Phục hồi cây xanh đô thị sau bão

(Xây dựng) – Bão số 3 qua đi đã để lại những thiệt hại vô cùng lớn đối với lá phổi xanh của Thủ đô. Thống kê sơ bộ, bão số 3 khiến 8.700 cây đô thị của Hà Nội bị gãy đổ, tuy nhiên trong số đó chỉ có thể dựng trồng lại được khoảng 1.900 cây. Bên cạnh đó là mối nguy hiểm tiềm tàng từ những cây xanh già cỗi lâu năm trước bão gió, vì vậy việc khôi phục cây xanh nghiêng, đổ… cần khắc phục nhanh và kịp thời.

Phục hồi cây xanh đô thị sau bão
Cây cổ thụ lâu năm đổ do bão gây thiệt hại cả về người và của.

Thách thức trong quản lý cây xanh đô thị

Dù có nhiều lợi ích, nhưng việc quản lý cây xanh đô thị không phải lúc nào cũng đơn giản. Theo ông Thân Ngọc Linh, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam (VNCC) cho rằng: “Tại các thành phố lớn như Hà Nội cần rà soát, quy hoạch lại hệ thống cây xanh đô thị khoa học, thực tiễn và an toàn hơn. Cụ thể là đề xuất chỉnh trang cây xanh đô thị là việc làm cấp thiết, bởi việc đốn hạ cây đang bình thường là một vấn đề khó cho các cơ quan quản lý Nhà nước bởi số đông người dân chưa hiểu hết hệ luỵ và sự nguy hiểm của cây xanh già cỗi nên đã tạo một làn sóng phản đối. Không chỉ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và cả các đô thị lớn khác. Chúng ta đang sống cùng các hiểm hoạ luôn luôn cận kề, bất kể lúc nào cũng có thể xảy ra cây đổ gây sập, hỏng nhà cửa và tệ hơn là gây thương vong cho con người.

Chúng ta có thể xót xa cho những cụ cây mà theo một số người nó là biểu tượng cho con đường, góc phố. Nhưng không có nghĩa là cố giữ dù nhiều cây đã rỗng thân. Qua đó, cần thiết phải loại các cây cũ đã mục, gốc quá to (1m/1,5m vỉa hè), rễ nông và to làm hỏng vỉa hè lòng đường”.

Cây xanh đô thị không thiếu các chủng loại đẹp, hợp hơn và cần có niên hạn. Nên chăng khuyến khích việc chỉnh trang cây xanh của Hà Nội là việc làm cấp thiết ngay lúc này. Một số thành phố đang đối diện với nguy cơ mất cây xanh do quá trình phát triển hạ tầng, xây dựng hoặc thiên tai. Các yếu tố như biến đổi khí hậu, lũ lụt, và sâu bệnh cũng là những thách thức lớn đối với việc bảo tồn cây xanh. Ngoài ra, việc trồng cây mới, và bảo tồn cây lâu năm trong đô thị cần phải cân nhắc đến nhiều yếu tố như loại cây phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, bảo đảm an toàn giao thông và không làm hư hại đến cơ sở hạ tầng.

Phục hồi cây xanh đô thị sau bão
Cây lâu năm bật gốc làm ảnh hưởng đến vỉa hè lòng đường.

Nhiều thành phố trên thế giới đã nhận ra tầm quan trọng của việc phát triển cây xanh đô thị và đang nỗ lực mở rộng các công viên, khu vực xanh cũng như triển khai các chương trình trồng cây công cộng. Tại Việt Nam, các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang hướng tới mục tiêu tăng tỷ lệ cây xanh nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống và đối phó với những thách thức môi trường trong tương lai.

Cây xanh đô thị không chỉ là “lá phổi” của thành phố mà còn là yếu tố quan trọng giúp bảo tồn hệ sinh thái, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và tạo nên một không gian sống trong lành cho cộng đồng. Do đó, việc bảo vệ và phát triển cây xanh đô thị là trách nhiệm chung của toàn xã hội.

Khôi phục cây xanh nghiêng, đổ còn phục hồi được

Cảnh tượng những hàng cây đổ, bật gốc, gãy cành đã phần nào được các lực lượng chức năng khắc phục. Thế nhưng, không ít người dân vẫn chủ quan, chưa nhận thức đầy đủ về mối nguy hiểm tiềm tàng khi tiếp tục đỗ xe dưới những gốc cây sau bão. Những hàng cây xanh mướt vốn được xem như “lá phổi” của thành phố giờ đây đang trở thành mối nguy hiểm tiềm tàng trong thời điểm thời tiết cực đoan.

Vì vậy phục hồi cây xanh đô thị sau bão là một công việc quan trọng cần phải thực hiện nhanh chóng, đòi hỏi sự kết hợp giữa quy hoạch, kỹ thuật, và sự tham gia của cộng đồng. Học viện Nông nghiệp Hà Nội đã đưa ra một số kinh nghiệm phục hồi cây xanh đô thị sau bão nhằm chung tay cùng cộng đồng khắc phục hậu quả cơn bão số 3.

Phục hồi cây xanh đô thị sau bão
Có thể phục hồi cây bật gốc nếu được chăm sóc và có phương pháp.

Theo các chuyên gia đến từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam thì công tác đánh giá thiệt hại cần nhanh chóng cũng như: Phân loại cây hư hỏng một cách chính xác, chia các cây bị ảnh hưởng thành các nhóm: Cây gãy hoàn toàn, cây nghiêng nhưng có thể cứu được, và cây ít hư hại.

Ưu tiên khu vực công cộng, như: Trường học, bệnh viện, công viên nên được ưu tiên xử lý trước để đảm bảo an toàn. Tiến hành cắt tỉa và loại bỏ cây nguy hiểm cần sử dụng các phương tiện chuyên dụng để cắt tỉa những cành cây bị hư hỏng, tránh gây thêm nguy hiểm cho người dân. Loại bỏ cây chết hoặc không thể phục hồi, những cây không thể phục hồi cần phải được chặt hạ để tránh nguy cơ đổ ngã.

Dựng lại cây các cây bị nghiêng hoặc bật gốc nhưng có khả năng sống sót cần được dựng lại và cố định bằng dây cáp hoặc cọc. Xử lý vết thương cây bằng cách dùng thuốc bảo vệ thực vật hoặc chất liệu chống nấm để ngăn ngừa cây bị nhiễm khuẩn hoặc nấm sau khi bị hư hại. Bổ sung dinh dưỡng cho cây, bón phân và cung cấp đủ nước cho cây để giúp cây phục hồi nhanh chóng. Bên cạnh đó cần kiểm tra định kỳ theo dõi tình trạng cây xanh trong các tháng tiếp theo, xử lý kịp thời nếu có dấu hiệu bệnh tật hoặc suy yếu.

Kế hoạch phòng ngừa dài hạn

Lựa chọn trồng cây phù hợp với điều kiện khí hậu như loại cây có sức chịu đựng cao với gió bão như cây bàng Đài Loan, cây sao đen, hay cây bằng lăng. Là một trong những loại cây phổ biến được các đô thị trên thế giới lựa chọn.

Đặc biệt là sức mạnh ảnh hưởng từ cộng đồng và nâng cao nhận thức nhận thức cho người dân. Ông Thân Hồng Linh gợi ý: “Chính quyền các cấp cần sự tham gia thường xuyên của người dân, khuyến khích người dân tham gia chăm sóc cây xanh tạo ra các chương trình hỗ trợ cộng đồng trong việc phục hồi và bảo vệ cây xanh nhờ tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức về chăm sóc cây xanh và các biện pháp phòng tránh bão. Nên phát triển như 1 phong trào xã hội hóa, gắn trách nhiệm và công sức của cư dân đô thị với việc chăm sóc, bảo vệ cây xanh”.

Việc phục hồi cây xanh sau bão không chỉ đảm bảo cảnh quan mà còn tăng cường khả năng chịu đựng của hệ sinh thái đô thị, giúp giảm thiểu thiệt hại trong tương lai.

Trong bối cảnh đô thị hóa đang ngày càng phát triển, cây xanh đô thị đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc cân bằng môi trường sống, giảm thiểu ô nhiễm và nâng cao chất lượng cuộc sống. Việc phát triển và bảo vệ hệ thống cây xanh không chỉ giúp thành phố thêm phần mỹ quan mà còn có tác động trực tiếp đến sức khỏe và tinh thần của người dân.

Với chức năng quan trọng trong việc duy trì hệ sinh thái đô thị. Chúng giúp điều tiết khí hậu, giảm nhiệt độ và tạo ra bóng mát, điều mà những khu đô thị với bề mặt bê tông và nhựa đường thiếu hụt nghiêm trọng. Hơn nữa, cây xanh còn là công cụ tự nhiên giúp lọc không khí, loại bỏ các chất ô nhiễm, bụi bẩn và cung cấp oxy.

Một nghiên cứu cho thấy, việc tăng cường diện tích cây xanh có thể giúp giảm nhiệt độ không khí trung bình từ 1-2°C trong mùa hè. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các thành phố lớn, nơi tình trạng “đảo nhiệt đô thị” (urban heat island effect) ngày càng trở nên rõ rệt.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng việc sống gần không gian xanh có tác động tích cực đến sức khỏe con người, bao gồm cả thể chất và tinh thần. Cây xanh giúp giảm căng thẳng, tăng cường sự tập trung, cải thiện chất lượng giấc ngủ và giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Một không gian xanh lớn hơn còn khuyến khích người dân tham gia vào các hoạt động thể chất như đi bộ, chạy bộ hay đạp xe, từ đó nâng cao sức khỏe toàn diện.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích