Phú Yên: 4 di tích lịch sử – văn hóa được xếp hạng di tích cấp tỉnh
(Xây dựng) – UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định xếp hạng 4 di tích cấp tỉnh trên địa bàn huyện Tuy An và huyện Phú Hòa.
Di tích lịch sử – văn hóa Miếu thờ vua Lê Thánh Tông, Văn miếu, Miếu Hội đồng ở thôn Long Uyên, xã An Dân, huyện Tuy An. |
Huyện Tuy An có 2 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh gồm: Di tích lịch sử – văn hóa Miếu thờ vua Lê Thánh Tông, Văn miếu, Miếu Hội đồng ở thôn Long Uyên, xã An Dân; Di tích lịch sử – văn hóa Đình Ngân Sơn ở khu phố Ngân Sơn, thị trấn Chí Thạnh.
Được biết, Miếu thờ Vua Lê Thành Tông, Văn miếu và Miếu Hội đồng được nhân dân thôn Long Uyên tạo lập khoảng năm 1857, để thờ Vua Lê Thánh Tông – vị Vua anh minh có nhiều công lao đối với lịch sử dân tộc và ghi dâu ấn đậm nét trên vùng đất Phú Yên và thờ Đức Khổng Tử, thờ Thần Thành Hoàng, tiền hiền, hậu hiền. Cả 3 di tích này nằm liền kề nhau, có diện tích rộng hơn 7.185m2. Hiện nay cả 3 di tích này chỉ còn là phế tích, nhưng những giá trị tinh thần được tích tụ ở đây lưu truyền từ thế hệ này qua thế khác.
Trong khi đó, đình Ngân Sơn được xây dựng từ năm 1832, khi làng Ngân Sơn được hình thành, để thờ Minh Uy Phương Đường phu nhân, tương truyền là con gái của vị Vua Lê Thánh Tông và các vị tiền hiền, hậu hiền khác. Đình có diện tích hơn 65m2, gồm 3 gian. Đáng chú ý, hiện nay ngôi đình này còn giữ được các hạng mục công trình khá nguyên vẹn và đã được các đời Vua ban tặng 4 sắc phong.
Miếu thờ Vua Lê Thành Tông, Văn miếu và Miếu Hội đồng được Nhân dân thôn Long Uyên tạo lập hiện nay cả 3 di tích này chỉ còn là phế tích. |
Huyện Phú Hòa, xếp hạng 2 di tích: Di tích lịch sử – văn hóa Đình Phước Khánh ở thôn Phước Khánh, xã Hòa Trị; Di tích lịch sử – văn hóa Đình Vĩnh Phú ở thôn Vĩnh Phú, xã Hòa An.
Di tích lịch sử đình Phước Khánh ở thôn Phước Khánh, xã Hòa Trị được xây dựng năm Minh Mạng nguyên niên (1820), trong khuôn viên rộng rãi với diện tích 1.517,6m2 với kiến trúc ban đầu là tranh tre và những cây cột gỗ lớn, gian giữa thờ thần, hai bên thờ tiền hiền và hậu hiền. Năm 1947, quân Pháp đổ bộ phía Bắc thị xã Tuy Hòa tràn lên đốt phá đình, sắc phong phải chuyển cất giấu ở chùa.
Năm 1966, đình được tái lập trên nền cũ bằng nhà ngói ba gian. Gian giữa thờ thần Thành hoàng và hai bên thờ tả ban, hữu ban. Gian nhà phía Tây thờ tiền hiền và hậu hiền của làng, gian nhà Đông chứa tự khí. Sau năm 1975, có thời gian đình không hương khói nên xuống cấp. Gần đây, đình được tu sửa, quét vôi sơn lại mới và cúng tế vào các ngày rằm, mùng 1 hàng tháng do Ban quản lý đình thực hiện.
Nguồn: Báo xây dựng