Phòng bệnh cho người cao tuổi khi giao mùa cần lưu ý gì?

Phòng bệnh cho người cao tuổi khi giao mùa cần lưu ý gì?

MTĐT –  Thứ năm, 21/10/2021 10:54 (GMT+7)

Giao mùa thời tiết thay đổi gây mưa nhiều, ẩm, lạnh, rét, nhiều bệnh ở người cao tuổi (NCT) dễ xuất hiện, tái phát.

1. Một số bệnh cần lưu ý phòng ngừa cho người cao tuổi khi giao mùa

Thời tiết đang lúc chuyển mùa nên lạnh và ẩm, đây là một trong những điều kiện rất thuận lợi cho vi khuẩn và virus phát triển. Nếu NCT không giữ đủ ấm (ăn mặc, phòng ở) thì một số bệnh về đường hô hấp như viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản, khí phế thũng, đặc biệt là bệnh hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính rất dễ xuất hiện hoặc tái phát. 

Đặc biệt, hai loại bệnh hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là mối đe dọa đến tính mạng người bệnh mỗi khi thời tiết chuyển mùa từ nóng sang lạnh. 

Bên cạnh đó, cần lưu ý là khi NCT bị viêm phế quản, viêm phổi cấp tính do lạnh thì thân nhiệt thường không tăng cao như người trẻ tuổi (do sức đề kháng đã suy giảm) cho nên dễ nhầm tưởng là bệnh nhẹ. Vì vậy, ít được người nhà để ý, dễ dẫn đến bệnh chuyển nặng, khi được đưa vào bệnh viện thì bệnh đã rất nặng, thậm chí nguy kịch.

Bệnh viêm mũi, họng là một bệnh có thể gặp quanh năm nhưng khi chuyển mùa, NCT hay gặp nhất. Biểu hiện của các bệnh này (nhất là viêm mũi, họng dị ứng ) là hắt hơi, sổ mũi, chảy mũi nước, đau rát họng, ho, tức ngực, có khi gây khó thở. 

Khi chuyển mùa từ nóng sang lạnh, ẩm một số NCT nghiện thuốc lá, thuốc lào thường hút tăng lên cho đỡ rét thì bệnh lại càng tăng nặng hơn. Bởi vì, yếu tố thuận lợi gây bệnh đường hô hấp nhất là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen suyễn trước hết phải kể đến là do khói thuốc lá, thuốc lào. 

Lý do là khói thuốc lá, thuốc lào khi hít vào đường hô hấp sẽ làm tổn thương các nhu mô phổi (tổ chức phổi) do đó làm tăng nguy cơ bội nhiễm vi sinh vật (virus, vi khuẩn, vi nấm). Thêm vào đó môi trường ô nhiễm, nhiều bụi, khói của bếp than, bếp củi, bếp dầu, nhà ở chật chội, không thông thoáng (thời tiết lạnh cho nên thường đóng kín cửa sổ, cửa ra vào), ô nhiễm môi trường… cũng là những yếu tố thuận lợi làm cho NCT dễ mắc các bệnh đường hô hấp.

NGƯỜI CAO TUỔI CẦN CHÚ Ý PHÒNG BỆNH KHI THỜI TIẾT CHUYỂN MÙA - Ảnh 2.
Thời tiết lạnh, ẩm dễ làm cho NCT mắc các bệnh đường hô hấp.

Ngoài ra, một số bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh về rối loạn nội tiết cũng là những lý do làm tăng nguy cơ viêm đường hô hấp khi thời tiết chuyển mùa từ nóng sang mùa lạnh, ẩm ở NCT. Chuyển mùa từ nóng sang lạnh, ẩm ướt một số bệnh về tim mạch cũng sẽ gia tăng, trong đó cần đặc biệt lưu ý bệnh tăng huyết áp kịch phát mỗi khi lạnh đột ngột do mặc không đủ ấm, phòng ngủ không kín gió, chăn, đệm không đủ chống lạnh. Bệnh đột quỵ (tai biến mạch máu), nhồi máu cơ tim cũng luôn rình rập NCT mỗi khi thời tiết chuyển mùa từ nóng sang lạnh, ẩm ướt.

Vào mùa này do thay đổi thời tiết nhất là lạnh và ẩm cũng làm cho các bệnh về xương khớp (thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm, và xơ cứng khớp) ở NCT cũng gia tăng hoặc tái phát đáng kể. 

Thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm và cứng khớp vào mùa lạnh làm cho người bệnh đau nhức, khó chịu gây rối loạn giấc ngủ, vì vậy sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe NCT. 

Một số bệnh về đường tiêu hóa như bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng, viêm đại tràng mạn tính, viêm đại tràng co thắt (hội chứng ruột kích thích) cũng là những bệnh khi thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh, ẩm xuất hiện hoặc tái phát làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe NCT.

2. Người cao tuổi nên chú ý phòng bệnh khi giao mùa như thế nào?

Ở NCT do sức đề kháng kém, hệ miễn dịch suy giảm nên khi thời tiết thay đổi dễ bị nhiễm vi khuẩn, virus, nhất là vào mùa lạnh, trong khi đó, khi lâm bệnh thì việc dùng thuốc có thể gây nhiều phiền toái (tốn kém tiền bạc, tác dụng phụ…), vì vậy, cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe là NCT chú ý phòng bệnh.

Để phòng bệnh lúc chuyển mùa cần giữ ấm cho cơ thể là vô cùng quan trọng, đặc biệt không để lạnh đột ngột. Bởi vì, lạnh đột ngột là yếu tố nguy hiểm nhất có thể xẩy ra đột quỵ (tai biến mạch máu não). Vì vậy, để tránh lạnh đột ngột, NCT không tắm nước lạnh (cần tắm nước ấm) và trong phòng kín gió; nên tắm nhanh, trước khi tắm NCT hoặc người nhà cần chuẩn bị sẵn khăn tắm, quần áo sạch để khi tắm xong lau người và mặc quần áo ngay.

 Hàng ngày cần mặc ấm (nhất là giữ ấm phần ngực, cổ), ngủ ấm, tránh gió lùa, nên hạn chế ra khỏi nhà lúc sáng sớm hoặc trời đang mưa. Nên lưu ý ăn, uống đủ nóng, ấm. 

Mỗi lần, khi ra khỏi nhà cần đội mũ, nón, mặc quần áo ấm, đi tất, găng tay, cổ quàng khăn ấm, đeo khẩu trang và nên đội mũ len. Cần phải đội mũ che kín tai khi đi ra ngoài đề tránh viêm nhiễm tai, viêm họng, viêm xoang…

Trong giai đoạn hiện nay, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tap, khó lường, vì vậy, NCT nên hạn chế ra khỏi nhà, nên tập thể dục, vận động cơ thể trong nhà, trong sân (nếu có). 

Mỗi ngày chỉ cần vận động cơ thể khoảng 30 phút, mỗi lần 15 phút. Với người khi tuổi đã cao, sức yếu nên hạn chế hoặc không lên xuống cầu thang, nếu cần thiết phải có người nhà hỗ trợ để tránh tai nạn vấp ngã rất nguy hiểm.

NGƯỜI CAO TUỔI CẦN CHÚ Ý PHÒNG BỆNH KHI THỜI TIẾT CHUYỂN MÙA - Ảnh 3.
Người cao tuổi nên ăn nhiều rau quả để phòng bệnh

Nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý (nếu có điều kiện) như dinh dưỡng đủ chất, hạn chế ăn thịt, tăng cường ăn cá, ăn nhiều rau vào các bữa ăn chính, uống đủ lượng nước cần thiết hàng ngày (1,5-2,0 lit bao gồm cả nước trong rau, canh, trái cây). 

Việc uống nước cũng cần lưu ý là không uống nhiều một lúc, nước cần uống đều trong ngày, ưu tiên uống vào buổi sáng và đầu giờ chiều, hạn chế uống vào buổi tối (tránh đi tiểu đêm gây mất ngủ). 

Cần bỏ thuốc lá, thuốc lào và không nên uống rượu, bia nhất là những NCT đã bị các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái đường, mỡ máu cao hoặc viêm họng, viêm phế quản mạn tính, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm xoang.

Cần vệ sinh họng, miệng sạch sẽ thường xuyên hằng ngày bằng cách đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy. Những trường hợp NCT dùng răng giả cần vệ sinh răng giả thật sạch sẽ không để bám dính nhiều cặn, thức ăn làm tăng nguy cơ bội nhiễm vi sinh vật.

PV (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích