Phó Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả, ứng phó bão số 5
Phó Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả, ứng phó bão số 5
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 5 và chủ động ứng phó mưa lũ.
Ngày 11 -12 /9 / 2021, bão số 5 đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Trung Trung Bộ, gây mưa rất lớn trên diện rộng, nhất là tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi với tổng lượng mưa phổ biến trong 3 ngày qua từ 200-400mm, có nơi 700-800mm, gây ngập cục bộ, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân ở vùng thấp trũng, sạt lở một số tuyến giao thông.
Thông tin từ Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, tối 12-9, thiệt hại ban đầu do bão số 5 và ATNĐ suy yếu từ bão số 5 và mưa lũ gây ra ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Kon Tum… làm 2 người chết (tỉnh Kon Tum trên đường đi làm về bị nước cuốn trôi); 5 phương tiện bị chìm, hư hỏng; 2 tàu mắc cạn tại Thanh Khê, Đà Nẵng (ĐNa 0815; QNga 98847); 59 nhà tốc mái, hư hại; 2.734ha lúa, hoa màu bị ngập, hư hại… Tại tỉnh Kon Tum mưa lớn gây sạt lở, ngập gây ách tắc tại Quốc lộ 24, tỉnh lộ 672, 673, 678 và một số tuyến đường liên xã bị hư hỏng, ngập cục bộ.
Các cấp chính quyền tỉnh Kon Tum đã tổ chức thăm hỏi, chia buồn với gia đình có người bị nạn và hỗ trợ mai táng theo quy định; huy động lực lượng xung kích khắc phục, bảo đảm giao thông…
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, bão số 5 đã gây mưa lớn, ngập lụt và ảnh hưởng tới vận hành lưới điện khu vực các tỉnh, thành phố miền Trung, làm ảnh hưởng cung cấp điện cho khoảng 4.372 trạm biến áp với 401.000 khách hàng, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi và TP Đà Nẵng. Ngay sau khi xảy ra các sự cố lưới điện, các đơn vị của Tổng công ty Điện lực miền trung (EVNCPC) khẩn trương xử lý sự cố và đến 11 giờ ngày 12/9 đã khôi phục được hơn 75% số lượng khách hàng bị gián đoạn cấp điện.
Các lực lượng giúp dân chống bão
Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, thanh niên tình nguyện, công nhân vệ sinh môi trường… tập trung di dời hàng chục hộ dân đến nơi an toàn, hỗ trợ kê dọn đồ đạc; khơi thông cống thoát nước, dọn cây xanh ngã đổ, thu gom rác, vệ sinh môi trường… Chính quyền và người dân các địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp ứng phó ngập úng, sạt lở, triều cường, khẩn trương khắc phục hậu quả mưa bão.
Để bảo đảm an toàn cho người dân vùng ngập lụt, trưa 12-9, Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo lực lượng thường trực Ban CHQS huyện Bình Sơn phối hợp với lực lượng dân quân của Ban CHQS xã Bình Thuận di dời 20 hộ dân với gần 200 nhân khẩu ở thôn Đông Lỗ đến nơi an toàn. Ban CHQS huyện Bình Sơn cũng đã triển khai 42 dân quân phối hợp với lực lượng công an tham gia chốt chặn tại 21 điểm giao thông bị ngập nặng trên địa bàn thị trấn Châu Ổ và 5 xã: Bình Châu, Bình Long, Bình Dương, Bình Phước, Bình Chương để bảo đảm an toàn cho nhân dân khi tham gia giao thông.
Trong hai ngày 11 và 12-9, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng đã điều động hơn 300 lượt cán bộ, chiến sĩ đến các địa bàn xung yếu để giúp bà con nhân dân chống bão. Cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã giúp chằng chống 150 nhà dân; cứu kéo 30 phương tiện, neo đậu lại tàu, thuyền; dọn vệ sinh các trường học trên địa bàn; bốc xếp vận chuyển hàng hóa cứu trợ và khắc phục những thiệt hại ban đầu do mưa lũ gây ra. Các đơn vị đã huy động 150 cán bộ, chiến sĩ đến các địa bàn trọng điểm, xung yếu, địa bàn có nguy cơ sạt lở cao giúp 20 hộ gia đình di chuyển đến nơi an toàn.
Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 5 và chủ động ứng phó mưa, lũ
Ngày 12-9, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 6384/VPCP-NN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 5 và chủ động ứng phó mưa, lũ.
Văn bản gửi tới Ủy ban nhân dân các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và thành phố Đà Nẵng; các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải; Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành biểu dương và đánh giá cao thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và các bộ, ngành có liên quan, đặc biệt là các đồng chí lãnh đạo các địa phương đã chủ động, chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với bão, mưa lũ kịp thời, hiệu quả, góp phần bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, ngư dân hoạt động trên biển và bảo đảm an toàn tính mạng người dân.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5, thời gian tới có thể tiếp tục xảy ra mưa lớn tại khu vực, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, Phó Thủ tướng Chính phủ – Trưởng ban chỉ đạo yêu cầu:
1. Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, các bộ, ngành và các địa phương:
– Khẩn trương chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ, chủ động huy động lực lượng hỗ trợ người dân nhanh chóng sửa chữa lại nhà cửa bị hư hại, tốc mái; hỗ trợ các hộ khó khăn ổn định đời sống; khắc phục sự cố sạt lở và triển khai công tác bảo đảm an toàn giao thông, nhất là qua ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết.
– Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp phù hợp bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại tài sản của người dân, trong đó cần kiểm tra, rà soát, chủ động di dời dân cư khỏi khu vực bị ngập sâu, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; vận hành an toàn hồ chứa thủy lợi, thủy điện, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, không để xảy ra “lũ chồng lũ”.
– Trong quá trình triển khai công tác ứng phó với mưa lũ và khắc phục hậu quả thiên tai các ngành, các địa phương phải đặc biệt lưu ý công tác bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng quy định.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Tổng cục Khí tượng thủy văn tiếp tục theo dõi chặt chẽ, dự báo, thông tin kịp thời về diễn biến mưa lũ, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, các bộ, ngành, địa phương và nhân dân biết chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
3. Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và các bộ, ngành, địa phương có liên quan chủ động tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác chỉ đạo, ứng phó với bão số 5 (đánh giá cụ thể mặt được, tồn tại hạn chế, nguyên nhân từ công tác dự báo, cảnh báo, chỉ đạo, chỉ huy, triển khai ứng phó) để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chỉ đạo, ứng phó với thiên tai trong thời gian tới./.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị