Phương thức hữu hiệu quảng bá các sản phẩm OCOP đã được chứng nhận
Đưa nông sản an toàn sản xuất theo chuỗi liên kết lên chợ thương mại điện tử
Nhằm định hướng phát triển, xúc tiến thương mại đối với các mặt hàng nông sản của tỉnh, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, từ cuối tháng 12/2022 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đang vận hành trang thông tin thương mại điện tử nongsandalatlamdong.vn, chuyên trang thương mại về nông sản đầu tiên của tỉnh nhằm mục đích giới thiệu, quảng bá tiêu thụ các sản phẩm OCOP đã được chứng nhận trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Từ đó, đưa các sản phẩm nông sản an toàn sản xuất theo chuỗi liên kết lên chợ thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá, kết nối, xúc tiến tiêu thụ cho người dân và các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sơ chế, chế biến nông sản tỉnh Lâm Đồng đến đông đảo người tiêu dùng toàn quốc, hướng đến xuất khẩu ra thị trường các nước. Từng bước thiết lập, kết nối xã hội hóa mạng lưới dịch vụ vận chuyển, giao nhận và hoàn tất các đơn hàng cho chợ thương mại điện tử.
Hiện nay, trang thương mại điện tử đã cập nhật toàn bộ thông tin 214 sản phẩm của 123 chủ thể OCOP và thông tin 1.149 mặt hàng nông sản của 350 doanh nghiệp/hợp tác xã kinh doanh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Ngoài ra, Trang thông tin thương mại điện tử này còn cung cấp các thông tin liên quan đến lĩnh vực quản lý chất lượng như: chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng, thương hiệu, nhãn hiệu, tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc…
Bên cạnh đó, tại Lâm Đồng các mặt hàng còn đang được giới thiệu, bán hàng trên các trang thương mại điện tử khác của tỉnh như www.dalatproducts.com (do Sở Công thương quản lý), www.dalatkettinhkydieutudatlanh.vn (do Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch quản lý) và các trang website của các doanh nghiệp.
Trong thời gian qua, các sàn giao dịch nông sản nói riêng và thương mại điện tử nói chung của tỉnh phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, giao dịch trên thương mại điện tử của tỉnh Lâm Đồng còn nhiều hạn chế do tâm lý của người mua hàng vẫn mong muốn được “nhìn tận mắt, sờ tận tay” sản phẩm mình muốn mua; trình độ tiếp cận công nghệ thông tin của người dân, đặc biệt vùng nông thôn còn hạn chế, dẫn tới tâm lý e ngại mua hàng trên không gian mạng; dịch vụ logistics giao hàng, hoàn tất đơn hàng còn nhiều hạn chế do chưa có nhiều đơn vị mở loại hình dịch vụ này…
Nâng cao hiệu quả công tác phát triển thương mại điện tử cho nông sản
Để nâng cao hiệu quả công tác phát triển thương mại điện tử cho nông sản của tỉnh Lâm Đồng trong thời gian tới, kế hoạch và giải pháp cụ thể đã được sở ban ngành chức năng đưa ra.
Đó là, xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh có tính cạnh tranh và phát triển bền vững, trong đó hỗ trợ ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng; phát triển nền tảng thương mại điện tử thông qua chuỗi giá trị. Các nhà sản xuất lớn, nhà phân phối vừa và nhỏ, nhà bán buôn và các kênh thương mại bán lẻ, công ty thương mại điện tử cùng cấu thành nên chuỗi cung ứng; tăng cường xây dựng các hệ thống hạ tầng và dịch vụ nhằm hỗ trợ phát triển thương mại điện tử.
Thực hiện các mục tiêu Nghị quyết của Tỉnh Ủy và Quyết định của UBND tỉnh về phát triển thương mại điện tử trong thời gian tới, cụ thể: 100% sản phẩm OCOP của tỉnh được đưa lên quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các trang thương mại điện tử. Đến năm 2030, doanh thu trao đổi qua thương mại điện tử chiếm khoảng 10,5 – 11% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, 45% doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch thương mại điện tử …
Phát triển thương mại điện tử trở thành hình thức thương mại chủ đạo; tăng cường đầu tư, phát triển công nghệ, kết nối hạ tầng, đầu tư cho công nghệ thông tin để bảo đảm an toàn, thuận tiện cho người tiêu dùng tham gia giao dịch thương mại điện tử. Ứng dụng hiệu quả mô hình quản lý các sàn giao dịch thương mại điện tử, các website bán hàng điện tử, các hoạt động giao dịch thương mại thông qua các trang diễn đàn, mạng xã hội.
Triển khai các chương trình thương mại điện tử hóa nông thôn, đào tạo kỹ năng kinh doanh thương mại điện tử cho người dân nông thôn; phối hợp với các nền tảng thương mại điện tử để tạo ra các gian hàng và hỗ trợ người dân nông thôn đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; xây dựng nền tảng trực tuyến cho các sản phẩm được dán nhãn sinh thái, thân thiện với môi trường…
Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục phối hợp với các sở ban ngành cung cấp thông tin, hỗ trợ các doanh nghiệp lên các trang thương mại điện tử. Phối hợp với các trang/sàn thương mại điện tử tăng cường công tác quản lý chất lượng nông sản của tỉnh. Kịp thời xử lý các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng nói riêng và thương hiệu nông sản Đà Lạt – Lâm Đồng nói chung.
Theo Thương hiệu Công luận
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu