Phụ nữ Thủ đô xây dựng và giữ gìn hạnh phúc gia đình thời 4.0

Hạt giống của xã hội là gia đình

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, hạt giống của xã hội là gia đình”.

Chính vì vậy, ngày 4/5/2001 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về ngày Gia đình Việt Nam. Quyết định nêu rõ: Lấy ngày 28/6 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo của các cấp, các ngành, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam nói chung và gia đình Thủ đô nói riêng được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị quý báu như truyền thống yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù và sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách được gia đình giữ gìn, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Qua nhiều thời kỳ phát triển, cấu trúc và quan hệ gia đình có những thay đổi, nhưng chức năng cơ bản của gia đình tồn tại và gia đình vẫn là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và Thủ đô.

Hạt giống của xã hội là gia đình
Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam nói chung và gia đình Thủ đô nói riêng được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp

Cùng với sự phát triển của đất nước, theo thời gian, Ngày Gia đình Việt Nam cũng dần trở thành ngày hội trên mọi miền Tổ chức, một nét đẹp văn hóa – nơi mà tình yêu thương và chia sẻ được tôn vinh. Các hoạt động kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam được tổ chức ngày càng phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, thu hút sự tham gia đông đảo của người dân.

Với vị thế là trung tâm chính trị – hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; các giá trị văn hóa của Hà Nội, trong đó có giá trị gia đình mang đặc trưng hội tụ, kết tinh và lan tỏa; trở thành nguồn lực quan trọng để Hà Nội trở thành Thủ đô văn hiến, anh hùng. Trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, Đảng bộ và chính quyền các cấp của Thành phố luôn coi trọng công tác gia đình. Năm 2005, Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị 36 về tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình và xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa Thủ đô và đất nước, đưa công tác xây dựng gia đình Thủ đô thời kỳ mới là nội dung quan trọng trong thực hiện các chương trình công tác toàn khóa, đặc biệt là Chương trình 06 và Chương trình 08 của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVII.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Lê Thị Thiên Hương – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội cho biết: Với vai trò là tổ chức đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho các tầng lớp phụ nữ, Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội luôn xác định công tác “Vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, bởi vậy, các phong trào thi đua, cuộc vận động, chương trình, đề án của Hội đều hướng tới hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.

Các hoạt động hưởng ứng 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam năm nay diễn ra trong thời điểm đặc biệt khi dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều gia đình, nhưng cũng chính trong dịch bệnh lại là thời điểm các gia đình lan tỏa tình yêu thương, sự cảm thông, sẻ chia, tinh thần tương thân tương ái, cùng nhau nỗ lực, vượt qua khó khăn với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Những người chồng, người vợ, người mẹ sẵn sàng tạm gác niềm vui, hạnh phúc gia đình để tham gia làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu chống dịch.

Bí quyết hóa giải xung đột thời 4.0

Phụ nữ Thủ đô xây dựng và giữ gìn hạnh phúc gia đình thời 4.0
Bình đẳng là một trong những yếu tố quan trọng để giữ gìn hạnh phúc gia đình

Tại hội nghị, Thạc sĩ Hoa Hữu Vân – Thành viên tổ tư vấn về bình đẳng giới, gia đình và trẻ em của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch) đã chia sẻ bí quyết hoá giải xung đột, xây dựng và giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Ông Hoa Hữu Vân cho rằng, trong thời đại 4.0, cuộc sống hối hả với cơ hội mưu sinh, trẻ con hối hả vào cuộc đua học và trang bị đủ mọi thứ để kịp thời phát triển và có nhiều cơ hội cho bản thân. Nhịp sống trở nên tất bật như guồng quay của cỗ máy không thể chậm đi và dừng lại. Các thành viên trong gia đình ít giao tiếp trò chuyện trực tiếp với nhau, khoảnh khắc yêu thương trong gia đình bị tước đoạt…

“Theo thống kê, 62% các bậc cha mẹ ở phía Bắc và 57,7% bậc cha mẹ ở phía Nam dành cho nhau đến 30 phút/ngày để trò chuyện hoặc giải trí cùng con cái. Điều này cho thấy, kết nối gia đình ngày càng lỏng lẻo. Do đó, các thành viên cần cân đối công việc, các mối quan hệ để dành thời gian cho gia đình, từ đó gắn kết, chia sẻ với nhau”, Thạc sĩ Hoa Hữu Vân cho biết.

Cũng theo ông Hoa Hữu Vân, từ 2017-2020, trung bình mỗi năm Việt Nam có 600.000 vụ ly hôn. Hơn 40% nguyên nhân gây ra mâu thuẫn, xung đột vợ chồng là bởi những chuyện “không đâu vào đâu”. “Hạnh phúc bị bào mòn bởi những chuyện “không gì to tát” nhưng diễn ra hằng ngày. Nhiều người cho rằng, người thân thì dễ bao dung, dễ thể tất nên dễ “quên” cách lựa lời, cách ứng xử tế nhị, đúng mực…

Để giải quyết mâu thuẫn, các cặp vợ chồng cần phải biết kỹ năng tổ chức, phân công lao động, biết cách đưa lời khen ngợi đối phương đúng lúc. Bình đẳng là một trong những yếu tố quan trọng để giữ gìn hạnh phúc gia đình, giúp các thành viên gắn kết với nhau thông qua các công việc chung hằng ngày trong gia đình. Khi mâu thuẫn xảy ra, hãy đặt vào vị trí của người kia để thấu hiểu và chia sẻ, từ đó, hoá giải mâu thuẫn”.

Bảo Thoa

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích