Phục hồi du lịch ở Quảng Nam: Trải nghiệm mở trong tour khép kín
Trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch, ngành du lịch Quảng Nam từng bước hướng đến các sản phẩm gắn với cộng đồng để du khách trải nghiệm mở trong các tour khép kín.
Du khách tham quan Khu di tích Mỹ Sơn. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN) |
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam, Nguyễn Thanh Hồng cho biết tỉnh là một trong những địa phương được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất lộ trình mở lại hoạt động du lịch quốc tế theo ba giai đoạn.
Cụ thể, giai đoạn 1 (từ tháng 11/2021), thí điểm đón khách quốc tế theo chương trình du lịch trọn gói, thông qua các chuyến bay thuê bao và chuyến bay thương mại tại Phú Quốc, Cam Ranh, Quảng Nam, Đà Nẵng.
Giai đoạn 2 (từ tháng 1/2022), mở rộng phạm vi đón du khách quốc tế, kết nối các điểm đến thông qua chuyến bay thuê bao và quốc tế thường lệ. Giai đoạn 3 (từ quý 2/2022), mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách quốc tế với điều kiện bảo đảm các phương án phòng, chống dịch theo quy định.
Trước điểm xuất phát của lộ trình này, Quảng Nam đã xây dựng các phương án, chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất, sản phẩm du lịch, nguồn nhân lực, tuân thủ biện pháp phòng dịch để hoạt động du lịch “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.”
Trải nghiệm mở trong các tour khép kín
Tổng Giám đốc điều hành Hoiana Steve Wolstenholme nhấn mạnh, lộ trình mở lại hoạt động du lịch trong bối cảnh đại dịch COVID-19 dần được kiểm soát một cách chặt chẽ, cộng đồng được phổ cập vaccine là cơ hội tốt để ngành du lịch lấy lại vị thế của mình.
Là đơn vị được chọn đón khách thí điểm, Hoiana chủ động chuẩn bị, kết nối với các điểm đến, xây dựng phương án đón khách một cách một cách bài bản, tránh tình trạng vừa mở cửa thì phải đóng cửa vì không đảm bảo an toàn, gây mất hình ảnh, niềm tin đối với du khách. Nhu cầu trải nghiệm của du khách sau thời gian dài bị “đóng băng” là điều không tránh khỏi song yếu tố an toàn phải đặt lên hàng đầu.
Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn Phan Hộ cho biết thời gian qua, tuy tình hình dịch bệnh vắng khách nhưng công tác duy tu, bảo dưỡng cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch tại quần thể Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn vẫn được duy trì thường xuyên, đảm bảo phục vụ du khách.
Các sản phẩm, dịch vụ du lịch như múa Chăm, trung chuyển xe điện, dịch vụ bán hàng, thuyết minh di tích… được quan tâm củng cố, nâng cao chất lượng. Kiến trúc công trình được duy tu, bảo dưỡng sẵn sàng phục vụ du khách trong thời gian tới.
Ban Quản lý đang xây dựng nhiều sự kiện, sản phẩm độc đáo, mới mẻ phục vụ du khách khi du lịch từng bước được mở cửa. Một trong những sản phẩm du lịch đó là “Đêm Mỹ Sơn huyền thoại” được kỳ vọng sẽ góp phần tích cực trong bảo tồn và khai thác các giá trị văn hóa phi vật thể dân gian, có khả năng thu hút khách du lịch, nhất là khách quốc tế.
Đây là một trong những sản phẩm được nhiều hãng lữ hành, công ty hoạt động trong ngành du lịch trong và ngoài tỉnh tích cực đón nhận để phục vụ du khách trải nghiệm mở trong các tour khép kín khi dịch bệnh dần được kiểm soát, ông Phan Hộ cho biết thêm.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân chia sẻ để chuẩn bị đón khách du lịch theo lộ trình của Chính phủ, tỉnh đã chọn 3 đơn vị gồm Hoiana, TUI Blue Nam Hội An, Vinpearl Nam Hội An để cung cấp dịch vụ du lịch.
Đặc biệt, phố cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn được thí điểm đón khách tham quan. Trong điều kiện “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19,” ngành du lịch Quảng Nam từng bước hướng đến các sản phẩm gắn với cộng đồng để du khách trải nghiệm mở trong các tour khép kín.
Do đó vai trò của các công ty lữ hành trong việc xây dựng tour, tuyến gắn với chất lượng, sản phẩm du lịch, dịch vụ ở giai đoạn thí điểm này rất quan trọng, có yếu tố quyết định để khôi phục hoạt động du lịch bền vững.
Tuân thủ tuyệt đối biện pháp phòng dịch
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, do vậy việc Hội An được chọn làm điểm đến trong lộ trình mở cửa trở lại là niềm vui không chỉ riêng với thành phố, với tỉnh Quảng Nam mà còn có sức lan tỏa tới các trung tâm du lịch lớn trong khu vực.
Một góc trung tâm phố cổ Hội An. (Ảnh: CTV/Vietnam+) |
Để mở cửa trở lại các hoạt động du lịch, thành phố tập trung cải thiện môi trường du lịch, đẩy mạnh quảng bá xúc tiến du lịch, ứng dụng công nghệ thông tin và đào tạo lại nguồn nhân lực.
Hội An thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt như, kế hoạch tiêm vaccine toàn dân gắn với xây dựng tour, tuyến du lịch hợp lý, hấp dẫn và an toàn nhất nhằm tạo thuận lợi cho du khách trải nghiệm.
Thành phố tập trung nâng cấp chất lượng sản phẩm, các loại hình dịch vụ để đón du khách đến phố cổ Hội An trong những tháng cuối năm và đầu năm tới, chuẩn bị đầy đủ tâm thế đón khách quốc tế theo chương trình hộ chiếu vaccine, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An kỳ vọng.
Là điểm du lịch thu hút phần lớn lượng khách quốc tế khi đến Quảng Nam, ông Phan Hộ, Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn cho biết: Đơn vị luôn thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K của Bộ Y tế.
Ngoài việc yêu cầu du khách phải đeo khẩu trang khi vào cổng tham quan, đơn vị cấp phát miễn phí khẩu trang khi khách có nhu cầu; giữ khoảng cách trong tiếp xúc giữa nhân viên và du khách, giữa các nhóm du khách với nhau, bố trí nhân viên làm việc từng vị trí phù hợp, chú trọng đội ngũ nhân viên thường xuyên tiếp xúc với khách như lái xe, người bán vé, kiểm soát vé, thuyết minh…
Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn yêu cầu tất cả du khách phải khai báo y tế tại cổng soát vé trên phần mềm ứng dụng PC-Covid. Đối với nhân viên phục vụ, hiện nay, 100% cán bộ, nhân viên đã hoàn thành 2 mũi vaccine, đảm bảo điều kiện sẵn sàng đón khách…
“Thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trong bối cảnh “bình thường mới,” mở cửa đón khách du lịch một cách an toàn, bền vững, sẵn sàng nguồn lực, phương án, kế hoạch cùng các gói ưu đãi để đón bắt cơ hội phục hồi du lịch ngay khi có điều kiện… là những bước đi thận trọng, mạnh mẽ của Quảng Nam hiện tại cũng như thời gian tới./.
Nguồn: Báo xây dựng