịn, không còn cách nào khác là phải kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm chính hiện nay, trong đó đáng kể nhất là nguồn phát thải từ hoạt động giao thông.
An Dương (T/h)