Phúc Yên (Vĩnh Phúc): Tăng cường triển khai thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang

(Xây dựng) – Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn thành phố Phúc Yên đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể; sự ủng hộ tích cực của cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động.

Phúc Yên (Vĩnh Phúc): Tăng cường triển khai thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang
Ảnh minh họa.

Việc cưới, việc tang được tổ chức phù hợp với điều kiện đặc điểm, phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương, tuân thủ các quy định về nếp sống văn hóa và quy ước, hương ước của thôn, tổ dân phố, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, tiến bộ.

Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, địa phương, đơn vị đã quán triệt, tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về các quy định của Trung ương, của tỉnh về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới việc tang, đặc biệt là Quyết định 308/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 11-CT/TU của Tỉnh ủy và Quyết định số 02/2019/QĐ-UBND ngày 10/01/2019 của UBND tỉnh ban hành Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, bước đầu tạo được sự chuyển biến tích cực về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.

Trên địa bàn thành phố hiện nay, việc cưới từng bước tổ chức theo nếp sống mới, tiết kiệm, văn minh. Nhìn chung các đám cưới đã được đơn giản hóa về thủ tục, tổ chức trang trọng, tiết kiệm phù hợp với thuần phong, mỹ tục và điều kiện kinh tế của gia đình; chấp hành nghiêm Luật Hôn nhân và Gia đình. Các thủ tục chạm ngõ, ăn hỏi, xin cưới, đón dâu được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ, không phô trương hình thức, không rườm rà, không nặng về đòi hỏi lễ vật, dần hình thành tổ chức đám cưới theo nếp sống mới. Đa số tổ chức trong 1 ngày, không mời khách tràn lan, tổ chức trong phạm vi gia đình, dòng họ, không mời hút thuốc lá, không ăn lại mặt, tổ chức nghi lễ đơn giản, tiết kiệm, đã góp phần giảm gánh nặng chi phí kinh tế cho gia đình

Về việc tang, các hủ tục lạc hậu cơ bản đã được loại bỏ như: Không để linh cữu tại nhà quá 48 giờ; không tổ chức mời khách ăn uống trong ngày tang lễ; hạn chế việc rải vàng mã, tiền trên đường đưa tang. Việc cử nhạc tang được chấp hành nghiêm chỉnh theo tinh thần Quyết định 308/2005/QĐ-TTg, không cử nhạc tang trước 5 giờ sáng và sau 22 giờ đêm; việc tổ chức cúng 49 ngày, 100 ngày, giỗ đầu, giỗ hết, cải táng được tiến hành gọn nhẹ, tiết kiệm. Việc thực hiện vòng hoa luân chuyển từng bước được thực hiện hiệu quả. Đặc biệt, hình thức hỏa táng ngày càng được nhân dân đồng tình và tự giác thực hiện. Người dân đã thay đổi tư duy thói quen, nhận thức được lợi ích thiết thực của việc chuyển đổi từ hung táng sang sử dụng hình thức hỏa táng cho người chết. Tỷ lệ người dân lựa chọn hình thức hỏa táng cho người chết tăng dần qua các năm. Thành phố Phúc Yên hiện nay có tỷ lệ hỏa táng đạt cao, đạt trên 70%.

Người dân nhận thức được lợi ích thiết thực của việc tự giác, tôn trọng các quy định về nếp sống văn minh trong việc tang của cộng đồng. Do đó, môi trường xã hội có chuyển biến lành mạnh, ý thức tôn trọng pháp luật của người dân được nâng lân. Hiệu quả vai trò quản lý Nhà nước về văn hóa trong đời sống cộng đồng được khẳng định rõ rệt, góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, gạt bỏ dần các yếu tố lạc hậu và hủ tục mê tín.

Tuy nhiên, việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Quyết định 308/2005/QĐ-TTg ở một số cấp ủy đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị còn chưa thường xuyên, nghiêm túc. Hiện tượng rắc vàng mã, tiền giấy trên đường đưa tang; việc cưới, việc tang ở một số nơi vẫn còn tổ chức dài ngày, dựng rạp lấn chiếm lòng, lề đường, chưa thực hiện nghiêm túc theo các quy định về nếp sống văn minh…

Nhằm tiếp tục tăng cường triển khai các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mới đây, UBND thành phố Phúc Yên đã yêu cầu phòng văn hóa và thông tin, Trung tâm Văn hóa – Thông tin – Thể thao, UBND các xã, phường tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang theo các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống phát thanh và cổng thông tin điện tử thành phố, phổ biến, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; tổ chức trang trọng, văn minh, tiết kiệm, phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của từng địa phương, dân tộc, tôn giáo và hoàn cảnh gia đình; loại bỏ các hủ tục lạc hậu, phô trương, lãng phí. Thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, bình xét các danh hiệu văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, “Làng văn hóa kiểu mẫu”, đô thị văn minh và các phong trào thi đua tại địa phương. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng và thực hiện hương hước, quy ước của cộng đồng dân cư gắn với việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích