Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Đẩy nhanh việc phân bổ vốn đầu tư công

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, “bức tranh” giải ngân vốn đầu tư công sáng hơn nhưng vẫn chưa đạt như mong muốn, tỷ lệ giải ngân còn thấp, 6 tháng đầu năm mới đạt 27,46%, thấp hơn cùng kỳ năm trước.

pho thu tuong le minh khai day nhanh viec phan bo von dau tu cong
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Sáng 27/7, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp của Tổ công tác số 2 về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đối với 8 bộ, cơ quan Trung ương gồm: Văn phòng Trung ương Đảng, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và 4 địa phương gồm thành phố Cần Thơ, tỉnh An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu.

Báo cáo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 Thủ tướng Chính phủ giao cho 8 bộ, cơ quan và 4 địa phương thuộc Tổ công tác số 2 là trên 24.723,2 tỷ đồng.

Đến nay, 9 bộ, cơ quan và địa phương đã cơ bản hoàn thành phân bổ, giao chi tiết cho từng nhiệm vụ, dự án, còn Thanh tra Chính phủ chưa phân bổ 41,44 tỷ đồng (do Đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập” mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 28/3/2022; đang xin giảm kế hoạch vốn năm 2022).

Tỉnh Bạc Liêu chưa giao 72,6 tỷ đồng vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia. Thành phố Cần Thơ chưa giao chi tiết 800 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương do Thường trực Chính phủ giao.

Về tình hình giải ngân, theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước tổng số giải ngân vốn ngân sách nhà nước đến hết tháng 7/2022 của 12 đơn vị là 7.393,2 tỷ đồng, đạt 29,9%, vẫn thấp hơn tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước (34,47%).

Tổng số vốn ngân sách nhà nước của 8 bộ, cơ quan Trung ương thuộc Tổ công tác số 2 ước giải ngân đến hết tháng 7/2022 là 424,263 tỷ đồng, đạt 12,20% kế hoạch năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn mức bình quân chung cả nước. Đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất là Thông tấn xã Việt Nam 31,19%, tiếp đến là Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao 19,62%; Bộ Kế hoạch và Đầu tư 14,03%; Văn phòng Trung ương Đảng 8,75%; Bộ Tài chính 8,17%; Thanh tra Chính phủ 6,18%; Đài Truyền hình Việt Nam 6,58%; Đài Tiếng nói Việt Nam 4,1%.

Tổng số vốn ngân sách nhà nước của 4 địa phương đã giải ngân tính đến 30/6 là 5.225,3 tỷ đồng, đạt 23,5%. Ước giải ngân đến 30/7 khoảng 6.968,94 tỷ đồng, đạt 31,9% kế hoạch Thường trực Chính phủ giao. Ước giải ngân 7 tháng của Cần Thơ đạt 28,9% kế hoạch Thường trực Chính phủ giao, của An Giang đạt 41,4%, Bạc Liêu đạt 35,12%. Tỉnh Kiên Giang ước giải ngân đến 31/7 đạt 41,4%, phấn đấu đến hết 30/9 đạt 70,24%.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Thị Thu Vân cho biết giải ngân vốn đầu tư công của Tổ công tác số 2 khả quan hơn so với Tổ công tác số 3. Hiện Tổ công tác số 3 mới giải ngân đạt 8%, có cơ quan số vốn chỉ 15 tỷ đồng nhưng vẫn chưa tiêu được, nhiều đơn vị xin trả lại vốn.

Tuy nhiên, bà cho rằng giải ngân vốn của Tổ công tác số 2 vẫn chậm, nguyên nhân chủ yếu do giá cả vật liệu tăng cao khiến nhà thầu chần chừ.

Nhận trách nhiệm trước lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành khi chưa giao chi tiết số vốn 800 tỷ đồng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Nguyễn Văn Hồng chia sẻ năm 2022, thành phố được giao kế hoạch 1.500 tỷ đồng nguồn tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, đây là sơ suất, nhầm lẫn của Cục Thuế tỉnh. Thực tế chỉ có 700 tỷ đồng được bố trí cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công, còn lại 800 tỷ đồng là ghi thu, ghi chi tiền sử dụng đất các dự án ngoài ngân sách, vì vậy không có hồ sơ thủ tục, không phân bổ theo Luật Đầu tư công được (số này không đưa vào cân đối tiền sử dụng đất mà để ghi thu, ghi chi báo Hội đồng nhân dân cuối năm hoặc khi có phát sinh thu mới có phát sinh chi).

Địa phương này xin trả lại vốn 1450,9 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương (vốn nước ngoài) và vốn Chính phủ vay về cho vay lại của 3 dự án: Bệnh viện Ung bướu, Kè sông Cần Thơ – ứng phó biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ và dự án Phát triển thành phố Cần Thơ thích ứng biến đổi khí hậu.

Bày tỏ không hài lòng khi một số đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp, chưa phân bổ hết nguồn vốn nhưng lãnh đạo thiếu quan tâm sâu sát, chỉ cử cán bộ cấp vụ tham dự cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng lãnh đạo không quan tâm thì không thể triển khai trơn tru, đẩy nhanh tiến độ thực hiện được.

Phó Thủ tướng không đồng tình với việc sắp hết tháng Bảy nhưng vẫn không phân bổ xong vốn chi tiết. Giải ngân chậm có nhiều lý do nhưng phân bổ vốn chậm do chủ quan là chính.

Theo Phó Thủ tướng, có đôn đốc, kiểm điểm, “bức tranh” giải ngân có sáng hơn nhưng vẫn chưa đạt như mong muốn, tỷ lệ giải ngân còn chậm, 6 tháng đầu năm mới đạt 27,46%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (29,95%) và thấp hơn so với bình quân chung cả nước trong 6 tháng đầu năm 2022.

Một số đơn vị tuy còn dự án chưa phân bổ nhưng tỷ lệ giải ngân đạt cao, ngược lại, có đơn vị đã được phân bổ vốn, song tỷ lệ giải ngân rất thấp.

Lưu ý Đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập” là rất quan trọng, thực hiện mục tiêu chuyển đổi số của Chính phủ, Phó Thủ tướng đề nghị Thanh tra Chính phủ đẩy nhanh việc phân bổ vốn.

Chỉ rõ các bộ, ngành, địa phương “không giải ngân được phải chuyển sang dự án của các cơ quan khác, đừng giữ vốn,” Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thẳng thắn “tiền của quốc gia, có trong tài khoản rồi, tiền tươi thóc thật mà để thế này, lỗi do hệ thống,” “trong khi nhiều đơn vị đói vốn, không làm được, lôi kéo nhau thế này là không nên.”

pho thu tuong le minh khai day nhanh viec phan bo von dau tu cong
Quang cảnh cuộc họp. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương quan tâm quyết liệt chỉ đạo, tháo gỡ từng nút thắt, khó khăn, thúc đẩy khối lượng và phải làm thật. Cùng với đó, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng; kiểm tra, giám sát, nhắc nhở, tăng cường trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, chủ đầu tư, trách nhiệm của nhà thầu, tránh thất thoát, lãng phí.

Các dự án nằm trong danh mục năm 2022, nếu chậm giải ngân, xác định không thể giải ngân hết, phải kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn cho các dự án khác có khả năng giải ngân tốt hơn, nếu không có dự án để điều chuyển, phải báo cáo với Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuyển vốn cho các bộ, ngành, địa phương khác, bảo đảm hiệu quả vốn đầu tư.

Dựa vào tình hình thực tế, các bộ, cơ quan, địa phương có thể thành lập tổ công tác để nắm bắt tình hình, chỉ đạo sát sao./.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích