Phụ nữ phường Thị Cầu (TP.Bắc Ninh) triển khai hiệu quả mô hình “Biến rác thành tiền”

Phụ nữ phường Thị Cầu (TP.Bắc Ninh) triển khai hiệu quả mô hình “Biến rác thành tiền”

Việc triển khai thực hiện mô hình “Biến rác thành tiền” cho thấy hiệu quả, tính khả thi cao, góp phần giảm lượng rác thải tại các điểm tập kết rác, tiết kiệm chi phí cho việc xử lý rác thải, có thêm nguồn lực hỗ trợ cho các hoạt động xã hội của Hội.

Hưởng ứng cuộc vận động “Nói không với rác thải nhựa”, thời gian qua, các chi hội phụ nữ phường Thị Cầu (thành phố Bắc Ninh) triển khai hiệu quả mô hình “Biến rác thành tiền”. Hoạt động này không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mà còn tạo thêm nguồn quỹ hỗ trợ, động viên chị em phụ nữ, trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

tm-img-alt
Hội viên phụ nữ phường Thị Cầu tham gia dọn vệ sinh ngày “Chủ nhật xanh”

Đều đặn mỗi tháng hai lần vào ngày “Chủ nhật xanh”, chị Hoàng Thị Minh, Chi hội Phụ nữ khu phố 5 (phường Thị Cầu) lại cùng một số hội viên đến từng ngõ phố, từng nhà hội viên để tuyên truyền nâng cao nhận thức về giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường. Đồng thời, thu gom các phế liệu đã được phân loại, như: đồ gia dụng hỏng không còn sử dụng được, bìa carton, vỏ lon, giấy vụn, túi ni lông, nhôm, đồng, sắt vụn… đến điểm tập kết tại nhà văn hóa của khu phố. Sau khi phân loại, các loại phế liệu trên được bán để gây quỹ giúp các hội viên có hoàn cảnh khó khăn; thăm hỏi nhau lúc đau ốm, bệnh tật.

Còn tại khu 3 phường Thị Cầu, mô hình “biến rác thành tiền” của Chi hội phụ nữ khu phố thu hút hơn 20 thành viên tham gia. Sau một thời gian triển khai, mô hình thực sự phát huy hiệu quả, ý thức, trách nhiệm tham gia bảo vệ môi trường của hội viên phụ nữ và người dân ngày càng được nâng lên. Trung bình một năm, nguồn quỹ thu được từ bán phế liệu đạt khoảng 3-4 triệu đồng; được chi hội dùng để mua quà, thẻ bảo hiểm y tế tặng cho hội viên phụ nữ, trẻ em mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Cô Nguyễn Thùy Dung, Chi hội trưởng chi hội phụ nữ khu phố 3 cho biết: Thực tế cho thấy, mô hình “Biến rác thành tiền” mang lại hiệu quả thiết thực và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong từng cụm dân cư. Không chỉ góp phần nâng cao nhận thức và hành động của chị em trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, mà hoạt động này còn giúp chị em phụ nữ trong chi hội gắn kết hơn.

Chị Đoàn Thị Thùy Dương, Chủ tịch Hội LHPN phường Thị Cầu cho biết: Thời gian đầu mới triển khai (năm 2021), mô hình “Biến rác thành tiền” ở Hội LHPN phường gặp không ít khó khăn, số lượng hội viên tham gia thấp, một số chị em không mặn mà. Thông qua các hình thức tuyên truyền, vận động và đặc biệt những lợi ích thực tế dần thu hút hội viên và đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia, hưởng ứng. Đến nay các chi hội xây dựng được nguồn quỹ gần 25 triệu đồng từ mô hình “Biến rác thành tiền”. Số tiền thu được dùng để triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa thiết thực, nhân văn trong đời sống cộng đồng như: hỗ trợ tặng 8 thẻ BHYT cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, thăm hỏi hàng chục lượt hội viên, trẻ em mồ côi, người già neo đơn trong chi hội…

Ngoài ra, Hội LHPN phường tích cực làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân cùng tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường. Hằng năm, Hội đăng ký với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện công trình/phần việc tham gia xây dựng đô thị văn minh; thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Khu dân cư không rác thải”, “Ngày chủ nhật xanh”; nhận và thường xuyên quét dọn tại các “Đoạn đường phụ nữ tự quản”, trồng cây thay thế cỏ dại ven đường; vận động hội viên, phụ nữ và nhân dân đi chợ bằng làn…

Việc triển khai thực hiện mô hình “Biến rác thành tiền” cho thấy hiệu quả, tính khả thi cao, góp phần giảm lượng rác thải tại các điểm tập kết rác, tiết kiệm chi phí cho việc xử lý rác thải, có thêm nguồn lực hỗ trợ cho các hoạt động xã hội của Hội. Quá trình triển khai mô hình còn giúp thu hút, tập hợp và phát triển hội viên. Mô hình “Biến rác thành tiền” của Hội LHPN phường Thị Cầu đã trở thành điểm sáng trong Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” của phụ nữ thành phố Bắc Ninh. Đây cũng là cách làm hay, sáng tạo, khích lệ nhân dân tích cực thực hiện hiệu quả các tiêu chí của đô thị văn minh gắn với tăng trưởng xanh, góp phần xây dựng hình ảnh thành phố xanh-sạch-đẹp.

Thanh Hằng (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích