Phu chợ Long Biên “đói” việc
Phu chợ Long Biên “đói” việc
Chợ Long Biên (Hà Nội) chưa mở lại, đồng nghĩa với biết bao phu hàng tại đây cũng không có việc làm. Họ tiếp tục chuỗi ngày quẩn quanh trong…
Chợ Long Biên (Hà Nội) chưa mở lại, đồng nghĩa với biết bao phu hàng tại đây cũng không có việc làm. Họ tiếp tục chuỗi ngày quẩn quanh trong căn phòng chặt hẹp, ngổn ngang đồ đạc, ẩm thấp.
Cạn tiền
Những ngày này, con phố nhỏ hẹp, quanh co dẫn vào khu nhà trọ của người lao động tại phường Phúc Xá (Ba Đình, Hà Nội) vắng vẻ.
Ven đường là dãy xe kéo xếp gọn gàng, khoá dây cẩn thận. Đi vào sâu bên trong là những dãy nhà trọ tềnh toàng, nhỏ hẹp, được chắp vá đủ những phên nứa đan, chiếu rách để gió đỡ lùa vào trong phòng.
Con ngõ nhỏ dẫn ra đường lớn chỉ nhộn nhịp khi có cơm từ thiện đến phát cho lao động nghèo. Thông thường, họ chỉ quẩn quanh trong nhà. Hà Nội được nới lỏng giãn cách, song chợ Long Biên vẫn đóng cửa im lìm.
Tranh thủ hai cháu đang học online, bà Nguyễn Thị Linh ra khu vực bãi bồi kiếm rau cỏ để cho bữa trưa. Rời quê hương từ năm 1986, bà Linh xuống Hà Nội mưu sinh, sống “ký sinh” với khu vực gần chợ Long Biên, chuyên làm công việc bốc vác.
Cả gia đình thuê trọ trong căn phòng lợp mái tôn, quây che tạm bợ. Chồng bà Linh tai biến đã bỏ đi, giờ bà ở cùng con gái, chăm cháu ngoại trong căn phòng hơn chục m2, ẩm thấp, bừa bộn đồ đạc.
Ảnh hưởng của dịch COVID-19, bà Linh cũng như nhiều lao động bốc vác khác không có việc làm, chỉ quẩn quanh trong nhà trọ. Đến giờ chợ Long Biên chưa mở lại, bà tiếp tục tháng ngày nhàn rỗi không mong muốn.
Trước có sức khoẻ, bà Linh chăm chỉ đêm hôm làm phu xe, vận chuyển hàng hoá ở chợ. “Giờ, 2 chân bị khô khớp, yếu rồi, nên không làm như trước được” – bà Linh nói. Làm việc tự do, ai thuê đâu bà làm đó.
“Có hôm được 100 nghìn đồng, hôm làm nhiều cũng đến 200 nghìn đồng, có hôm tay không ra về” – bà Linh kể về thu nhập từ công việc của mình. Tiền tích luỹ phòng thân không có, những người lao động như bà Linh ráo mồ hôi là cạn tiền.
Mong dịch đi nhanh
Cách không xa phòng trọ của bà Linh, chị Thanh (quê Ân Thi, Hưng Yên) cùng chồng làm lao động tự do đến nay tròn 12 năm. Kinh tế khó khăn, anh chị mới sinh một cháu và đang gửi ở quê cho ông bà chăm sóc.
Những ngày đầu mới xuống Hà Nội, chị Thanh lóng ngóng không biết phải làm công việc bốc vác ra sao. Đầu tiên chị nhận gánh gồng hàng hoá trong chợ, sau này có xe đẩy thay thế.
Khi chưa có dịch COVID-19, chị Thanh cùng chồng cật lực làm việc. Ngày nào cũng vậy, từ 22h, hai vợ chồng ra chợ bốc, xếp, vận chuyển hàng hoá. Đến tờ mờ sáng, anh chị trở về phòng trọ cũng là lúc đã mệt nhoài. “Mình đi kéo lẻ trong chợ, hôm đắt hàng thì được 300 nghìn đồng” – chị Thanh kể.
Mỗi tháng, chị Thanh tằn tiện gửi từ 1-2 triệu đồng về quê đóng tiền học cho con. Anh chị chịu thương chịu khó làm lụng, chỉ tranh thủ ông bà bận cấy hái mới về quê thăm gia đình.
Nhiều tháng nay, vợ chồng chị Thanh cũng phải chôn chân ở phòng trọ trên Hà Nội, không thể về quê, cũng chẳng có việc để làm. “Nhà tôi vẫn kẹt ở đây, tiền test COVID-19 vài trăm nghìn, phương tiện đi lại, giấy tờ khó khăn nên có về quê được đâu” – chị Thanh nói.
Tiền nong eo hẹp nhưng mỗi tháng chị Thanh vẫn phải trả 1,2 triệu đồng tiền phòng, điện, nước. Những ngày qua, tiền tích luỹ không còn nhiều, chị Thanh cũng phải ăn uống qua loa qua ngày.
Chị Thanh chia sẻ: “Ăn rau lấy ở bãi bồi ven sông, hoặc có cơm từ thiện. Nửa tháng nay cũng may được một bữa cơm từ thiện trong ngày”. Chị Thanh nuối tiếc vì hôm nay là ngày cuối cùng có cơm từ thiện. Những bữa cơm của ngày mai, chị còn chưa nghĩ đến…
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị