Phòng chống hàng giả, hàng nhái các sản phẩm vòng bi tại thị trường Việt Nam
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2020 đến nay, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 71 vụ việc liên quan đến mặt hàng vòng bi, xử phạt vi phạm hành chính gần 1,6 tỷ đồng, thu giữ trên 210.000 sản phẩm vi phạm trị giá trên 2,9 tỷ đồng. Điển hình, ngày 11/12/2020, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra hộ kinh doanh Thiện Văn Bình địa chỉ tại Khu 5 phường Ka Long, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Tại thời điểm kiểm tra phát hiện ông Thiện Văn Bình đang bày bán 34.947 vòng bi giả mạo nhãn hiệu SKF, KOYO, xử phạt 215.000.000 đồng.
Thông tin tại chương trình làm việc với Đoàn công tác thuộc Hiệp hội công nghiệp vòng bi thế giới về công tác phòng, chống hàng giả, hàng nhái các sản phẩm vòng bi tại thị trường Việt Nam vừa qua, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết, tại Việt Nam, trong thời gian qua, tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn biến phức tạp và luôn luôn thay đổi để đối phó với các lực lượng chức năng. Phương thức, thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi nhằm trốn tránh kiểm tra, kiểm soát.
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh làm việc với Hiệp hội vòng bi thế giới về công tác phòng, chống hàng giả
Thêm vào đó, hoạt động thương mại điện tử phát triển là cơ hội để tình trạng hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thông qua mạng internet diễn ra ngày càng phổ biến và diễn biến phức tạp. Một số mặt hàng vi phạm nổi cộm bao gồm: Thời trang, hàng tiêu dùng, thực phẩm; vật tư nông nghiệp; dược phẩm; mỹ phẩm; vật liệu xây dựng; phụ tùng ô tô, xe máy,… Theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, để phòng, chống hàng lậu hàng giả đối với mặt hàng vòng bi, trước mắt cần tăng cường kiểm tra xử phạt đối tượng vi phạm.
Tuy nhiên, ông Linh cho rằng, việc cốt lõi là nâng cao nhận thức của người tiêu dùng để bản thân người tiêu dùng có ý thức phòng tránh trước. Đặc biệt cần tuyên truyền cho đối tượng có phương tiện sử dụng vòng bi trong việc sử dụng hàng hóa chính hãng. Bên cạnh đó, cần nâng cao kiến thức cho hàng chục nghìn cửa hàng sửa chữa trên cả nước trong việc sử dụng hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ trong việc thay thế cho người sử dụng.
Ông Uchida Koichi, Cố vấn Kỹ thuật, Bộ phận kinh doanh máy móc công nghiệp, Hiệp hội công nghiệp vòng bi Nhật Bản
Theo chia sẻ của ông Uchida Koichi, Cố vấn Kỹ thuật, Bộ phận kinh doanh máy móc công nghiệp, Hiệp hội công nghiệp vòng bi Nhật Bản, Trưởng đoàn công tác, đối với sản phẩm vòng bi hiện nay đã xuất hiện nhiều sản phẩm giả gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh doanh sản xuất của doanh nghiệp, Hiệp hội, đặc biệt ảnh hưởng tới sự an toàn, tính mạng của người sử dụng bởi mặt hàng này được sử dụng trong rất nhiều sản phẩm hàng ngày. Thay mặt cho Hiệp hội công nghiệp vòng bi thế giới, ông Uchida Koichi mong muốn được phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường trong công tác phòng, chống hàng giả, hàng nhái đối với sản phẩm vòng bi kinh doanh tại thị trường Việt Nam.
Tiêu chuẩn chất lượng về vòng bi
1. Tiêu chuẩn ISO (International Organization for Standardization)
Đây là tiêu chuẩn quốc tế, được áp dụng một cách rộng rãi và nghiêm ngặt nhất, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất thì càng được chú trọng tuân thủ. Vòng bi (Bạc đạn) cần đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế không chỉ về dung sai, kích thước mà còn về chất liệu cũng như khả năng hoạt động và sự phù hợp cho từng thiết bị, từng môi trường khác nhau.
2. Tiêu chuẩn ABMA (American Bearing Manufacturing)
Đây là tiêu chuẩn của Mỹ nhằm đặt ra cho các thiết bị sản xuất, đặc biệt đối với các thiết bị có dạng vòng lăn, vòng trượt. Ví dụ điển hình như: sản phẩm vòng bi NSK phải đáp ứng được tiêu chuẩn ANSI/ABMA 19:2-1994, cụ thể phải có những đặc điểm theo yêu cầu như sau:
Có ổ côn được tính theo hệ inch thông dụng
Phải được thiết kế chính xác theo tiêu chuẩn CL7C
Phải có gờ chặn an toàn ở vòng ngoài nhằm đảm bảo cho hoạt động quay được thực hiện tốt nhất.
Ngoài ra còn phải có một dãy lắp cặp theo đúng tiêu chuẩn sản xuất cho Vòng bi (Bạc đạn).
Đặc biệt với tiêu chuẩn này còn quy định Vòng bi (Bạc đạn) phải hoạt động tốt trong các môi trường nhiều thay đổi và khắc nghiệt như trường hợp nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp, trọng tải áp lực và công suất máy đòi hỏi phải có tốc độ quay cao… Trong những trường hợp này, bi phải đạt tiêu chuẩn kĩ thuật cao, chính xác, có khả năng chịu được sự mài mòn tốt nhất.
3. Tiêu chuẩn DIN (Deutsch Industrie Norm)
Đây là một trong những tiêu chuẩn Đức, với nhiều tiêu chuẩn con trong DIN, chủ yếu về các lĩnh vực như đo lường, các thiết bị đo đơn vị, đóng gói, phân tích và xây dựng trong dân dụng. Trong tiêu chuẩn này còn bao gồm luôn cả quy định về tiêu chuẩn cho vật liệu xây dựng, các phép phân tích về mẫu đất, chống ăn mòn trong kết cấu của các thiết bị thử nghiệm, trong cấu tạo của các máy móc, thiết bị sản xuất…trong số đó có những tiêu chuẩn quy định dành cho Vòng bi (Bạc đạn). Hiện nay bulong và các loại ốc vít, Vòng bi (Bạc đạn) đều tuân thủ tiêu chuẩn này khi sản xuất thiết kế.
4. Tiêu chuẩn JIS (Japanese Industrial Standard)
Đây là bộ tiêu chuẩn Nhật Bản đặt ra cho các thiết bị nhằm tạo ra tiêu chuẩn và hướng dẫn cách thức thực hiện các quy trình kĩ thuật trong công nghiệp, được áp dụng rộng rãi nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Ngoài các tiêu chuẩn trên thì trên thế giới còn có rất nhiều tiêu chuẩn khác, được áp dụng khác nhau tại mỗi quốc gia, ví dụ như tiêu chuẩn BS – tiêu chuẩn Anh, GB – tiêu chuẩn Trung Quốc, GOST – tiêu chuẩn Nga, TCVN – tiêu chuẩn Việt Nam. Dù là được phân loại theo tiêu chuẩn nào và yêu cầu kỹ thuật nào thì mục đích chung cho các tiêu chuẩn này đều nhằm đảm bảo được Vòng bi (Bạc đạn) có độ chính xác về dung sai và kích thước nhằm đảm bảo chúng có thể thay thế cho nhau trong một số máy móc cũng như các lĩnh vực đa dạng.
Khánh Mai (t/h)