Phú Yên: Đình Vĩnh Phú và đình Phước Khánh được công nhận di tích cấp tỉnh

(Xây dựng) – Đình Vĩnh Phú ở thôn Vĩnh Phú, xã Hòa An và đình Phước Khánh ở thôn Phước Khánh, xã Hòa Trị của huyện Phú Hòa vừa được xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh.

Phú Yên: Đình Vĩnh Phú và đình Phước Khánh được công nhận di tích cấp tỉnh
UBND huyện Phú Hòa tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh đình Vĩnh Phú.

Đình Vĩnh Phú là chứng tích về quá trình hình thành cộng đồng dân cư của thôn Vĩnh Phú nói riêng và cộng đồng người Việt ở vùng đồng bằng Tuy Hòa nói chung; là nơi bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân cư của thôn Vĩnh An xưa và thôn Vĩnh Phú nay, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa, truyền thống uống nước nhớ nguồn và tinh thần đoàn kết, gắn bó của dân tộc.

Đình Vĩnh Phú được xây dựng khá sớm khi lưu dân người Việt có mặt ở đồng bằng Tuy Hòa. Đình được xây dựng trên một khu đất bằng phẳng, nằm chính giữa thôn Vĩnh Phú, có tổng diện tích 3.783m2. Đây là một tổng thể kiến trúc nghệ thuật có bố cục mặt bằng bao gồm nghi môn, sân đình và chánh điện.

Phú Yên: Đình Vĩnh Phú và đình Phước Khánh được công nhận di tích cấp tỉnh
UBND huyện Phú Hòa tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với Di tích lịch sử – văn hóa đình Phước Khánh.

Từ lúc xây dựng cho đến nay, đình Vĩnh Phú trải qua 5 lần tu sửa, phục dựng. Do trải qua thời gian chiến tranh, năm 1970, đình xuống cấp, một số công trình phụ trợ đổ sụp, các bậc cao niên trong làng đã đứng ra vận động kinh phí tu sửa. Đình được xây dựng lại theo kiến trúc nhà cấp 4, 2 gian, 2 mái, lợp ngói. Năm 2006, đình được trùng tu lần cuối từ nguồn kinh phí đóng góp của nhân dân trong vùng. Đây là lần phục dựng thứ năm với kiến trúc cổ lầu, mái lợp ngói, vật liệu xây dựng bằng bê tông cốt thép.

Phú Yên: Đình Vĩnh Phú và đình Phước Khánh được công nhận di tích cấp tỉnh
Đình Vĩnh Phú là Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh Phú Yên.

Với giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu, ngày 24/7/2023, đình Vĩnh Phú được UBND tỉnh Phú Yên ban hành Quyết định công nhận và xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh. Qua đó, khẳng định giá trị lịch sử văn hóa đang được bảo tồn và lưu giữ tại đình, xác lập cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý để bảo vệ và phát huy giá trị di tích lâu dài, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, bồi đắp tình yêu quê hương xứ sở cho các thế hệ.

Phú Yên: Đình Vĩnh Phú và đình Phước Khánh được công nhận di tích cấp tỉnh
Đình Vĩnh Phú được xây dựng khá sớm khi lưu dân người Việt có mặt ở đồng bằng Tuy Hòa.

Đình Vĩnh Phú được công nhận là di tích cấp tỉnh góp phần làm phong phú và đa dạng các loại hình di sản văn hóa trên địa bàn huyện Phú Hòa. Đây sẽ là tiền đề quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương, mà đặc biệt là công tác quy hoạch và phát triển du lịch – dịch vụ trên địa bàn huyện Phú Hòa trong thời gian tới.

Phú Yên: Đình Vĩnh Phú và đình Phước Khánh được công nhận di tích cấp tỉnh
Đình Phước Khánh là Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh Phú Yên.

Đình Phước Khánh ở thôn Phước Khánh, xã Hòa Trị được xây dựng năm Minh Mạng nguyên niên (1820), trong khuôn viên có diện tích 1.517,6m2, nằm quay mặt về hướng Nam, phía Bắc giáp khu dân cư, phía Tây và phía Nam giáp đồng ruộng, phía Đông giáp đường đi. Đình được xây dựng với kiến trúc ban đầu là tranh tre và những cây cột gỗ lớn, gian giữa thờ thần, hai bên thờ tiền hiền và hậu hiền.

Sau năm 1945, do chiến tranh ác liệt nên đình Phước Khánh và các công trình kiến trúc trong khuôn viên bị sụp đổ. Đến cuối những năm 60 của thế kỷ XX, nhân dân thôn Phước Khánh đã quyên góp kinh phí và tổ chức xây dựng lại đình với kiến trúc đơn giản để làm chỗ thờ cúng Thành hoàng của thôn. Công trình đó tồn tại cho đến nay, là chứng tích vật chất về quá trình hình thành cộng đồng dân cư người Việt ở vùng đồng bằng Tuy Hòa trong tiến trình lịch sử.

Phú Yên: Đình Vĩnh Phú và đình Phước Khánh được công nhận di tích cấp tỉnh
Đình Phước Khánh ở thôn Phước Khánh, xã Hòa Trị được xây dựng năm Minh Mạng nguyên niên (1820).

Tại đây còn lưu giữ các bản sao sắc phong có nội dung liên quan đến tín ngưỡng thờ thần Thành hoàng, thần Bạch Mã và thần Thiên Y A Na của thôn Tây Hậu, tiền thân của thôn Phước Khánh, đây là nguồn tư liệu để góp phần nghiên cứu về lịch sử hình thành thôn Phước Khánh nói riêng, cũng như của vùng đất Phú Yên nói chung.

Ngày 24/7/2023, đình Phước Khánh được UBND tỉnh Phú Yên công nhận và xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 949. Đây là nguồn cổ vũ, động viên xã Hòa Trị quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo tồn di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn gắn với phát triển du lịch tâm linh bền vững.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích