Phú Bình (Thái Nguyên) tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản
Phú Bình (Thái Nguyên) tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản
Thực hiện Đề án tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025, UBND huyện Phú Bình đã kiện toàn Ban Chỉ đạo, Tổ công tác và thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành
Trên địa bàn huyện Phú Bình đã và đang có nhiều công trình, dự án được triển khai, nhu cầu về đất san lấp tăng cao nên xuất hiện tình trạng khai thác trái phép loại khoáng sản này tại địa phương. Trước thực tế trên, UBND huyện đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm siết chặt hoạt động khai thác khoáng sản.
Thực hiện Đề án tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025, UBND huyện Phú Bình đã kiện toàn Ban Chỉ đạo, Tổ công tác và thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành; đồng thời xây dựng kế hoạch kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hoạt động khoáng sản trái phép; tổ chức cho chủ tịch UBND 20 xã, thị trấn ký cam kết về thực hiện trách nhiệm trong quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, môi trường.
Riêng năm 2023, UBND huyện đã chỉ đạo thực hiện trên 30 đợt kiểm tra. Qua đó, Tổ công tác liên ngành của huyện và UBND các xã đã phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm theo quy định; yêu cầu các đối tượng dừng khai thác và xử lý theo thẩm quyền. Trong đó, Chủ tịch UBND huyện đã ban hành quyết định xử phạt hành chính 1 trường hợp với số tiền 49 triệu đồng; chỉ đạo, bàn giao UBND cấp xã xử phạt theo thẩm quyền 74 vụ việc, với số tiền 282 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là: Sử dụng đất sai mục đích; hủy hoại đất; chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép…
Cùng với công tác kiểm tra, UBND huyện quan tâm chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật về hoạt động tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường đến người dân. Việc tổ chức tuyên truyền được thực hiện dưới nhiều hình thức, như: Thông tin trên hệ thống loa, đài phát thanh của huyện; lồng ghép tại các hội nghị phổ biến, tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật về tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường; tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý tài nguyên khoáng sản cho cán bộ cấp huyện, xã.
Ngoài các giải pháp trên, hằng năm, UBND huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, rà soát quy hoạch các điểm mỏ khoáng sản (cát, sỏi, đất san lấp) trên địa bàn, nhằm kịp thời bổ sung quy hoạch các điểm mỏ theo đúng quy định; đáp ứng nhu cầu về nguồn nguyên vật liệu xây dựng thông thường; phù hợp với quy hoạch khoáng sản của cả nước.
Riêng trong năm 2023, UBND huyện đã rà soát, quy hoạch 9 điểm mỏ đất với tổng diện tích 154,39ha, gồm: Mỏ đất san lấp khu vực xã Bàn Đạt, Tân Khánh với diện tích 22,07ha; mỏ đất san lấp khu vực xã Bảo Lý, Tân Thành, Tân Hòa với diện tích 32,33ha; mỏ đất xóm Hòa Lâm, xã Tân Thành với diện tích 20,02ha; mỏ đất xóm Đồng Bốn, xã Tân Thành với diện tích 20ha… Hiện, UBND huyện đang đề nghị cấp có thẩm quyền thẩm định phê quyệt quy hoạch để đảm bảo nguồn đất san lấp trên địa bàn.
Từ các giải pháp nêu trên, đến nay, hoạt động khai thác đất san lấp trái phép trên địa bàn huyện đã dần đi vào nền nếp và được quản lý theo quy định. Thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản trên địa bàn, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đồng thời chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường các giải pháp trong quản lý tài nguyên khoáng sản; công bố công khai quy hoạch về thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn huyện.
Minh Tuấn (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị