Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp nói gì về vụ 10 giấy test nhanh Covid-19 ký khống?

Trở lại vụ việc, ngày 16/9, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, tại chốt kiểm soát số 21 Quán Gánh (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội) đơn vị phát hiện 4 thanh niên cất giấu 10 giấy test nhanh Covid-19 âm tính đã có chữ ký bác sĩ và đóng dấu Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp nhưng để trống phần họ tên người xét nghiệm. Tại trụ sở Công an, một đối tượng khai nhận, đang mang 10 giấy xét nghiệm cho một điều dưỡng Khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp…

Việc tàng trữ, sử dụng giấy xét nghiệm Covid-19 giả hoặc giấy ký khống có dấu hiệu phạm pháp và ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng, chống dịch của thành phố vào thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp (thời điểm phát hiện vụ việc Thủ đô Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ). Vì vậy, các cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra.

Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp nói gì về vụ 10 giấy test nhanh Covid-19 ký khống?
Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp.

Để xác minh thông tin liên quan đến vụ việc trên, ngày 12/10 phóng viên báo Lao động Thủ đô đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp. Ông Đỗ Thế Hùng – Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, sau khi nhận được thông tin từ Công an huyện Thanh Trì, lãnh đạo và nhân viên bệnh viện khá bất ngờ. Lãnh đạo bệnh viện đã yêu cầu các phòng, ban liên quan phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để làm rõ vấn đề. Cán bộ Công an huyện Thanh Trì cũng đã có buổi làm việc với các phòng, ban liên quan, trích xuất camera an ninh trong bệnh viện, lấy chữ ký của một số cán bộ Khoa Xét nghiệm… để phục vụ công tác điều tra.

“Lãnh đạo Bệnh viện đã họp trao đổi với lãnh đạo Khoa Xét nghiệm, rà soát quy trình cấp giấy xét nghiệm, đồng thời yêu cầu các phòng, ban siết chặt quy trình quản lý trong thời gian tới. Từ trước tới nay, vấn đề quản lý, cấp giấy khám sức khỏe, giấy xét nghiệm… luôn được bệnh viện coi trọng, không có việc “tuồn” ra ngoài giấy xét nghiệm đã ký khống. Bệnh viện chưa xảy ra trường hợp trục lợi cá nhân từ các loại giấy tờ. Ngoài ra, phía bệnh viện cũng chưa được xem số giấy xét nghiệm thu được từ phía cơ quan chức năng nên không thể xác định được số giấy đó là giả hay thật. Chúng tôi vẫn đang chờ kết luận từ phía cơ quan công an”, ông Hùng cho biết.

Mặc dù cho biết, quy trình cấp giấy xét nghiệm là rất chặt chẽ, nhưng ông Hùng cũng cho rằng, không loại trừ có “kẽ hở” từ phía bệnh viện. Bệnh viện cũng đề nghị cơ quan Công an sớm có kết luận về vụ việc, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, ai sai đến đâu xử lý đến đấy…

Liên quan đến quy trình cấp giấy xét nghiệm, ông Hoàng Công Trang – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp bệnh viện cho biết, khách hàng đến bệnh viện làm xét nghiệm Covid-19 sẽ được phát số thứ tự, bệnh viện tổ chức sắp xếp tiếp đón và đăng ký dữ liệu khách hàng vào hệ thống quản lý khám chữa bệnh của bệnh viện, sau đó thu tiền, lấy mẫu, trả kết quả… Thời gian khoảng 45 phút/trường hợp. Số giấy xét nghiệm cơ quan Công an thu giữ, bệnh viện cũng không được cung cấp nên không biết thông tin chi tiết về nội dung ghi bên trong.

Trong cuộc chiến chống “giặc” Covid-19, hàng vạn cán bộ y tế đã không quản hiểm nguy xông lên tuyến đầu và cũng có những y, bác sĩ đã ngã xuống. Chúng tôi không tin đồng nghiệp của họ lại có những người lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan. Vụ việc này đã gần 1 tháng trôi qua nhưng hàng trăm cán bộ y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp vẫn đang ngày đêm “ngóng” kết luận từ Công an huyện Thanh Trì. Còn phóng viên Báo Lao động Thủ đô, mặc dù đã đặt lịch làm việc với Công huyện Thanh Trì từ ngày 4/10 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía cơ quan này.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Theo luật sư Trịnh Khánh Toàn – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, trong vụ việc cụ thể nêu trên, cần phải có kết luận từ phía cơ quan Công an để xác định hành vi phạm pháp của cá nhân, tổ chức (nếu có). Với trường hợp cá nhân làm giả giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 là cán bộ, công chức, người có quyền sử dụng con dấu làm giả giấy tờ, làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác thì có thể bị xử lý kỷ luật mang tính nội bộ. Hình thức kỷ luật áp dụng tại Điều 7 Nghị định 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 bao gồm: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, giáng chức, bãi nhiệm, hạ bậc lương, buộc thôi việc.

Ngoài ra, nếu có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, hành vi làm giả giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 còn có thể bị xử lý hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015. Nếu bị kết án, người phạm tội có thể chịu mức phạt đến 07 năm tù.

Anh Quân

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích