Phú Yên: Cần “cởi trói” cho 1.156 thửa đất bị tạm dừng xây dựng, giao dịch do chính quyền làm sai

(Xây dựng) – Hơn 2 năm trở lại đây, 1.156 thửa đất tại thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên bị cơ quan chức năng “tuýt còi”, tạm ngừng các hoạt động xây dựng, chuyển nhượng, thế chấp do “nâng” đất ở trái quy định. Đáng nói, lỗi ở chính quyền, người dân không có lỗi, nhưng phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Thị xã Đông Hòa và tỉnh Phú Yên cần sớm có giải pháp tháo gỡ, trả lại cho người dân đầy đủ quyền hợp pháp của họ với những thửa đất này.

phu yen can coi troi cho 1156 thua dat bi tam dung xay dung giao dich do chinh quyen lam sai
Hoang tàn giữa làng quê ở thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.

Lỗi ở chính quyền…

Ngày 3/9/2020, UBND thị xã Đông Hòa đã có Văn bản số 1729/UBND-TH yêu cầu các cơ quan chức năng tạm dừng đăng ký biến động quyền sử dụng đất (QSDĐ) 1.156 thửa đất trong vụ án hình sự về đất đai liên quan đến 1 số lãnh đạo, cán bộ huyện Đông Hòa (nay là thị xã) theo đề nghị của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên.

Cụ thể, từ tháng 01/2018 đến tháng 10/2019, một số cán bộ, công chức ở hai xã (nay là phường) Hòa Hiệp Trung, Hòa Hiệp Nam cùng Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), UBND huyện (nay là thị xã) Đông Hòa và Chi cục Quản lý đất đai thuộc Sở Tài nguyên và môi trường (Sở TN&MT) tỉnh Phú Yên đã có nhiều hành vi vi phạm trong quản lý đất đai, cấp Giấy chứng nhận QSDĐ và chuyển mục đích sử dụng đất (MĐSDĐ) hàng chục ngàn mét vuông đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm thành đất ở đô thị, đất ở nông thôn cho nhiều hộ gia đình, cá nhân trái quy định pháp luật, trái với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt.

phu yen can coi troi cho 1156 thua dat bi tam dung xay dung giao dich do chinh quyen lam sai
Tình trạng vườn không, nhà trống có thể bắt gặp ở nhiều nơi tại thị xã Đông Hòa, Phú Yên.

Được biết, sau khi khởi tố vụ án hình sự và tiến hành các hoạt động điều tra, đến giữa tháng 11/2020, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên đã lần lượt khởi tố nhiều bị can về các tội danh “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Trong đó có nhiều cán bộ đã và đang giữ chức vụ chủ chốt của thị xã Đông Hòa như các ông, bà: Võ Ngọc Hòa, nguyên Chủ tịch UBND thị xã; Lê Tấn Thảo, Lưu Bá Hạnh, nguyên Phó Chủ tịch UBND thị xã; Nguyễn Văn Tiên, nguyên Trưởng Phòng TN&MT, Bí thư Đảng ủy phường Hòa Hiệp Trung; Phan Văn Xáo, Phó Giám đốc Chi nhánh đăng ký đất đai thị xã; 3 người nguyên Chủ tịch, Phó Chủ tịch các phường Hòa Hiệp Trung, Hòa Hiệp Nam và ông Phạm Hoàng Huynh, Trưởng Phòng đo đạc bản đồ Chi cục Quản lý đất đai thuộc Sở TN&MT tỉnh Phú Yên.

Trong đó, các sai phạm chủ yếu ở nhóm chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật (người dân địa phương gọi là nâng đất ở), chuyển mục đích sử dụng trái quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng có trong quy hoạch nhưng không có trong kế hoạch sử dụng đất.

phu yen can coi troi cho 1156 thua dat bi tam dung xay dung giao dich do chinh quyen lam sai
Rất nhiều thửa đất đã được chính quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng sau đó chính những thửa đất này lại bị tuýt còi, tạm dừng giao dịch, xây dựng.

Sao bắt người dân phải chịu?

Theo người dân, họ là bên ngay tình, không nắm được quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, cũng không có quyền tự quyết “nâng” đất ở mà chỉ xin phép, được các cơ quan chức năng đồng ý, cho phép theo đúng trình tự, thủ tục của pháp luật. Minh chứng bởi các Giấy chứng nhận QSDĐ được cấp cho người dân.

Mặc dù vậy, người dân đã và đang phải chịu hậu quả rất nặng nề từ việc làm sai trái của một số cán bộ, lãnh đạo thị xã Đông Hòa. Tất nhiên, việc khởi tố, tạm giam là sự trừng trị thích đáng của pháp luật với những người vi phạm nhưng quyền lợi của người vô tội bị ảnh hưởng, mọi giao dịch bị ngừng trệ, tài sản bị đóng băng, thậm chí cả khu làng, khu phố bị hoang hóa bởi không thể xây dựng, mua bán, đầu tư – một người dân chia sẻ.

phu yen can coi troi cho 1156 thua dat bi tam dung xay dung giao dich do chinh quyen lam sai
Mặc dù rất có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, nhưng không thể thu hút nhà đầu tư do mọi thứ đang bị “đóng băng” bởi sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương về đất đai.

Khảo sát thực tế tại đây, phóng viên Báo điện tử Xây dựng thấy xót xa cho hàng chục, hàng trăm căn nhà bị bỏ hoang, vô chủ, xập xệ, xuống cấp, không có người ở, không được chăm chút từ đó dẫn tới mất an ninh trật tự, trộm cắp. Đặc biệt, tại khu vực này có bãi biển rất đẹp, sạch sẽ, thanh bình, nước biển trong xanh, làng mạc yên bình, người dân hiền hậu và là số ít nơi còn giữ lại được kiến trúc làng quê Việt Nam. Nhiều người từ nơi khác đã bỏ ra hàng tỷ đồng để mua đất, đầu tư homestay làm dịch vụ du lịch những mong phát triển du lịch cộng đồng, cải thiện kinh tế xóm làng, nâng cao đời sống cộng đồng. Song, nhiều người bị mắc kẹt bởi “lệnh” tạm dừng giao dịch của chính quyền mà trớ trêu thay lỗi chính ở các cơ quan chức năng, các vị lãnh đạo, cán bộ vô thiên, vô pháp.

Liên quan đến nội dung này, ông Nguyễn Văn Hiền – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Đông Hòa cho biết: Thực hiện theo yêu cầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên, UBND thị xã đã có Văn bản số 1729 yêu cầu tạm dừng tiếp nhận và thực hiện các thủ tục đăng ký biến động quyền sử dụng đất. Thị xã cũng đã có văn bản đề xuất Sở TN&MT Phú Yên xem xét tháo gỡ cho các thửa đất này.

Cụ thể, tại Văn bản số 3054/UBND-TH ngày 07/6/2021 gửi Sở TN&MT Phú Yên “đề xuất hướng xử lý các trường hợp cho phép chuyển mục đích sử dụng đất không đúng quy định”. Theo đó, đối với những trường hợp cấp giấy chứng nhận sai quy định, trừ trường hợp người được cấp giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai, UBND thị xã Đông Hòa thống nhất với dự thảo là thu hồi giấy chứng nhận theo quy định tại khoản 2 Điều 106 Luật Đất đai 2013.

Đối với những trường hợp cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, nhưng không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nội dung này đề nghị Sở TN&MT phân thành 2 nội dung, gồm:

Đối với các trường hợp cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nhưng không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất (trừ trường hợp người được cấp giấy chứng nhận đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai) thì cho phép UBND thị xã Đông Hòa ban hành quyết định hủy quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cơ quan thuế lập thủ tục hoàn trả lại số tiền người sử dụng đất đã nộp vào ngân sách Nhà nước và chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thị xã Đông Hòa chỉnh lý biến động hủy nội dung đăng ký biến động trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Giấy chứng nhận) và trả lại giấy chứng nhận theo mục đích sử dụng đất ban đầu cho người sử dụng đất.

phu yen can coi troi cho 1156 thua dat bi tam dung xay dung giao dich do chinh quyen lam sai
“Kỷ cương, liêm chính…” là khẩu hiệu của thị xã Đông Hòa, nhưng hàng loạt cán bộ, lãnh đạo bị khởi tố đặt ra nhiều vấn đề cần suy ngẫm.

Đối với các trường hợp cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, phù hợp với quy định sử dụng đất, nhưng không có tên trong danh sách đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất đã được Hội đồng thẩm định thông qua và UBND tỉnh phê duyệt, cho phép tồn tại kết quả chuyển mục đích sử dụng đất để người sử dụng đất được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Vì các thửa đất này đã phù hợp quy hoạch sử dụng đất (đất ở khu dân cư), việc thiếu thủ tục đăng ký vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm trước khi cho phép chuyển mục đích sử dụng đất là lỗi của cơ quan Nhà nước, không phải lỗi của người dân, nếu như hủy quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và hướng dẫn người sử dụng đất lập các thủ tục đăng ký kế hoạch sử dụng đất hàng năm, thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định, thì kết quả cuối cùng cũng là cho phép người sử dụng chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất vườn ao sang đất ở, nhưng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người sử dụng đất, gây bức xúc trong dân, dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện nhiều người, gây mất an ninh trật tự.

Ví dụ như về nghĩa vụ tài chính, khi lập lại thủ tục chuyển mục đích sử dụng dất, người sử dụng đất phải thực hiện theo khung giá đất 2020-2024, cao hơn nhiều lần so với khung giá đất 2015-2019. Đơn cử như, tại vị trí 1 Quốc lộ 29, đoạn từ ranh giới thị trấn Hòa Vinh đến Cầu Bi (Hòa Hiệp Trung) khung giá đất 2020-2024 là 2.600 đồng trong khi nếu tính theo khung giá 2015-2019 chỉ 780 đồng…

Ông Nguyễn Thái Hòa, Phó Giám đốc Sở TN&MT Phú Yên cho biết: Hiện nay, Sở TN&MT đã phối hợp nhiều cơ quan, đã làm hết trách nhiệm và nỗ lực hết sức để giải quyết mong mỏi của bà con. Sở đã tham mưu UBND tỉnh, chờ cấp trên xem xét giải quyết. Về trách nhiệm cá nhân thì ai làm sai sẽ phải chịu và Công an đang điều tra. Việc lãnh đạo Sở có hứa trước Hội đồng nhân dân về các mốc thời gian tháng 5 và tháng 10 thì phải hiểu là hứa thực hiện việc tham mưu, báo cáo, đề xuất với UBND tỉnh chứ không phải Sở hứa khi nào được thực giao dịch trở lại và các lời hứa đó Sở đã hoàn thành trước thời hạn (?). Tuy nhiên, đây là việc phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến nhiều cấp nhiều ngành và đang là vụ án nên ông Hòa từ chối cung cấp các phương hướng xử lý đã tham mưu cho tỉnh.

Theo ông Võ Cao Phi, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Phú Yên: Vừa rồi, tỉnh có thành lập Hội đồng định giá để xác định giá trị tài sản hơn 1.100 thửa đất phục vụ công tác điều tra. Tuy nhiên, hiện cũng chưa biết khi nào sẽ kết thúc việc tạm dừng giao dịch với các lô đất nói trên vì còn phải chờ vụ án kết thúc, xét xử xong. Hiện cũng chưa có giải pháp nào để tháo gỡ việc này và thúc đẩy sớm hơn.

Như vậy có thể thấy, hơn 1.100 thửa đất bị tạm dừng mọi giao dịch về xây dựng, đầu tư, chuyển nhượng, vay mượn đã phần nào làm nghèo đi kinh tế khu vực và hộ gia đình, kéo giảm sự phát triển của địa phương, gây bức xúc trong dân. Không rõ việc này sẽ còn trì hoãn đến bao giờ trong khi nhu cầu ăn ở, sinh hoạt, làm ăn của người dân diễn ra hàng ngày như nhịp thở của con người. Không thể bắt người dân chờ đợi hết năm này qua năm khác trong khi họ không hề có lỗi. Nếu các quyền hợp pháp liên quan đến 1.156 thửa đất nói trên của người dân tiếp tục bị trì hoãn thì có lẽ tỉnh Phú Yên tiếp tục có lỗi với người dân, tức là lỗi chồng lỗi.

Thiết nghĩ, đây là việc cấp bách, các cấp lãnh đạo tỉnh Phú Yên cần phải khẩn trương có giải pháp tháo gỡ cho người dân, một phần để “cởi trói” cho 1.156 thửa đất đang bị “đóng băng” nhưng một phần cũng là để tạo dựng lại niềm tin của cử tri vào chính quyền tỉnh nhà.

Nhiều lãnh đạo cấp cao tỉnh Phú Yên vừa bị kỷ luật

Kỷ luật cảnh cáo ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên

Ngày 21/9/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký Quyết định 1106/QĐ-TTg thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, nhiệm kỳ 2021 – 2026, do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật về Đảng.

Xóa tư cách Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên nhiệm kỳ 2016 – 2021 đối với ông Nguyễn Chí Hiến.

Cùng ngày 21/9/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cũng ký Quyết định 1107/QĐ-TTg thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên nhiệm kỳ 2016 – 2021 đối với ông Nguyễn Chí Hiến, do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật về Đảng.

Và nhiều đồng chí khác là nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nguyên lãnh đạo, lãnh đạo Sở ngành bị kỷ luật.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích