Phú Thọ: Hạ tầng giao thông đồng bộ tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội

(Xây dựng) – Những năm qua, tỉnh Phú Thọ đặc biệt chú trọng đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, không chỉ tăng kết nối giữa các huyện, thành, thị mà còn hình thành liên kết vùng, tạo nên sức bật lớn cho tỉnh tạo động lực thu hút đầu tư.

Phú Thọ: Hạ tầng giao thông đồng bộ tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Quy hoạch thành phố Việt Trì giàu đẹp văn minh.

Hiện nay, 20 dự án giao thông quan trọng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 đã và đang thực hiện theo quy hoạch như: Đường giao thông liên vùng kết nối đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 70B, Quốc lộ 32C đi tỉnh Yên Bái, dự án đường nối Quốc lộ 2 với Đường tỉnh 323, dự án tuyến đường nối từ đường Hồ Chí Minh đến Đường tỉnh 320C, xã Đông Thành, huyện Thanh Ba…; phối hợp với tỉnh Tuyên Quang xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ kết nối với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai tại nút giao IC-9, phối hợp với tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng cầu Vĩnh Phú qua sông Lô… tạo bước phát triển đột phá về kinh tế – xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh, có tính liên kết vùng, góp phần từng bước hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại.

Hệ thống giao thông đường bộ trong tỉnh tương đối lớn với 1.379km đường cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh, 10.903,6km đường giao thông nông thôn. Cùng với đường bộ, tuyến đường sắt quốc gia Hà Nội – Lào Cai được duy trì nhằm nâng cao khả năng khai thác, đảm bảo an toàn chạy tàu. Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quan tâm nạo vét, khơi thông, đảm bảo giao thông đường thủy cho các phương tiện có tải trọng đến 200 tấn qua lại trên các tuyến sông Lô, sông Hồng, sông Đà; các bến thủy nội địa, bến cảng được cải tạo, nâng cấp, phục vụ nhu cầu vận tải hiện nay.

Theo quy hoạch, mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là: Khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và phát huy bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng, phấn đấu đưa Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc, có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ. Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo dựng môi trường sống bền vững, chất lượng sống tốt cho người dân gắn với sử dụng bền vững tài nguyên, hệ sinh thái. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vùng đất Tổ với hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; phát triển thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Đến năm 2050, Phú Thọ là tỉnh phát triển ở khu vực phía Bắc, nằm trong nhóm các tỉnh phát triển của cả nước. Là một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ và du lịch hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc; là nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng.

Để hiện thực hóa các mục tiêu được nêu trong quy hoạch, Phú Thọ xác định các nhiệm vụ và đột phá chiến lược: Một trung tâm (xây dựng và phát triển đô thị Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, là đô thị trung tâm vùng Trung du và miền núi phía Bắc, đạt tiêu chuẩn đô thị loại I); hai hành lang kinh tế (hành lang kinh tế dọc tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai; hành lang kinh tế dọc tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây); ba đột phá phát triển; bốn nhiệm vụ trọng tâm.

Phú Thọ: Hạ tầng giao thông đồng bộ tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Mạng lưới giao thông đồng bộ tạo đà phát triển kinh tế vùng đất Tổ.

Trong đó, ba đột phá cần tập trung thực hiện là: Huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, trọng tâm là đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng then chốt; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật; cải cách hành chính và nâng cao năng lực quản trị địa phương; tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Bốn nhiệm vụ trọng tâm được xác định gồm: Phát huy lợi thế so sánh để phát triển nhanh công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ và du lịch; đổi mới mô hình, tổ chức sản xuất trong nông, lâm nghiệp theo hướng hiện đại. Thu hút có hiệu quả nguồn vốn ngoài tỉnh, nâng cao chất lượng quản lý đầu tư. Bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa vùng đất Tổ. Xây dựng Phú Thọ trở thành trung tâm của tiểu vùng Tây Bắc ở các lĩnh vực du lịch, y tế, giáo dục và đào tạo, thương mại, logistics.

Bên cạnh đó, quy hoạch cũng nêu bật phương hướng phát triển ngành, lĩnh vực quan trọng; phương án quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn và các khu chức năng; phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật; phương án phát triển kết cấu hạ tầng xã hội; phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện; phương án phân bổ, khoanh vùng đất đai; phương án bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch.

Với những mục tiêu quan trọng đã đề ra và nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong mối liên kết vùng, chính quyền tỉnh Phú Thọ xác định sẽ tạo cơ chế kết nối hiệu quả, phát huy được lợi thế “cộng hưởng” trong việc thực hiện các liên kết của tỉnh với các tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc, vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng, nhất là liên kết phát triển trên các lĩnh vực: Hạ tầng giao thông, kinh tế, thương mại, logistics, y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch, bảo đảm quốc phòng an ninh.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích