Phó Thủ tướng yêu cầu mở rộng nguồn điện tái tạo mua bán trực tiếp

Chiều 7/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo, thảo luận, cho ý kiến về nội dung dự thảo Nghị định quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA).

Tại dự thảo Nghị định, Bộ Công Thương xây dựng mô hình DPPA theo hai phương án, gồm qua đường dây riêng và lưới quốc gia (tức qua EVN). Nguồn cung ứng là các nhà máy năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) công suất trên 10 MW nếu nối lưới hoặc không giới hạn công suất nếu qua đường dây riêng.

Với trường hợp nối lưới, Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết theo mô hình DPPA, đơn vị phát năng lượng tái tạo sẽ tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Do đó, giới hạn 10 MW là điều kiện thuận lợi để họ tham gia vào thị trường.

“Thời gian tới, khi vận hành trơn tru, có thể tiếp tục xem xét, bỏ giới hạn hoặc giới hạn công suất thấp hơn”, ông Tân nói.

Phó thủ tướng yêu cầu mở rộng nguồn điện tái tạo mua bán trực tiếp

 Phó Thủ tướng yêu cầu mở rộng nguồn điện tái tạo mua bán trực tiếp. Ảnh VGP.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, DPPA có ý nghĩa quan trọng, mang tính cách mạng, nhất là trong việc khuyến khích, thu hút đầu tư và phát triển thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Phó Thủ tướng dẫn Luật Điện lực, Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị nêu mục tiêu phát triển thị trường điện cạnh tranh với các nguồn điện khác nhau. Do đó, ông đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu mở rộng với các nguồn sinh khối, điện từ rác.

“Tinh thần khuyến khích các loại hình năng lượng tái tạo, chứ không chỉ điện gió, mặt trời”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cơ chế DPPA từng nhiều lần được các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đề nghị Việt Nam sớm thí điểm, bởi họ cho rằng chính sách này sẽ tác động tích cực vào cạnh tranh ngành năng lượng. Một số tập đoàn lớn như Samsung, Heineken, Nike có nhu cầu tham gia có tổng sản lượng tiêu thụ bình quân tháng đều lớn hơn 1.000.000 kWh mỗi tháng.

Khảo sát cuối năm ngoái của Bộ Công Thương cho thấy, khoảng 20 doanh nghiệp lớn muốn mua điện trực tiếp, tổng nhu cầu gần 1.000 MW. Cùng đó, có 24 dự án năng lượng tái tạo với công suất 1.773 MW muốn bán điện qua cơ chế DPPA, 17 dự án có công suất 2.836 MW cân nhắc tham gia.

Tại dự thảo, Bộ Công Thương đang quy định bên mua trong cả hai trường hợp là tổ chức, cá nhân dùng điện sản xuất từ cấp điện áp 22 kV trở lên, lượng tiêu thụ bình quân hàng tháng từ 500.000 kWh. Những khách hàng có nhu cầu sử dụng ít hơn, như doanh nghiệp sản xuất nhỏ hay hộ gia đình chưa được mua bán trực tiếp.

Về quy định này, Phó Thủ tướng đặt vấn đề tại sao lại đưa ra con số 500.000 kWh một tháng trở lên. Ông yêu cầu dự thảo phải quy định rõ những chủ thể khách hàng lớn; làm rõ chủ thể ‘khu công nghiệp’ nếu đại diện cho các khách hàng trong khu mua điện.

Phản hồi, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, việc lựa chọn ngưỡng sử dụng điện của khách hàng lớn nhằm hài hòa mục tiêu các bên. Theo khảo sát từ các tổng công ty điện lực, khách hàng lớn sử dụng từ 1 triệu kWh một tháng trở lên có gần 1.500 đơn vị, chiếm 26% tổng điện tiêu thụ. Còn khách hàng sử dụng từ 500.000 kWh trở lên vào khoảng 3.000 đơn vị, chiếm 30%.

“Cân đối nhu cầu của khách hàng sử dụng điện sạch, tác động tài chính với EVN và các công ty điện lực, Bộ Công Thương đề xuất con số từ 500.000 kWh một tháng trở lên”, Thứ trưởng nói.

Ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho hay, điểm đột phá của cơ chế DPPA là bên phát năng lượng tái tạo sẽ bán vào thị trường điện, khách hàng sử dụng điện lớn được mua trực tiếp từ đây với giá thị trường. Giữa hai bên sẽ ký hợp đồng, tham khảo giá thị trường điện và thỏa thuận các bên. Hiện, các khách hàng chỉ mua điện được qua các công ty điện lực với giá bán lẻ điện bình quân.

Theo Phó Thủ tướng, chính sách đưa ra cần khuyến khích, quản lý mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng để bảo đảm hiệu quả, tránh các hệ lụy như cháy nổ, ảnh hưởng cảnh quan.

Bộ Công Thương cũng cần xây dựng, công khai các chi phí khi sử dụng dịch vụ hệ thống truyền tải của EVN (hoặc bên thứ 3), sử dụng hạ tầng, phí tổn thất để người mua, người bán cân nhắc. “Nếu người bán ở miền Nam còn người mua ở miền Bắc, mức phí phải khác so với trường hợp người mua, người bán đều ở miền Bắc”, ông lưu ý.

Cùng đó, nhà chức trách phải có giải pháp đảm bảo sự công bằng giữa các khách hàng, như tính giá điện 2 thành phần. Ví dụ, giá điện khi không có mặt trời, vào giờ cao điểm phải khác giá điện vào thời điểm có nắng to. Hay mức giá với đơn vị sản xuất năng lượng tái tạo có thiết bị, pin lưu trữ điện khác với đơn vị không có tích trữ điện năng.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh trách nhiệm của các bên phải rõ ràng, trong đó EVN phải bảo đảm hệ thống truyền tải an toàn, không ảnh hưởng đến an ninh cung ứng điện, bảo đảm cân đối giữa các nguồn gồm điện tái tạo và các nguồn khác.

Nam Dương

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích