Phú Bình (Thái Nguyên): Điểm sáng về thực hiện tiêu chí quy hoạch hạ tầng, cơ sở vật chất văn hóa trong xây dựng nông thôn mới
(Xây dựng) – Thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị. Xác định rõ điều đó, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên nói chung và huyện Phú Bình nói riêng đã chỉ đạo quyết liệt, cùng với sự đoàn kết, chung sức đồng lòng của nhân dân đã đem lại nhiều thành tựu tích cực về quy hoạch hạ tầng, cơ sở vật chất văn hóa…
Ông Nguyễn Văn Bản, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình đánh giá cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực của tập thể lãnh đạo và quần chúng nhân dân trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. |
Những năm vừa qua, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, tỉnh Thái Nguyên có cơ chế hỗ trợ, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân tích cực tham gia với tư cách là chủ thể thực hiện và hưởng thụ nên xây dựng nông thôn mới, không chỉ là phong trào mà đã trở thành việc làm tự giác với mục tiêu xây dựng hạ tầng nông thôn ngày càng phát triển. Hạ tầng được đầu tư nâng cấp khá đồng bộ, diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi rõ nét, bản sắc văn hóa của các địa phương được duy trì và củng cố, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.
Ngay từ đầu năm, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai, ban hành nhiều văn bản kịp thời và đồng bộ, cụ thể hoá các nội dung để chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện phù hợp với điều kiện của địa phương; xây dựng ban hành các nghị quyết, quyết định và các văn bản triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh như: Nghị quyết điều chỉnh Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên; Nghị quyết quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương; Quyết định ban hành các bộ tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu và xóm nông thôn mới kiểu mẫu…
Tuyến đường hoa xóm Giàng, xã Dương Thành, huyện Phú Bình. |
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 129/137 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 94,16%. Trong đó có 31 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt tỷ lệ 23,3%); 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 6,2%. Năm 2024, toàn tỉnh có 2 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới, 33 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 12 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Để hoàn thành mục tiêu này, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng giải pháp, lộ trình cụ thể, phân công trách nhiệm cho từng tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm triển khai thực hiện hoàn thành các điều kiện, chỉ tiêu, tiêu chí chưa đạt hoặc đạt nhưng còn ở mức độ thấp. Đồng thời, kịp thời xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình nước sạch tập trung, công trình nhà văn hoá, khu thể thao xóm, xã đạt chuẩn theo yêu cầu.
Riêng huyện Phú Bình đã huy động từ các nguồn lực được gần 5.500 tỷ đồng để triển khai xây dựng nông thôn mới. Từ nguồn lực này, huyện đã đầu tư nâng cấp gần 900km đường giao thông nông thôn; sửa chữa, cải tạo trên 210 công trình thủy lợi; lắp đặt, nâng cấp hơn 50 trạm biến áp và 500km đường dây điện; xây dựng gần 1.000 phòng học… Nhờ đó, đến nay 100% xã trên địa bàn đã đạt chuẩn nông thôn mới; 5/19 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025; thị trấn Hương Sơn đạt các tiêu chí đô thị văn minh; thu nhập bình quân đầu người đạt 70 triệu đồng/năm (tăng trên 50 triệu đồng/người/năm so với năm 2011); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,69% (giảm 9,61% so với năm 2011)…
Trong 6 tháng đầu năm 2024, hầu hết các chỉ tiêu chính của huyện đều đạt được kết và vượt so với cùng kỳ năm 2023, như: Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản ước đạt gần 1.430 tỷ đồng, vượt 3,9%; giá trị sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ước đạt trên 10.500 tỷ đồng, vượt 5,6%; sản lượng lương thực có hạt ước đạt trên 34.000 tấn; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…
Xã Dương Thành là một trong những xã tiêu biểu trong phấn đấu xây dựng nông thôn mới của huyện Phú Bình. |
Ông Nguyễn Văn Ái, Bí thư Đảng ủy xã Dương Thành chia sẻ: Xây dựng nông thôn mới là cả một quá trình, đối với Dương Thành thì cán bộ chúng tôi luôn có lộ trình đi trước rồi mới lên kế hoạch cụ thể, vì như vậy từng mục tiêu đều được hoàn thành đúng và trước tiến độ. Để đạt được kết quả như bây giờ còn phải kể đến sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân. Người dân hiến đất làm hạ tầng, huy động nguồn lực để xây dựng nhà văn hóa. Xã hiện nay đã xây mới 7 nhà văn hóa và sửa chữa 2 nhà văn hóa.
Xã Hà Châu là một trong những xã đạt nhiều kết quả tiêu biểu trong mục tiêu xây dựng hạ tầng đường xá giao thông. |
Ông Nguyễn Văn Đài, Bí thư Đảng ủy xã Hà Châu cho biết: Tập thể người dân xã Hà Châu cùng chung sức, chung lòng phấn đấu xây dựng nông thôn mới. Năm 2016 toàn xã đã về đích nông thôn mới, năm 2023 đạt nông thôn mới nâng cao và năm 2024 phấn đấu trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đặc biệt tập trung vào 2 tiêu chí là cảnh quan môi trường và chuyển đổi số. Hiện nay, cả 2 tiêu chí này đã hoàn thành trên 80%. Đối với chuyển đổi số thì quy trình cải cách hành chính đạt top đầu cả tỉnh. Đảng ủy luôn xác định nhiệm vụ chính là tập trung cao độ về chính trị, làm đến đâu chắc đến đó, làm đến đâu là đạt ở đó.
Xã Hà Châu xây dựng sân tập đáp ứng nhu cầu thể thể chất, tinh thần cho người dân. |
Ông Nguyễn Văn Bản, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình chia sẻ: Thời gian tới, sẽ không ngừng tiếp tục hành trình xây dựng nông thôn mới với những định hướng ở tầm cao hơn. Phú Bình phấn đấu đến hết năm 2025, toàn huyện có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt 90 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 2,2%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%; 25% số trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải đạt 100%; giá trị sản phẩm trên 1ha đất nông nghiệp đạt 130 triệu đồng…
Mỗi vùng nông thôn trở thành những vùng đất thanh bình, phát triển theo hướng đô thị, văn minh và hiện đại, xứng đáng là một trong những vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh Thái Nguyên. Đặc biệt là chủ trương mở rộng hệ thống đường giao thông liên xã, trục xã, trục xóm, liên xóm, ngõ xóm để hướng tới nông thôn mới nâng cao, tiêu chí của thị xã; đồng thời làm tốt công tác chỉ đạo, tuyên truyền, vận động, nên người dân rất ủng hộ, đồng lòng hiến đất mở rộng đường đáp ứng nhu cầu đi lại, phát triển kinh tế – xã hội.
Ngoài ra, huyện Phú Bình sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thực hiện tốt phong trào thi đua “Phú Bình chung sức xây dựng nông thôn mới”; đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nhân rộng phong trào trồng hoa, cây xanh dọc các tuyến đường trục xã, xóm; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, phát triển trồng trọt, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị sản xuất…
Có thể thấy phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới ” đã được tỉnh Thái Nguyên triển khai thực hiện rất tích cực, với nội dung phong phú, hình thức đa dạng. Đặc biệt là trên địa bàn huyện Phú Bình, nhiều phong trào thi đua được các xã trên địa bàn tập trung, bám sát nhiệm vụ chính trị, các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm để giải quyết những khó khăn, với các hình thức thi đua phong phú, có chủ đề, tên gọi dễ nhớ, có tiêu chí cụ thể, nội dung thiết thực…
Phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới” cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, xây dựng hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn đồng bộ và hiện đại, gắn với quá trình đô thị hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng nông thôn mới thông minh, đảm bảo môi trường cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống.
Nguồn: Báo xây dựng