Phủ vắc xin phòng dịch cho phụ nữ mang thai

Đồng loạt tiêm chủng tại nhiều bệnh viện

Bác sĩ Trần Ngọc Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, theo các nghiên cứu, phụ nữ mang thai hoặc không mang thai đều có nguy cơ nhiễm vi rút như nhau, song phụ nữ mang thai khi nhiễm dễ diễn tiến nặng hơn khi nhiễm Covid-19. Chủ động phòng bệnh với nhóm này là thực sự cần thiết nên tiêm vắc xin là cách bảo vệ cả mẹ và em bé. Và với phụ nữ mang thai tham gia tiêm vắc xin Covid-19 vẫn được khám sàng lọc, tư vấn, tiêm và theo dõi sau tiêm theo đúng quy trình của Bộ Y tế. Tuy nhiên đây là nhóm đối tượng đặc thù nên cần được khám thai tại cơ sở y tế có chuyên khoa sản trước khi tiêm, hoặc bố trí tiêm ngay tại các bệnh viện để đảm bảo an toàn.

Phủ vắc xin phòng dịch cho phụ nữ mang thai
Trước khi tiêm các thai phụ đều được khám sang lọc và tư vấn kỹ càng.

Là một trong hơn 200 sản phụ tại quận Hoàn Kiếm được tiêm mũi 1 vắc xin Pfize tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, chị Lê Hoàng Trang (30 tuổi, phường Chương Dương) đang mang thai tuần thứ 31, không lo lắng, hồi hộp mà cảm thấy yên tâm hơn sau khi tiêm vắc xin Covid-19. Tại đây, trước và sau tiêm, sản phụ được các bác sĩ tư vấn, khám sàng lọc, đo tim thai, huyết áp, siêu âm rất tận tình, chu đáo, tỉ mỉ. Đặc biệt, sản phụ được các bác sĩ tư vấn nhiệt tình về chế độ dinh dưỡng, ăn uống đầy đủ, khoa học, hợp lý sau tiêm.

“Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, Nhà nước quan tâm, ưu tiên tiêm vắc xin đầy đủ cho các thai phụ, chúng tôi cảm thấy rất phấn khởi và an tâm. Bởi khi đã được tiêm, không chỉ mẹ mà cả em bé cũng được bảo vệ từ trong bụng mẹ” – chị Trang chia sẻ.

Còn chị Cung Phương Anh (23 tuổi, ở quận Hoàng Mai) đang mang thai tuần thứ 25 đã được chồng đưa đến Bệnh viện Thanh Nhàn tiêm phòng vắc xin Covid-19. Chị Phương Anh cho biết: “Lúc đầu khi đăng ký tiêm vắc xin tôi cũng có chút lo lắng, hồi hộp. Tuy nhiên, khi đến đây, thấy rất nhiều mẹ bầu chờ tiêm, được bác sĩ tư vấn nhiệt tình tôi cảm thấy an tâm hơn”. Cũng theo chị Phương Anh, thời gian qua, thông qua báo đài nhìn thấy hình ảnh những mẹ bầu bị nhiễm Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh mới thực sự thấy dịch bệnh nguy hiểm như thế nào. Giữa ranh giới của sự sống và cái chết, nhiều em bé bị sinh non, thậm chí ảnh hưởng đến sinh mạng cả mẹ và con. Bởi vậy, khi được tiêm phòng sớm chị thấy mình thật may mắn.

Vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 4355/QĐ-BYT về hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, trong đó có quy định tiêm cho phụ nữ mang thai. Nhằm tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin ở phụ nữ mang thai, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị khẩn trương tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho phụ nữ mang thai theo quy định và tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại các cơ sở y tế có khả năng cấp cứu sản khoa cho phụ nữ mang thai trên 13 tuần. Và theo “Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm vắc xin phòng Covid-19” của Bộ Y tế, phụ nữ mang thai, đang cho con bú chống chỉ định với vắc xin Sputnik V.

Vừa qua, tại Bệnh viện Thanh Nhàn đã tiêm vắc xin Covid-19 cho 1.020 thai phụ trên địa bàn quận Hoàng Mai. Thai phụ đến tiêm được khám thai, sàng lọc kỹ tại bệnh viện, những sản phụ mang thai từ 13 tuần trở lên, đủ điều kiện sức khỏe mẹ và thai nhi được chỉ định tiêm chủng. Những trường hợp chống chỉ định đều phải dừng tiêm để đảm bảo an toàn sức khỏe cho cả hai. Toàn bộ việc khám sàng lọc, kiểm tra thai trước và sau tiêm cho phụ nữ mang thai đều hoàn toàn miễn phí.

Tương tự, tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã phối hợp cùng các quận Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm tổ chức các buổi tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho người dân trên địa bàn. Hay tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, ngoài việc tiêm phòng cho những bệnh nhân hiện đang chạy thận nhân tạo tại đơn vị, Bệnh viện cũng đã tổ chức 2 ngày tiêm vắc xin cho các thai phụ đủ điều kiện tiêm chủng.

Tiêm vắc xin nhưng không chủ quan

Chia sẻ về hoạt động tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho thai phụ tại Bệnh viện, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, dù Bệnh viện đang đối diện với nhiều khó khăn do dịch bệnh gây ra, song trong thời điểm này không có ưu tiên nào cao hơn ưu tiên phòng, chống dịch. Cùng với các cơ sở y tế khác, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội sẽ góp phần vào công cuộc đẩy lùi đại dịch bằng tất cả sức người, phương tiện vật chất huy động được. Để chuẩn bị cho chiến dịch tiêm vắc xin thần tốc, Bệnh viện đã thực hiện phương án phân công nhân lực với 220 cán bộ nhân viên tham gia điều động tiêm chủng.

Đồng thời, để đảm bảo việc tiêm chủng diễn ra an toàn, hiệu quả, Bệnh viện đã bố trí các khu vực tư vấn, kiểm tra sức khỏe trước tiêm, phòng tiêm, phòng theo dõi sau tiêm tại Bệnh viện với đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật cần thiết, đáp ứng quá trình tiêm, quản lý, theo dõi sát sức khỏe cho từng đối tượng tiêm chủng trước, trong và sau tiêm. Ngoài các bước khám sàng lọc như với các đối tượng thông thường, phụ nữ mang thai trước khi tiêm được tiến hành khám loại trừ các yếu tố nguy cơ như tiền sản giật, bong nhau non, các tai biến sản khoa đều phát hiện các yếu tố này, buộc phải xử trí trước khi tiêm.

Phủ vắc xin phòng dịch cho phụ nữ mang thai
Nhân viên y tế Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho thai phụ.

Theo Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Thành phố chọn vắc xin Pfizer tiêm cho phụ nữ mang thai, đây là loại vắc xin ít có tác dụng phụ nhất nhưng không có nghĩa an toàn tuyệt đối 100% vì đáp ứng miễn dịch của từng người khác nhau. Sau tiêm, nếu gặp tình huống bất thường, sản phụ nên đến ngay cơ sở mình tiêm để được xử lý sự cố kịp thời.

“Thời gian qua đã có nhiều sản phụ mắc Covid-19 phải nhập viện điều trị với các triệu trứng nặng. Xót xa hơn tại khu vực phía Nam đã có nhiều sản phụ mắc Covid-19 tử vong. Sở dĩ như vậy là do bản thân sản phụ khi mắc bệnh, họ vừa lo sợ cho bản thân vừa bất an cho sinh linh bé bỏng trong bụng dẫn đến tình trạng khó thở tăng.

Người bình thường khi khó thở đã nguy hiểm, với sản phụ đang mang trong mình một cơ thể khác nên mọi cử động càng nặng nề, khiến việc điều trị gặp với nhiều khó khăn. Có thể nói, vắc xin Covid-19 chính là chìa khóa để đẩy lùi dịch bệnh ở Hà Nội hiện nay. Việc tiêm chủng vắc xin cho các sản phụ nói riêng và người dân nói chung sẽ góp phần quan trọng bảo vệ sức khỏe, tính mạng của mọi người” – Phó Giáo sư Nguyễn Duy Ánh chia sẻ.

Đồng quan điểm trên, bác sĩ Trần Quyết Thắng, Trưởng Khoa sản 1, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết: Theo các chuyên gia y tế, việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 là an toàn cho cả mẹ và thai nhi. Không những vậy, sau khi tiêm vắc xin người mẹ sinh kháng thể, sẽ truyền qua nhau thai bảo vệ thai nhi trước nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ trong bụng mẹ. “Với những phụ nữ mang thai trên 13 tuần nên đi tiêm, nếu không may mắc phải Covid-19 thì triệu chứng bệnh sẽ giảm hơn bình thường. Mẹ tiêm vắc xin rồi con trong bụng sẽ có sức chịu đựng, sinh ra con khỏe mạnh hơn nhiều so với không được tiêm phòng” – bác sĩ Trần Quyết Thắng phân tích.

Chia sẻ về những điều cần lưu ý với thai phụ trước khi tiêm vắc xin phòng Covid-19, bác sĩ Trần Quyết Thắng cũng cho hay: Chống chỉ định, không tiêm vắc xin cho thai phụ có những biểu hiện như nước ối thai nhi bất thường, huyết áp cao, bệnh mãn tính. Những trường hợp này đều phải điều trị trước khi tiêm để an toàn nhất cho người mẹ.”Còn đối với phụ nữ mang thai dưới 13 tuần không tiêm vắc xin. Bởi đã có nghiên cứu tuổi thai dưới 13 tuần chống chỉ định tiêm, vì có thể xảy ra những trường hợp bất thường về thai nhi ảnh hưởng đến em bé sau này”, Trưởng Khoa sản 1, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết thêm.

Bên cạnh đó,các chuyên gia y tế cho biết, sau tiêm, thai phụ cũng cần phải theo dõi sức khoẻ kỹ càng hơn cả với mẹ và em bé, nếu có các dấu hiệu nghiêm trọng xuất hiện như sốt cao, tím tái, thở dốc… cần liên hệ y tế ngay với bác sĩ hoặc nhân viên y tế để được khám, tư vấn ngay lập tức. Sau tiêm một đến hai tuần, thai phụ cũng nên đi khám định kỳ để kiểm tra sức khỏe của cả mẹ và em bé./.

Minh Khuê

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích