Phong cách Indochine: Dòng chảy trăm năm của tinh hoa Đông – Tây

(Xây dựng) – Xuất hiện cả trăm năm trước, phong cách thiết kế Đông Dương (Indochine) ngày càng trở nên thịnh hành. Sự kết hợp tinh hoa Đông – Tây, giữa sự sang trọng, hiện đại của người châu Âu và nét hoài cổ trong truyền thống nghìn năm của người Việt đã làm nên một dòng chảy chưa từng bị mai một trong lịch sử.

“Nụ hôn lãng mạn kiểu Pháp trên môi cô nàng Á Đông”

Quay ngược thời gian về thế kỉ 19, Indochine là cái tên sớm xuất hiện trong dòng sông lịch sử, với ý nghĩa về 6 đất nước xinh đẹp ở Đông Nam châu Á là Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và Malaysia – những vùng đất nổi tiếng với lịch sử truyền thống lâu đời và giá trị văn hóa đặc trưng.

phong cach indochine dong chay tram nam cua tinh hoa dong tay
Bộ Ngoại giao – Một công trình kiến trúc mang đậm nét kiến trúc Đông Dương.

Đầu thế kỉ 20, Indochine đi vào đời sống với một tầng ý nghĩa khác, đó là phong cách thiết kế do kiến trúc sư Ernest Hébrard, giáo sư trường Mỹ thuật Đông Dương đặt nền móng. Sự biến đổi của kiến trúc Pháp khi du nhập vào Việt Nam đã tạo nên một phong cách thiết kế nổi tiếng với những công trình lịch sử như Nhà hát lớn Hà Nội, Đại học Đông Dương (nay là Đại học Khoa học tự nhiên), Sở Tài chính Đông Dương (nay là Bộ Ngoại giao) hay Bảo tàng Louis Finot (hiện là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia),…

Được ví một cách bay bổng là “nụ hôn lãng mạn kiểu Pháp trên môi cô nàng Á Đông”, những công trình mang phong cách Indochine toát lên vẻ đẹp quyền quý, sang trọng của phương Tây và những gì bình dị, gần gũi nhất với đời sống người Việt

Grand Métropole Hotel, nay là Sofitel Legend Metropole Hanoi là một trong những kiến trúc kinh điển theo định nghĩa này. Lấy cảm hứng từ nét cổ điển Pháp, khách sạn 5 sao nổi tiếng một thời mang thiết kế cân đối, rắn rỏi với hệ thống cột cao lớn làm trụ cho toàn bộ không gian. Sự uy nghi, quý phái là cảm nhận của bất kì ai khi bước vào Metropole bởi kiến trúc mái vòm Gothic, bởi hệ thống mái chống hắt hay những con tiện chạy dọc cầu thang được thiết kế cầu kì – những gì đặc trưng nhất của kiến trúc châu Âu.

phong cach indochine dong chay tram nam cua tinh hoa dong tay
Sofitel Legend Metropole Hanoi nổi bật với với những chi tiết kiến trúc Pháp đậm chất lãng mạn và tinh tế.

Tuy nhiên, để phù hợp với điều kiện tự nhiên của người Việt, những kiến trúc sư người Pháp đã khéo léo áp dụng những nét đặc trưng của căn nhà người Việt cổ với một khuôn viên rộng để tăng ánh sáng, tạo sự thoáng đãng. Nét Á đông cũng được trộn lẫn trong thiết kế với những khung cửa sổ nhỏ hình chữ nhật được thiết kế khắp 4 phía của tòa nhà với hệ thống cửa chớp tạo sự thông thoáng.

“Sự du nhập của văn hóa phương Tây đặc trưng bởi nét quyến rũ, kiêu sa đã kết hợp và dung hòa một cách khéo léo với chất nền của phương Đông”, kiến trúc sư Đoàn Tú, người theo đuổi và ghi dấu trong nhiều công trình theo phong cách Indochine nói.

Indochine sẽ phát triển lên tầm cao mới

Không chỉ kiến trúc tổng thể, việc đưa hồn Việt hòa lẫn trong phong cách Pháp ở từng chi tiết theo kiến trúc sư Đồng Mạnh Bình (Hà Nội) đã khiến Indochine có sức sống bền bỉ. “Đó là kiến trúc bất kì người Việt nào nhìn vào cũng tìm thấy sự gần gũi, hoài niệm, thấy một phần của cuộc sống”, kiến trúc sư Bình nói.

Ông lấy ví dụ về Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, hay từng được biết đến là Bảo tàng Louis Finot. Thiết kế mái bằng hoặc mái vòm theo đúng kiến trúc Pháp đã khéo léo được thay bằng bộ mái ngói nhiều lớp hình bát giác với những góc vuốt cong – những hình ảnh quen thuộc trong đình chùa cổ của người Việt. Đó là sự xuất hiện của gạch nung, vật liệu không thể thiếu trong các căn nhà Việt cổ và hệ thống họa tiết trang trí hoa sen, họa tiết chữ triện, kỉ hà (họa tiết hình lục giác giống vảy trên mai rùa).

Theo kiến trúc sư Bình, hồn Á Đông trong Indochine có thể thấy rõ nhất khi đi sâu vào công trình mang phong cách Indochine với những chất liệu mang bản sắc Việt như gỗ, tre, nứa, mây,… Nếu như gỗ không xa lạ với kiến trúc Pháp thì tre, nứa, mây – những gì gắn với hồn dân tộc được sử dụng làm đồ nội thất, vật dụng trang trí khiến những ngôi nhà Indochine mang đậm nét dân dã, tự nhiên. Ngoài ra, những vật liệu xuất phát từ chính Việt Nam với đặc tính dẻo dai, bền bỉ, chịu được sức khắc nghiệt của khí hậu nhiệt đới là lựa chọn hoàn hảo cho bất kì ngôi nhà nào.

Chính sự pha trộn giữa sự truyền thống và hiện đại đã khiến Indochine không những không lạc hậu theo thời gian mà còn luôn quyến rũ trong mắt mọi người, kiến trúc sư Bình cho hay. Bằng chứng là không chỉ quá khứ huy hoàng cách đây gần trăm năm, trong suốt chiều dài lịch sử và ngay cả hiện tại, Indochine vẫn luôn là cái tên được nhớ đến đầu tiên khi nói về kiến trúc.

phong cach indochine dong chay tram nam cua tinh hoa dong tay
Kiến trúc Indochine được đưa vào tiện ích giàn cảnh quan The Muse tại phân khu The Tonkin thuộc Kkhu đô thị Vinhomes Smart City.

Vẻ đẹp tinh tế cùng sự phù hợp với điều kiện của Việt Nam đã khiến ngày càng nhiều gia chủ chọn Indochine làm phong cách cho ngôi nhà hay cửa hiệu của mình. Với sức sống trường tồn, giá trị của nghệ thuật kiến trúc được thử thách qua thời gian, những công trình mang phong cách kiến trúc này chắc chắn sẽ mê hoặc mọi ánh mắt và lưu giữ giá trị theo thời gian.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích