Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: ‘Tài nguyên số còn hơn cả một mỏ vàng’
Ngày 24/5, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam – châu Á 2023 với chủ đề “Khai thác dữ liệu số và kết nối thông minh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.
Mỏ vàng đã lộ thiên
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch VINASA Nguyễn Văn Khoa cho biết từ năm 2020, khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định 749, ban hành chương trình chuyển đổi số quốc gia, chúng ta đã có 3 năm chuẩn bị, nỗ lực, thử nghiệm. Chuyển đổi số tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn tạo ra những kết quả thực, những giá trị thiết thực cho nền kinh tế – xã hội.
Theo ông Khoa, năm 2023 được Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số xác định là năm dữ liệu số, là năm phát triển, kết nối, khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành kế hoạch hành động trọng tâm năm dữ liệu số, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành kế hoạch triển khai…
Để thúc đẩy tiến trình này, Chủ tịch VINASA cho rằng Việt Nam cần một chiến lược tổng thể dữ liệu số quốc gia. Chiến lược sẽ là kim chỉ nam cho tạo lập và khai thác dữ liệu số tại Việt Nam.
Trong đó, cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số kỳ vọng và luôn sẵn sàng sát cánh cùng Chính phủ, các địa phương, các Ban, Bộ, Ngành, các tổ chức để chung tay tư vấn, góp ý xây dựng một hàng lang pháp lý thông thoáng; tham gia xây dựng những hạ tầng dữ liệu số tiên tiến, hiện đại, hiệu quả; hỗ trợ kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các địa phương, các cơ quan, ban, ngành và quan trọng nhất là xây dựng mô hình và hợp tác khai thác dữ liệu nhằm tạo ra những dịch vụ mới phục vụ người dân, doanh nghiệp, tạo ra những giá trị mới cho nền kinh tế – xã hội.
“Cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có đủ nguồn lực, năng lực công nghệ, kinh nghiệm giải quyết các bài toán của quốc tế. Tôi tin những gì chúng ta đạt được sẽ tương đương những tập đoàn lớn trên thế giới. Doanh nghiệp Việt Nam mong muốn nhận được những trọng trách của Đảng, của Chính phủ giao cho cộng đồng doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, đặc biệt là những giải pháp mang tính cốt lõi”, ông Khoa nói.
Nhắc lại việc Thủ tướng vừa ban hành văn bản về việc tháo gỡ các “điểm nghẽn” triển khai đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), ông Khoa cho rằng có rất nhiều các đầu việc gấp rút cần làm từ đây cho đến cuối năm.
“Chúng tôi thật sự nhìn thấy có dữ liệu là mỏ vàng, đây là lúc mỏ vàng bắt đầu lộ thiên, là lúc chúng ta bắt tay vào công cuộc chuyển đổi số mạnh mẽ hơn. Diều quan trọng là khai thác mỏ vàng này như thế nào”, ông Nguyễn Văn Khoa nói.
Tài nguyên số còn hơn cả một mỏ vàng
Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh Việt Nam đang chuyển đổi mạnh mẽ từ công nghệ thông tin sang công nghệ số. Toàn bộ nền kinh tế đang chuyển đổi mạnh, áp lực chuyển đổi số của Chính phủ là rất lớn.
Theo Phó Thủ tướng, chuyển đổi số quốc gia phải lấy phát triển Chính phủ số đóng vai trò dẫn dắt, kiến tạo phát triển, giải quyết các vấn đề lớn về phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy quản trị quốc gia; quản lý nhà nước, hiệu quả; tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong đầu tư, sản xuất và kinh doanh… Chính phủ phải đặt vai trò dẫn dắt, đặt trách nhiệm là người lái còn tàu chuyển đổi số, có như vậy, kinh tế số, xã hội số sẽ cùng phát triển.
Tuy nhiên, khoa học công nghệ thay đổi liên tục, doanh nghiệp cũng vận động liên tục, các doanh nghiệp, các chuyên gia chuyển đổi số cần có trách nhiệm và chủ động tham vấn, xây dựng chính sách cùng Chính phủ.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá chuyển đổi số không thể một người, một tổ chức hay chỉ chính phủ làm được, mà chuyển đổi số là tất cả mọi người, mọi thành phần đều phải tham gia, để từ đó, chúng ta mới có tài nguyên số. Tài nguyên số còn hơn cả một “mỏ vàng”, là một nguồn tài nguyên mới, tài nguyên xanh, giúp thúc đẩy kinh tế phát triển đột phá.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu