Phụ nữ châu Á và nỗi ám ảnh phải gầy mới đẹp

Phụ nữ châu Á và nỗi ám ảnh phải gầy mới đẹp

Ngoại hình mảnh mai từ lâu đã trở thành thước đo cho vẻ đẹp của hầu hết phụ nữ châu Á. Tuy nhiên, tiêu chuẩn sai lệch này khiến nhiều cô gái phải chịu ảnh hưởng về sức khỏe cũng như tinh thần.

Trong khi phong trào chấp nhận các kiểu cơ thể khác nhau đang nhận được sự quan tâm ở nhiều nơi trên thế giới, gầy vẫn là tiêu chuẩn cho cái đẹp và sức hấp dẫn với phần lớn phụ nữ Đông Á, nơi phụ nữ được đánh giá có xu hướng nỗ lực giảm cân nhiều nhất.

Tiêu chuẩn phi thực tế

Ở một số quốc gia châu Á, tiêu biểu là Trung Quốc, Hàn Quốc tiêu chí đánh giá một người phụ nữ đẹp được tóm tắt trong 3 từ “trắng, trẻ, gầy”.

Phụ nữ có xu hướng bị ám ảnh bởi ngoại hình mảnh mai nhiều hơn sau khi theo dõi các nghệ sĩ giải trí hay người mẫu thời trang. Tiêu chuẩn về thân hình siêu mỏng cũng thống trị Internet. Các ứng dụng chụp ảnh, chia sẻ video luôn đi kèm chức năng chỉnh sửa giúp khuôn mặt và thân hình nhỏ hơn một cách phi thực tế.

twice-k-pop-twice-tzuyu-asian-wallpaper-preview

Phụ nữ bị ám ảnh về ngoại hình mảnh mai hơn sau khi theo dõi các nghệ sĩ giải trí (Ảnh minh họa)

Hàng loạt thử thách khoe dáng trên mạng xã hội như vòng eo con kiến, đo vòng eo bằng giấy A4, đặt đồng xu vào xương quai xanh hay trào lưu mặc thử quần áo trẻ em,… tưởng chừng chỉ là những trào lưu vui vẻ trên mạng xã hội nhưng lại khiến nhiều phụ nữ hình thành suy nghĩ “Không phải quần áo quá nhỏ mà là chúng ta quá lớn”.

Điều này làm phụ nữ châu Á đua nhau giảm cân để diện những mẫu quần áo với kích thước siêu nhỏ. Thậm chí thương hiệu quần áo Brandy Melville còn chuyên cung cấp sản phẩm với triết lý “một kích cỡ dành cho tất cả mọi khách hàng”. Thương hiệu này còn tạo ra một câu lạc bộ dành riêng cho những người phụ nữ mảnh mai có thể mặc vừa những bộ đồ “tí hon” của họ. Thêm vào đó, bảng kích cỡ chuẩn của thương hiệu này được lan truyền, ví dụ phụ nữ cao 1,60 m chỉ nên nặng 43 kg, càng làm vấn đề thêm trầm trọng.

Theo một cuộc khảo sát khác được thực hiện giữa các sinh viên nữ đại học tại Trung Quốc vào năm 2016 và 2017, 73% số người được hỏi cho biết họ đã hành động để giảm cân trong sáu tháng qua. Hơn một nửa số người được hỏi cho biết bản thân muốn gầy đi.

314ef56ea98b011c52-73974193-1616386386-166-width1200height800

Các thử thách trên mạng xã hội như đo eo bằng giấy A4 khiến phụ nữ áp lực về việc giảm cân (Ảnh minh họa)

Jinbo He, chuyên gia nghiên cứu về hình ảnh cơ thể và chứng rối loạn ăn uống của Đại học Hồng Kông, Thâm Quyến, cho biết, thanh thiếu niên càng dành nhiều thời gian trên mạng xã hội thì càng có nhiều khả năng không hài lòng với cơ thể của mình.

Nhà tâm lý học Ke Han từ Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) lưu ý rằng truyền thông có xu hướng đưa tin về những cô gái rất gầy hay chế độ ăn kiêng của các nghệ sĩ và công chúng thì luôn ưa chuộng các nữ minh tinh có thân hình đẹp.

Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới, một người phụ nữ cao 166cm và nặng 50kg được gọi là thiếu cân, thì theo “tiêu chuẩn” của mạng xã hội, cô gái này lại đang thừa tận 3kg.

“Những phụ nữ nặng hơn 50 kg bị coi là lười biếng và thiếu kỷ luật vì dường như không thể quản lý ngoại hình của bản thân. Một số tin vào điều này đến mức nghĩ rằng nó sẽ ảnh hưởng đến triển vọng hôn nhân của họ”, nhà tâm lý Ke Han chia sẻ.

Vượt qua nỗi ám ảnh mang tên cân nặng

Luôn ám ảnh bởi cân nặng khiến nhiều phụ nữ châu Á rơi vào trạng thái lo lắng, trầm cảm và rối loạn ăn uống gây ảnh hưởng đến tính mạng.

Trước những ảnh hưởng tiêu cực của việc giảm cân hay nhịn ăn quá mức, ngày nay, nhiều phụ nữ châu Á bắt đầu theo đuổi phong trào “body positivity” (tạm dịch: cơ thể tích cực). Phong trào khuyến khích phụ nữ cảm thấy thoải mái với ngoại hình của bản thân, bỏ qua những chuẩn mực về cái đẹp được định hình bởi truyền thông và mạng xã hội.

_106982383_img_4912-1

Phụ nữ ngày nay đang thay đổi những chuẩn mực về cái đẹp (Ảnh minh họa)

Hơn cả một phong trào điều quan trọng với mỗi phụ nữ chính là yêu chính bản thân mình. Tất nhiên cơ thể của bạn sẽ thay đổi theo thời gian, vì thế cách bạn nhìn nhận nó cũng sẽ khác đi. Chẳng có lý do gì để bạn phải dành toàn bộ sự quan tâm của bản thân cho ngoại hình. Không hề sai khi bạn cảm thấy chán ghét hay tự ti về một số khuyết điểm trên cơ thể. Tuy nhiên, đừng quan tâm quá mức đến ngoại hình của bạn.

Nữ diễn viên Jameela Jamil, người đóng vai chính trong bộ phim truyền hình The Good Place đã gợi ý rằng thay vì cố gắng đạt đến hình mẫu hoàn hảo, đừng nên để tâm đến nó. Không nên lấy ngoại hình làm trung tâm của sự chú ý. Hình dáng, kích thước cơ thể chẳng làm nên giá trị con người bạn.

Nhưng hãy chăm sóc bản thân bằng cách tôn trọng ngoại hình của mình, lựa chọn lối sống lành mạnh như sử dụng những thực phẩm tốt cho sức khỏe, luyện tập thể thao và giữ cho tinh thần luôn thoải mái. Một cơ thể mạnh khỏe và tràn đầy sinh lực luôn quan trọng hơn là một cơ thể đẹp.

Bạn cũng có thể thích