Phú Yên: Giảm nghèo bền vững nhờ được hỗ trợ sinh kế và nhà ở
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Yên đã tích cực triển khai các mô hình phát triển sản xuất hiệu quả; trong đó, chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở ổn định đã giúp người nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Yên bàn giao nhà đại đoàn kết cho một hộ nghèo tại huyện Tây Hòa trong năm 2023. Ảnh: TTXVN phát |
Hàng nghìn hộ khó khăn được “an cư”
Năm 2023, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Yên đã tập trung các nguồn lực để hỗ trợ xây dựng nhà ở ổn định cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn. Ông Hồ Hồng Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Yên cho biết, Mặt trận tỉnh đã triển khai Chương trình xây dựng 1.000 căn nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn, nhận được sự đồng tình ủng hộ, đánh giá cao của các tầng lớp nhân dân. Qua triển khai Chương trình, các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, hộ đặc biệt khó khăn đã có nhà ở an toàn, ổn định, để yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thực hiện Chương trình, Ban vận động “Quỹ vì người nghèo” tỉnh Phú Yên đã tiếp nhận gần 58 tỷ đồng từ 25 đơn vị; giải ngân hỗ trợ xây dựng 1.108 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp với các địa phương tiến hành nghiệm thu và bàn giao toàn bộ số nhà được hỗ trợ, giúp người nghèo ổn định chỗ ở.
Được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở, chị Sô Thị Vành (dân tộc thiểu số Chăm Hroi, ở thôn Tân Hòa, xã Sơn Phước, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) cho biết, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo, chủ yếu làm nghề nông, chưa có chỗ ở ổn định. Năm 2023, chị được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng để xây dựng nhà ở. Chị vay thêm của người thân để xây dựng căn nhà mới kiên cố. Từ nay, gia đình chị đã ổn định chỗ ở, chăm lo phát triển kinh tế, quyết tâm thoát nghèo.
Năm 2024, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp của tỉnh Phú Yên tiếp tục thực hiện Chương trình này, với mục tiêu đề ra là vận động ủng hộ 40 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng 800 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo đang ở nhà tạm bợ, dột nát trên địa bàn.
Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo
Hộ ông Võ Đại Mộng (xã Xuân Long, huyện Đồng Xuân) thoát nghèo nhờ được hỗ trợ nuôi bò sinh sản. Ảnh: Tường Quân/TTXVN |
Được triển khai từ năm 2022 đến nay, Dự án hỗ trợ nuôi bò sinh sản do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Yên thực hiện thí điểm tại các xã khó khăn của huyện miền núi Đồng Xuân. Đây là một trong những mô hình cụ thể hóa cho mục tiêu “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo” với 37 hộ tham gia.
Ông Lê Xuân Sang, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Xuân Long (huyện Đồng Xuân) chia sẻ, người dân trên địa bàn xã chủ yếu sống bằng nghề nông và chăn nuôi bò, heo. Tuy nhiên, có nhiều hộ nghèo, cận nghèo thiếu nguồn vốn sản xuất. Được sự hỗ trợ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các hộ dân có điều kiện mở rộng mô hình nuôi bò sinh sản, tăng thu nhập. Đây là việc làm hết sức ý nghĩa, tạo động lực cho người dân vươn lên thoát nghèo, phù hợp với tình hình sản xuất tại địa phương.
Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Yên, Dự án hỗ trợ nuôi bò sinh sản sẽ được nhân rộng để có thêm nhiều hộ nghèo có sinh kế giảm nghèo; dự kiến tổng kinh phí thực hiện 10 tỷ đồng, với 500 hộ nghèo, cận nghèo tại 8 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn được vay vốn (mỗi hộ 20 triệu đồng) để mở rộng chăn nuôi bò sinh sản.
Toàn tỉnh có trên 110 dự án, mô hình giảm nghèo bền vững do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp duy trì thực hiện. Nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả như: nuôi heo tập trung (thị xã Sông Cầu); làm phôi nấm và trồng nấm sò (thị xã Đông Hòa); trồng dưa lưới trong nhà kính (huyện Sông Hinh); nuôi dúi giống và dúi thương phẩm (huyện Sơn Hòa); nuôi chồn hương (huyện Đồng Xuân)…
Giai đoạn 2024 – 2029, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh xây dựng Đề án “Nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế giúp hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo bền vững”. Các mô hình giảm nghèo hiệu quả sẽ được lựa chọn để nhân rộng, phù hợp với tình hình thực tiễn và nhu cầu của các địa phương, mở ra cơ hội giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo tăng thu nhập, có sinh kế bền vững và ổn định cuộc sống.
Theo ông Nguyễn Quốc Hoàn, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Yên, các dự án, mô hình giảm nghèo bền vững của Mặt trận các cấp cơ bản phát huy hiệu quả. Kết quả này có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành, địa phương, đơn vị hỗ trợ; đặc biệt là sự phối hợp tích cực của người được hỗ trợ với tinh thần trách nhiệm, nỗ lực tham gia dự án, mô hình bằng nguồn vốn đối ứng, công sức, áp dụng khoa học, kỹ thuật để đạt hiệu quả cao. Mặt trận các cấp và chính quyền địa phương thường xuyên theo dõi để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Ông Nguyễn Quốc Hoàn nhận định, để các dự án, mô hình giảm nghèo phát huy được hiệu quả, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh xác định rõ nhu cầu của từng đối tượng hộ nghèo, cận nghèo để hỗ trợ phù hợp. Chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan định hướng cho người dân triển khai sản xuất hiệu quả từ nguồn vốn hỗ trợ; đồng thời rà soát, đánh giá để có cơ sở lựa chọn mô hình hiệu quả nhân rộng tại các địa phương, phù hợp từng đối tượng.
Tỉnh Phú Yên hiện còn 8.480 hộ nghèo, cận nghèo; chiếm 3,22% số hộ trong toàn tỉnh. Đến cuối năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu giảm thêm 2.235 hộ nghèo, cận nghèo. Việc triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ sinh kế, nhà ở ổn định của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh sẽ góp phần quan trọng để thực hiện mục tiêu này.
Nguồn: Báo xây dựng