Phú Xuyên: Cần làm rõ tồn tại trong quản lý đất đai, gây ảnh hưởng đến môi trường tại xã Châu Can
Phú Xuyên: Cần làm rõ tồn tại trong quản lý đất đai, gây ảnh hưởng đến môi trường tại xã Châu Can
Người dân cho rằng, do công tác quản lý của xã Châu Can không chặt đã khiến cho tình trạng các công trình xây dựng đổ thải lấn chiếm đất công, khai thác đất tại ao thuê thầu để sản xuất gạch nung trở nên phúc tạp, ảnh hưởng lớn đến môi trường.
Trao đổi với Phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam, người dân xã Châu Can, huyện Phú Xuyên, thành Phố Hà Nội cho biết: Khu vực đất công phía sau khu dân cư thôn Cầu Giẽ đã và đang bị nhiều hộ dân đổ vật liệu thải và đóng cọc gia cố lấn ra ngoài. Việc này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, khiến diện tích đất công bị thu hẹp.
Thực tế của PV cho thấy: Dọc khu vực phía sau khu dân cư thôn Cầu Giẽ đang được bỏ hoang với các ao bèo.
Các công trình xây dựng ở đây không theo mốc giới cố định, có hộ xây dựng kéo dài sâu vào, có hộ thụt lùi lại.
Đặc biệt tại đây, có công trình xây dựng mới đang dùng vật liệu thải gồm: bao bì xi măng, trạc thải… đổ vào khuôn viên đất công phía sau.
Ngoài ra còn có hộ đang dùng cọc tre để gia cố nền khu ao phía sau nhà.
Bên cạnh đó, người dân tiếp tục bức xúc về việc lò gạch của ông Đủ tại thôn Tư Can tự ý khai thác đất ở ao công để sản xuất gạch, gây ảnh hưởng đến môi trường và an toàn đê điều.
Anh H. người dân xã Châu Can cho biết: Lò gạch này của hộ ông Đủ hoạt động đã lâu và nằm dọc bờ đê. Khu vực ao công thuê để nuôi trồng thủy sản đã hết thời hạn, nhưng thời gian gần đây, họ tự ý khai thác đất dưới lòng ao tập kết lên để làm gạch. Đất múc sâu, gần chân đê nên gây nguy hiểm đến an toàn đê điều. Mặt khác, đất tập kết còn đổ tràn ra đường khiến trời nắng thì bụi mù mịt mỗi khi có xe đi qua, còn trời mưa thì đường trơn trượt.
Ghi nhận thực tế của PV ngày 26/8/2024 cho thấy: Khu vực ao công người dân phản ánh không có máy đang múc đất dưới ao lên, nhưng trên bờ tập kết rất nhiều đất.
Bên trên khu vực khuôn viên lò gạch, có máy múc đang cào dồn đất để tập kết, còn tình trạng đất đổ tràn ra đường, gây ô nhiễm môi trường là có.
Để thông tin được chính xác, PV đã liên hệ để tiếp nhận phản hồi qua UBND xã Châu Can.
Sau khi nắm thông tin từ PV, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Can Trịnh Vĩnh Phú cho biết: Với các hộ đang xây dựng, đổ thải ra phía sau vào đất công, gây ô nhiễm môi trường, xã đã cho kiểm tra và yêu cầu các hộ tự khắc phục nguyên trạng. Nếu sau 7 ngày các hộ không thực hiện, xã sẽ lập biên bản và làm các quy trình tiếp theo.
Còn nội dung người dân phản ánh việc lò gạch khai thác đất ở cao công và gây ô nhiễm môi trường, ông Phú thông tin: Chủ của lò gạch này là ông Đủ sinh sống ở huyện Phú Xuyên, vợ ông Đủ là người xã Châu Can. Lò gạch này thuộc xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa. Còn khu vực ven đê thuộc quản lý của xã Châu Can, xã cho thầu để thả cá và trồng cây rau màu. Bãi đất xã cho thuê trồng cây rau màu họ làm nhà mái tôn để tập kết đất từ trước.
Phó Chủ tịch UBND xã Châu Can cho biết thêm: Hợp đồng xã ký cho hộ ông Đủ vẫn còn thời hạn. Nhưng khi PV xin được tiếp nhận hợp đồng, ông Phú cho biết, do kế toán xã đang đi họp nên sẽ cung cấp sau.
“Về các nội dung thông tin phản ánh, Ủy ban sẽ tiến hành kiểm tra. Nếu vi phạm sẽ tiến hành thanh lý hợp đồng và xử lý” – Phó Chủ tịch UBND xã Châu Can Trịnh Vĩnh Phú khẳng định.
Chắc chắn, việc kiểm tra, ngăn chặn vi phạm là rất cần thiết và cần kịp thời. Bởi điều 208, Luật Đất đai 2013 đã quy định: Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương.
Vậy để sự việc nhanh chóng được làm rõ, tránh những hệ lụy về môi trường, kính đề nghị UBND huyện Phú Xuyên và các đơn vị liên quan vào cuộc chỉ đạo kiểm tra, ngăn chặn và xử lý vi phạm nếu có. Qua đây, những quy định của pháp luật về công tác bảo vệ môi trường, đất đai… sẽ được thực hiện nghiêm.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị