Phú Yên: Dấu hiệu thay đổi hiện trạng đất rừng

Một cá nhân tại thôn Tân Lập, xã An Thọ, huyện Tuy An đã tự ý đổ đá cấp phối mở đường nội bộ, đổ bê tông tạo kết nối giữa các phần liên kết, có dấu hiệu thay đổi khoảng 2,5ha diện tích đất rừng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Phú Yên: Dấu hiệu thay đổi hiện trạng đất rừng
Khu đất trên là thửa đất số 1278 tờ bản đồ số 2, Tân Lập, xã An Thọ, hiện tại đã được chủ sở hữu làm đường nội bộ và một số hạng mục khác. Ảnh: Đình Sang

Thời gian gần đây, cộng tác viên Báo Thanh tra liên tục nhận được phản ánh của bạn đọc về tình trạng cá nhân có dấu hiệu thay đổi hiện trạng đất rừng tại thôn Tân Lập, xã An Thọ, huyện Tuy An, khi chưa được cơ quan chức năng cho phép.

Để xác minh, kiểm chứng phản ánh trên, chúng tôi đã có mặt ghi nhận thực tế.

Nằm tại vị trí đắc địa, đoạn qua địa phận xã An Thọ, huyện Tuy An, khu đất có cổng vào tiếp giáp ngay trực đường chính DT643, mặt sau có thể nhìn bao trọn TP Tuy Hoà, với diện tích tổng thể khoảng 2,5ha.

Tại thời điểm chúng tôi ghi nhận thực tế, trên khu đất đã hoàn thiện một căn nhà tạm bằng sắt, toàn bộ lối đi trong khuôn viên được đổ đá cấp phối có chiều rộng khoảng 3-3,2m, giữa các bậc ta luy, bờ đá hai bên đường nội bộ đã được đổ bê tông tạo sự kết nối giữa các phần liên kết. Nhiều phần trên diện tích khu đất đã trồng cỏ tạo cảnh quan mới.

Tại khu đất, một người đàn ông trung niên giới thiệu tên là Thành chủ khu đất này. Ông Thành cho biết, mua khu đất này từ người dân địa phương trong năm 2022 có diện tích là 2,5ha với giá hơn 3 tỷ đồng.

“Toàn bộ diện tích này là đất rừng, chưa sang sổ được, trước đây là trồng keo sau rồi mình chặt. Hiện tại thì mới xin làm đường chứ chưa làm gì hết, đã được cho phép làm đường không làm bê tông là được”, ông Thành nói.

Phú Yên: Dấu hiệu thay đổi hiện trạng đất rừng
Trụ sở UBND xã An Thọ, huyện Tuy An. Ảnh: Đình Sang

Trao đổi với cộng tác viên Báo Thanh tra về trường hợp trên, ông Trần Hữu Tâm, Chủ tịch xã An Thọ, huyện Tuy An cho biết, đây là trường hợp của ông Nguyễn Trung Thành. Khu đất trên ông Thành đứng tên chủ sở hữu (thửa đất số 1278 tờ bản đồ số 2, Tân Lập, xã An Thọ). Hiện tại toàn bộ diện tích khu đất này là đất rừng sản xuất chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng.

Trước mắt, địa phương chưa có giải pháp nào để đề nghị xử lý, bởi vì họ chưa sai, họ chỉ mới làm mấy cái tạm tạm. Vì vậy xã thấy chưa đến nổi để xử lý. Cho nên về góc độ địa phương quản lý, cái nào là cải tạo, cái nào là huỷ hoại nó mong manh quá.

“Phần đất này ông Thành đang cải tạo để nâng cao giá trị đất, tuy nhiên rắc rối ở chỗ nếu mình không xử lý thì sẽ xảy ra sai phạm, cho nên tôi cũng đã cho anh em kiểm tra, lập biên bản và viết cam kết yêu cầu chủ đất sử dụng đúng mục đích sử dụng đất. Hiện tại, khu đất trên chỉ đắp đá, trồng cỏ. Về con đường, xã có phát hiện ông Thành đổ đá làm đường nội bộ, vì trước đây nó là đường khai thác keo, trong tháng tới chủ đất sẽ cũng cam kết sẽ trồng lại cây”, ông Tâm cho biết thêm.

“Ông Thành cũng thừa nhận rằng sắp tới sẽ làm đề án, xin quy hoạch chuyển qua đất thương mại dịch vụ, nhưng trước mắt địa phương yêu cầu chủ đất phải làm đúng”, ông Tâm nói.

Theo luật sư Trần Văn Hoà, Công ty Luật TNHH An Mỹ, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng nhận định: “Đây là một trong những hành vi huỷ hoại đất, Luật Đất đai năm 2013 quy định cụ thể về các hành vi vi phạm pháp luật đất đai”.

“Tại khoản 25 Điều 3 quy định: “Hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định”. Đây cũng là một trong các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Luật Đất đai 2013”, luật sư Hoà nhấn mạnh.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích