Phú Yên: Phấn đấu được công nhận mới từ 1 đến 2 làng nghề truyền thống trong năm 2024
(Xây dựng) – Trong năm 2024, tỉnh Phú Yên phấn đấu được công nhận mới từ 1 đến 2 làng nghề; có ít nhất 6 sản phẩm của các làng nghề đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và xây dựng, thực hiện các dự án, mô hình phát triển làng nghề gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, nhằm tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập và góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm của thôn Xí Thoại được UBND tỉnh Phú Yên công nhận vào đầu năm 2024. |
Lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên mới đây đã ký ban hành Kế hoạch khôi phục, phát triển một số làng nghề tiểu thủ công nghiệp và du nhập phát triển một số nghề mới gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh năm 2024. Kế hoạch nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của làng nghề trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế – xã hội khu vực nông thôn bền vững và đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường.
Theo kế hoạch, trong năm 2024, tỉnh Phú Yên phấn đấu được công nhận mới từ 1 đến 2 làng nghề; hỗ trợ phát triển sản phẩm làng nghề tham gia đăng ký thực hiện chương trình OCOP năm 2024, trong đó, có ít nhất 6 sản phẩm của các làng nghề đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Tỉnh cũng sẽ khôi phục và bảo tồn các làng nghề truyền thống như: Làng nghề bánh tráng Long Bình (thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân); làng nghề đan đát Thạnh Đức (xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân); làng nghề trồng dâu nuôi tằm Mỹ Thạnh Tây (xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa). Cùng với đó, sẽ hỗ trợ về vốn đầu tư, đào tạo nghề, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện cho các làng nghề được phục hồi và phát triển.
UBND tỉnh cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện phát triển làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận theo quy định bằng việc kết hợp lồng ghép nguồn vốn của Nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và của nhân dân để hỗ trợ phát triển các làng nghề truyền thống, tạo sức lan tỏa đến các vùng, các làng nghề khác; khuyến khích, hỗ trợ các sản phẩm làng nghề tham gia thực hiện Chương trình OCOP.
Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển ngành nghề và dịch vụ ở nông thôn, trước hết tập trung phát triển làng nghề mới, ngành nghề mới từ những làng nghề thuần nông và tại những làng nghề có các ngành nghề phi nông nghiệp như: Làng nghề nước mắm Mỹ Quang, xã An Chấn, huyện Tuy An; đầu tư phát triển một số làng nghề truyền thống có khả năng phát triển gắn với du lịch như: Làng nghề nước mắm Long Thủy, xã An Phú, thành phố Tuy Hòa.
Các làng nghề sẽ được hỗ trợ đầu tư trang bị máy móc, ứng dụng công nghệ hiện đại vào quy trình sản xuất; đẩy mạnh hoạt động sáng kiến, giải pháp cải tiến kỹ thuật; thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm theo quy định hiện hành của chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, của tỉnh; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho các cơ sở có sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP…
Bên cạnh đó, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho các cơ sở thuộc làng nghề thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm theo quy định hiện hành của chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, của tỉnh; ưu tiên mời các cơ sở tham gia các hội chợ; triển lãm, hội nghị giao thương, kết nối cung cầu nhằm giới thiệu, quảng bá thương hiệu, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Nguồn: Báo xây dựng