Phòng, chống bạo lực gia đình: Cần cơ chế đặc biệt để bảo vệ trẻ em
Ngày 8/9, tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các đại biểu Quốc hội chuyên trách đã thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Trong đó, vấn đề bảo vệ nạn nhân của bạo lực gia đình là trẻ em nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu.
Trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình rất lớn
“Dường như dự thảo luật chưa thực sự chú trọng đến đối tượng trẻ em, đối tượng dễ bị bạo lực gia đình. Trên thực tế hằng năm số lượng trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình rất lớn. Theo thống kê của Tổng đài một 111 trong năm 2021 số trẻ em bị bạo lực bởi người thân trong gia đình chiếm tỷ lệ cao nhất trong số vụ bạo hành trẻ em, chiếm tới 72,84%. Đây mới chỉ là con số thống kê của một tổng đài, con số thực tế tôi tin sẽ lớn hơn rất nhiều”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) băn khoăn.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, nhiều quy định trong Dự thảo Luật chưa phù hợp với trẻ em. (Ảnh: Quốc hội) |
Tuy nhiên, theo đại biểu, những nội dung quy định trong dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hầu như chỉ hướng đến người lớn, nhiều quy định không phù hợp với đối tượng trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình. Cụ thể, nếu người bị bạo lực gia đình là trẻ em, các em không thể yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Các em cũng không thể yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của luật này và cũng không thể yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình bồi thường thiệt hại, thậm chí quyền khiếu nại, tố cáo về phòng, chống bạo lực gia đình cũng không có ý nghĩa đối với nạn nhân là trẻ em, nhất là trẻ em còn rất nhỏ tuổi…
“Ngay cả trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin liên quan đến vụ việc bạo lực gia đình khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cũng không phù hợp đối với đối tượng trẻ em. Với sự non nớt, với nỗi sợ hãi khi bị bạo lực gia đình, các em không thể cung cấp đầy đủ, chính xác về vụ việc.
Khi trẻ em bị bạo lực bởi người thân cũng không hy vọng người giám hộ, người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình là các em cung cấp thông tin một cách đầy đủ và chính xác. Tôi đề nghị phương pháp hòa giải trong phòng ngừa bạo lực gia đình quy định ở Điều 17, 18 cũng không áp dụng với trường hợp nạn nhân bạo lực gia đình là trẻ em”, đại biểu nói.
Về quy định người bị bạo lực gia đình được quyền lựa chọn chỗ ở trong thời gian cấm tiếp xúc, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng cũng không phù hợp nếu đối tượng bị bạo lực gia đình là trẻ em, các em không thể lựa chọn chỗ ở cho mình được.
Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: Quốc hội) |
“Tôi đề nghị có những quy định riêng phù hợp hơn với nạn nhân bị bạo lực gia đình là trẻ em. Bởi lẽ trẻ em là đối tượng đặc biệt yếu thế, khi là nạn nhân bạo lực gia đình không thể kháng cự, không thể kêu cứu, cũng không thể phản ứng hay yêu cầu, đề nghị được”, đại biểu nhấn mạnh.
Tách riêng quy định về phòng, chống bạo lực trẻ em
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn Ninh Bình) cho hay, thực tế trong thời gian qua, việc trẻ em bị đối tượng là người tình của cha hoặc mẹ bạo hành đã rất nhiều nhưng không thuộc trường hợp được áp dụng biện pháp tạm thời cách ly trẻ em theo Luật Trẻ em.
Vì vậy, theo đại biểu, việc Dự thảo sửa đổi đã bổ sung trẻ em là đối tượng cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã là hợp lý, lấp được khoảng trống của pháp luật hiện hành để kịp thời bảo vệ trẻ em khỏi bị bạo hành.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Đoàn Hải Dương) kiến nghị Dự thảo luật cần tách riêng một mục quy định về phòng, chống bạo lực trẻ em. (Ảnh: Quốc hội) |
Cùng quan tâm đến vấn đề trẻ em, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Đoàn Hải Dương) kiến nghị trong Dự thảo luật cần tách riêng một mục quy định về phòng, chống bạo lực trẻ em trong gia đình cho phù hợp với đặc điểm, đặc thù của nhóm đối tượng này.
Những nội dung cụ thể cần tách ra như về nguyên tắc phòng, chống bạo lực trẻ em trong gia đình, định nghĩa các hành vi bạo lực trẻ em trong gia đình, các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp, xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình đối với trẻ em.
Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu ý kiến về việc bổ sung riêng các hành vi bạo lực gia đình đối với trẻ em, trong đó có hành vi cưỡng ép, sử dụng các chất kích thích, kể cả rượu, bia và các chất kích thích khác.
Đồng thời, bổ sung quy định các hình thức tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó bổ sung hình thức tư vấn tại nhà hoặc tại trường học trong trường hợp người bị bạo hành gia đình là trẻ em từ 6 tuổi trở lên; bổ sung địa chỉ tiếp nhận tin báo tố giác bạo lực gia đình phù hợp với trẻ em, ví dụ như là nhà trường, giáo viên…
“Tôi tán thành với việc bổ sung một số nội dung trong quy định về trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, cần quy định rõ hơn về những vấn đề yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các cơ sở giáo dục hỗ trợ trẻ em trong trường hợp phát hiện trẻ bị bạo lực gia đình và khi nhận được tin trẻ em báo về việc học sinh thuộc nhà trường bị bạo lực gia đình.
Bên cạnh đó, cũng cân nhắc về việc nhà trường có thể trở thành một trong những địa chỉ đáng tin cậy để trẻ em tạm lánh khi bị bạo lực gia đình hay không đối với các trường có thể đáp ứng được về cơ sở vật chất”, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa đề nghị.
Nguồn: Báo lao động thủ đô