Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng: Đến năm 2025, 50% nghiệp vụ ngân hàng sẽ trên kênh số

Cho đến nay, 95% tổ chức tín dụng đã có, đang xây dựng hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Hiện nay, có khoảng 80 ngân hàng triển khai dịch vụ Internetbanking, 44 ngân hàng cung cấp dịch vụ Mobile Banking, 45 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, hơn 90 nghìn điểm thanh toán QR, gần 298.000 máy chấp nhận thanh toán (POS). Như vậy, việc chuyển đổi số trong ngành đã diễn ra mạnh mẽ do đại dịch Covid-19.

9 tháng đầu 2021 so với cùng kỳ 2020 thanh toán Mobile tăng 76,2% về số lượng và 88,3% về giá trị; thanh toán qua Internet tăng 51,2% về số lượng và 29,1% về giá trị.

Điểm quan trọng trong hoạt động chuyển đổi số ngân hàng là thời gian qua đã hình thành hệ sinh thái thông minh, thanh toán số đã được thiết lập với việc kết nối dịch vụ ngân hàng số với các dịch vụ số khác trong nền kinh tế, mang lại trải nghiệm liền mạch trên mọi lĩnh vực cho người dùng dịch vụ trên không gian số.

Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc NHNN: Chuyển đổi số ngành ngân hàng thời gian qua đã hình thành được hệ sinh thái thông minh
Ông Phạm Tiến Dũng – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, chuyển đổi số ngành ngân hàng thời gian qua đã hình thành được hệ sinh thái thông minh.

Có thể nói, từ khi đại dịch Covid-19 đã thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Theo đó, người tiêu dùng có thể mua sắm hàng hóa, sử dụng dịch vụ và sau đó thanh toán hoàn toàn trên kênh số. Nhờ đó, hoạt động thanh toán không bị gián đoạn trong bối cảnh người tiêu dùng bị cách ly, giãn cách do đại dịch Covid-19. 

Phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng là mục tiêu chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025 và định hướng năm 2030. Mục tiêu cụ thể được đặt ra đến năm 2025 là 50% nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên kênh số; 50% người trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử; 50% quyết định giải ngân cho vay của ngân hàng thương mại, công ty tài chính đối với khoản vay nhỏ lẻ của cá nhân được số hóa… 

Việt Nam được xem là một thị trường đầy tiềm năng để phát triển ngân hàng số, với quy mô 96,9 triệu dân, cơ cấu dân số trưởng thành (tỷ lệ người trưởng thành chiếm khoảng 70%), trong đó, tỷ lệ người sử dụng internet là khoảng 68,17 triệu dân, chiếm khoảng 70%. Đi cùng với xu hướng trên thế giới và sự gia tăng trong việc đặt các ứng trực tuyến như dịch vụ đặt xe, đặt phòng khách sạn… Như vậy việc phát triển ngân hàng số tại Việt Nam có nhiều dư địa để tăng trưởng.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng khẳng định, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tập trung tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện thuận lợi quá trình chuyển đổi số. Giải pháp tiếp theo là phát triển hạ tầng số, kết nối, chia sẻ dữ liệu ngân hàng với các dữ liệu ngành, lĩnh vực khác; hình thành các mô hình ngân hàng số, nâng cao công tác an ninh, an toàn bảo mật… 

Theo đó, cần đẩy nhanh hoàn thiện các tiêu chuẩn kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước công dân… Đồng thời cho phép ngành ngân hàng khai thác thông tin trên chip thẻ căn cước công dân, đặc biệt là các yếu tố sinh trắc học từ đó hỗ trợ định danh, xác thực khách hàng bằng phương thức điện tử, tăng độ chính xác trong định danh, xác thực khách hàng…/.

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích