Phối hợp thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về chợ

cho
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan phát biểu tại hội nghị. 

Báo cáo của Sở Công Thương cho thấy, 6 tháng đầu năm 2024, các nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu của Hà Nội đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác quản lý nhà nước về chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; an toàn thực phẩm; quản lý giá, bình ổn thị trường, cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của nhân dân được thực hiện tốt.

Các quận, huyện, thị xã đã chủ động ban hành và triển khai Kế hoạch phát triển thương mại điện tử, dịch vụ logistics trên địa bàn, góp phần cải thiện các chỉ số xếp hạng thương mại điện tử và logistics của Hà Nội năm 2024; tích cực triển khai đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ trên địa bàn quận, huyện, thị xã.

Sở đã phối hợp với các Sở, ngành cho ý kiến tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện đầu tư, xây dựng, cải tạo các chợ như: Chợ Ngã Tư Sở (quận Đống Đa); chợ Trát Cầu, chợ Kệ, chợ Vồi (huyện Thường Tín); khảo sát, nghiên cứu khả thi dự án xây dựng chợ đầu mối quốc tế nông sản tại TP. Hà Nội (dự kiến tại xã Yên Thường, huyện Gia Lâm).

Về đầu tư xây mới chợ: Hiện Hà Nội có 6 chợ đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng đã được phân hạng và đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị phân hạng; 2 chợ đang hoàn thiện nốt hạng mục công trình dự kiến hoàn thành trong Quý II/2024; 3 chợ đang thi công xây dựng); 5 chợ đang giải phóng mặt bằng; 15 chợ đã hoàn thành thủ tục đầu tư chuẩn bị đầu tư năm 2024 hoàn thành năm 2025.

Về cải tạo, nâng cấp chợ, có 18 chợ đã hoàn thành tải tạo, nâng cấp; 6 chợ đang trong giai đoạn thi công; 6 chợ chuẩn bị khởi công, dự kiến hoàn thành năm 2024; 14 chợ chuẩn bị đầu tư dự kiến khởi công và hoàn thành năm 2025; 09 chợ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự kiến khởi công năm 2025.

Đến nay, Sở Công Thương đã phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã hướng dẫn các đơn vị hoàn thiện điều kiện và cấp biển nhận diện cơ sở kinh doanh thực phẩm an toàn cho gần 2.800 cơ sở đáp ứng yêu cầu theo quy định, xây dựng 22 trạm xét nghiệm nhanh để phục vụ công tác lấy mẫu xét nghiệm để giám sát thực phẩm tại chợ; 24/30 quận, huyện, thị xã đã triển khai xây dựng và ban hành quy chế về quản lý đảm bảo an toàn thực phẩm đối với 303 chợ kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Sở Công Thương đang phối hợp với các quận, huyện, thị xã tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở hoàn thiện các điều kiện theo quy định để được cấp biển nhận diện và triển khai các nhiệm vụ tại Đề án.

Ngoài ra, Sở đã phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh quản lý các loại hình kinh doanh có điều kiện (xăng dầu, LPG, rượu, thuốc lá…), phối hợp thực hiện quản lý bán hàng đa cấp trên địa bàn. Chú trọng kiểm tra, kiểm soát thị trưởng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tại hội nghị, đại diện các quận, huyện cũng cho ý kiến, kiến nghị về việc đầu tư nâng cấp, cải tạo chợ; vấn đề bảo đảm an toàn hành lang lưới điện;…

Kiên quyết xử lý nghiêm kinh doanh không bảo đảm an toàn điện

Phát biểu tại Hội nghị, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của các địa phương trong công tác quản lý nhà nước về công thương. Bên cạnh đó, đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã phát huy kết quả đạt được, đồng thời cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn qua hệ thống phát thanh truyền hình tại địa phương; thường xuyên rà soát, nắm bắt số lượng cơ sở, thực trạng, tình hình hoạt động việc tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh lĩnh vực công thương thuộc phạm vi quản lý.

Bà Trần Thị Phương Lan đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án “Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025”, Đề án “Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025” để hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu UBND Thành phố giao trong năm 2024;

Đồng thời, tiếp tục quan tâm chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về chợ; xây dựng kế hoạch tăng cường công tác quản lý chợ trên địa bàn; chỉ đạo các ban quản lý chợ, các đơn vị quản lý, kinh doanh, khai thác chợ tiếp tục thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch, vận động các hộ kinh doanh trong chợ ký cam kết chung tay chống rác thải nhựa theo chỉ tiêu của Thành phố; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng khi có những biến động bất thường trong hoạt động bán lẻ xăng dầu trên địa bàn…

Đối với lĩnh vực điện, bà Trần Thị Phương Lan cho biết, hiện mới có 6/30 quận, huyện rà soát các tổ chức kinh doanh điện, còn lại 24 quận, huyện cần tập trung báo cáo, đề xuất để Sở tổng hợp báo cáo Thành phố. Trong quá trình triển khai thực hiện, khó đến đâu cần báo cáo để tháo gỡ đến đó.

Ngoài ra, cần bảo đảm công tác phòng cháy chữa cháy trong lĩnh vực điện. “Việc này làm quyết liệt, kiên quyết xử lý nghiêm kinh doanh không bảo đảm an toàn điện…”, bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.

Đặc biệt, từ nay đến cuối năm, các quận, huyện cần phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương bảo đảm công tác bình ổn thị trường hàng hóa; thực hiện tốt các chương trình như Tháng khuyến mại tập trung, Tháng khuyến mại Hà Nội, Kế hoạch bảo đảm nguồn cung hàng hóa dịp Tết; phát triển văn minh thương mại, Chợ 4.0, phát triển kinh tế đêm…

Theo Báo Chính Phủ

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích