Phú Thọ: Nhiều giải pháp trọng tâm được đưa ra tại Kỳ họp thứ 8
(Xây dựng) – Ngày 9/7, HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 – 2026, khai mạc Kỳ họp thứ 8 xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng.
Đồng chí Phan Trọng Tấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. |
Tại kỳ họp, đồng chí Phan Trọng Tấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.
Theo đó, 6 tháng đầu năm 2024, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 và Nghị quyết số 61-NQ/TU ngày 13/10/2021 của Tỉnh ủy về thực hiện khâu đột phá cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 8,16% (cùng kỳ đạt 7,22%; mục tiêu 7,5% trở lên). Sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển ổn định; tăng trưởng ước đạt 3,17% (cùng kỳ 2,57%). Toàn tỉnh có thêm 2 huyện (Thanh Ba, Tam Nông) được công nhận huyện nông thôn mới (hoàn thành trước 2 năm so với Nghị quyết); 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, ước đạt 14,58% (cùng kỳ tăng 10,1%); chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 33,8%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 35,1%; sản xuất và phân phối điện tăng 16,8%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,2%.
Các ngành sản xuất duy trì phát triển ổn định; một số ngành, lĩnh vực có mức tăng trưởng khá. Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được đẩy mạnh; đến nay, cơ bản hoàn thành 10/20 dự án trọng điểm thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 – 2025.
Cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, xã hội số đạt kết quả tích cực. 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình được tích hợp, cung cấp trên cổng dịch vụ công quốc gia; 81,5% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến; 73,0% hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa.
Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 14 bậc so năm 2022, thuộc nhóm 10 địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2023; Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) tăng 9 bậc, thuộc nhóm 9 địa phương có thứ hạng cao so với các địa phương của cả nước.
Quang cảnh tại kỳ họp HĐND tỉnh Phú Thọ. |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Trọng Tấn nhấn mạnh: Dự báo tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường; kinh tế thế giới, trong nước có xu hướng phục hồi nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức. Để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024, UBND tỉnh tiếp tục thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị rà soát, xây dựng đề cương đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025 và kế hoạch 5 năm 2026 – 2030. Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ, Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 21/4/2024, Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 2/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội năm 2024.
Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh; triển khai quy hoạch thành phố Việt Trì, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực. Đặc biệt, tập trung chỉ đạo, hoàn thiện thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ 10 dự án trọng điểm, xử lý 8 dự án chậm tiến độ kéo dài theo Kết luận số 422-KL/TU ngày 8/3/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Tỉnh cũng tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong các ngành, lĩnh vực. Trong đó, chủ động nắm tình hình sản xuất, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các ngành hàng sản xuất giảm (dệt may, vật liệu xây dựng,…), phát huy tối đa công suất sản xuất các ngành chế biến chế tạo; tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án, hỗ trợ các dự án mới sớm hoàn thành đi vào sản xuất; phấn đấu tăng trưởng cả năm đạt từ 10-11%.
Triển khai kịp thời các chính sách tín dụng ưu đãi, giảm thuế, phí, lệ phí, tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp; chủ động kế hoạch điều tiết, tiết giảm, đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh hỗ trợ đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, tiếp cận thị trường mới, thị trường xuất khẩu.
Cùng với đó, tập trung phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội; bảo đảm an sinh xã hội; ổn định việc làm, đời sống của người dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền; đẩy mạnh triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện hiệu quả 25 dịch vụ công thiết yếu phục vụ người dân, doanh nghiệp. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Nguồn: Báo xây dựng