Phố cổ lộn xộn xe hợp đồng đón khách mùa du lịch
Thực tế này đang khiến khu phố cổ ngày càng trở nên lộn xộn, mất an ninh trật tự, nhất là vào khung giờ sáng từ 7 – 9 giờ hàng ngày, khi các tuyến phố bị hàng trăm xe hợp đồng nối đuôi nhau chen lấn, chèn ép, len lỏi từ phố này sang phố khác, khiến giao thông rối như tơ vò.
“Hàng Đào ríu rít, Hàng Đường, Hàng Bạc, Hàng Gai…”, 36 phố cổ vào mùa du lịch hè tháng 4/2024, khung giờ cao điểm sáng hàng ngày ùn tắc cục bộ bất kể thời điểm nào. Nhiều tuyến phố như Hàng Giày, Hàng Đồng, Hàng Vải, Hàng Thiếc… có lòng đường chỉ vừa đủ 2 xe ô tô nhỏ tránh nhau, nhưng các loại xe hợp đồng cỡ lớn đến 36 – 45 chỗ không hiểu sao vẫn luồn lách vào tận ngóc ngách để đón khách du lịch tận cửa các khách sạn tư nhân. Tình trạng các xe hợp đồng đấu đầu, cố vượt, xếp hàng dài “rùa bò”, dừng đỗ ngang nhiên bịt kín các ngã ba, ngã tư… trong lòng các phố nhỏ, buộc người tham gia giao thông bằng xe gắn máy tiến thoái lưỡng nan, leo lên vỉa hè thoát thân…
Mặc dù báo Tin tức đã phản ánh vấn đề này nhiều lần, nhưng tình trạng trên vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, mà vẫn hoạt động phức tạp và các cấp chính quyền cơ sở, các cơ quan chức năng của thành phố vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm. Thêm vào đó, tình trạng khách sạn tư nhân trong phố cổ đang mọc lên nấm sau mưa để đáp ứng nhu cầu lưu trú của khách du lịch, nhưng cũng chưa được quản lý chặt chẽ, thường xuyên, cũng là nguyên nhân khiến xe hợp đồng hoạt động lộn xộn.
Hoạt động du lịch đang khởi sắc trở lại, du khách quốc tế đến tham quan Thủ đô Hà Nội ngày càng gia tăng. Nắm bắt xu hướng, các khách sạn tư nhân trong phố cổ đang phát triển nhanh, nhưng ngoài việc tiện lợi, hệ lụy của việc tăng nóng nhu cầu khách du lịch, kéo theo các loại hình vận tải đón khách tại chỗ tăng theo. Nhiều người dân sinh sống tại phố cổ phản ánh, có quá nhiều xe hợp đồng cùng vào đón khách du lịch tại một điểm chính là nguyên nhân gây áp lực lên giao thông.
Thực tế trên không chỉ làm gia tăng sức ép lên hạ tầng giao thông, mà đang kéo theo tình trạng “xe dù, bến cóc” hình thành trên các tuyến đường vành đai ngoài khu vực phố cổ như: Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm), Yên Phụ (quận Tây Hồ)… Thậm chí, các văn phòng đại diện của các doanh nghiệp vận tải du lịch đặt trụ sở ngay tại các khách sạn tư nhân cũng dần trở thành những “bến cóc”. Tuy nhiên, xử lý triệt để loại hình này không dễ, vì khách du lịch có nhu cầu chỉ cần ở khách sạn đặt tour qua điện thoại, qua internet, các nhà xe sẽ đón khách tại chỗ, sau đó hợp lý hóa giấy tờ để đối phó với lực lượng chức năng…
Ngoài ra, do thói quen tiện lợi, được đưa đón trực tiếp tại khách sạn, nên nhiều hành khách bao che cho nhà xe khi bị kiểm tra, mà không biết rằng bản thân bị ảnh hưởng về quyền lợi do không có bảo hiểm. Do vậy, theo các chuyên gia giao thông, việc sớm sửa đổi, bổ sung các quy định siết chặt quản lý xe hợp đồng, hạn chế số lượng xe được phép hoạt động, quy định rõ khung giờ, tuyến đường và điểm đỗ… để không gây áp lực lên hạ tầng đang là vấn đề cấp thiết.
Dư luận đang đặt ra câu hỏi, các loại xe hợp đồng của Hà Nội và ngoại tỉnh vào nội đô đang được hưởng đặc quyền lập bến bãi, đón trả khách trong nội thành sai quy định? Thực tế này đã và đang tạo “kẽ hở” cho tình trạng xe hợp đồng trá hình hoạt động nhức nhối, gây ra nhiều hệ lụy đối với giao thông. Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, với hoạt động vận tải hành khách tại các đô thị đặc biệt như Hà Nội, xe hợp đồng vận tải khách phải đúng bản chất hợp đồng, phải vào các bến xe đã đăng ký để dừng đỗ, đón trả khách theo quy định.
Qua tìm hiểu, Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) đang đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 10/2020/CP theo hướng: Tại các đô thị loại I và loại đặc biệt, xe hợp đồng chở công nhân, chuyên gia được đón trả khách theo địa điểm ghi trong hợp đồng. Với hợp đồng cá nhân (xe hợp đồng đang chạy trá hình tuyến cố định) sẽ thực hiện đón, trả khách tại bến xe hoặc địa điểm do UBND cấp tỉnh, thành phố công bố. Việc sửa đổi Nghị định 10/CP cũng sẽ quy định xe hợp đồng, xe du lịch không được đón trả khách thường xuyên từ 3 ngày liên tiếp trở lên hoặc từ 10 ngày trở lên trong 1 tháng tại trụ sở chính, văn phòng đại diện…
Tại Hội nghị sơ kết công tác vận tải mới đây của Bộ GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã yêu cầu các cơ quan quản lý chuyên ngành rà soát, đưa hoạt động xe hợp đồng vận tải khách vào khuôn khổ của pháp luật trước tình trạng báo chí, người dân phản ánh xe hợp đồng chạy sai quy định luồng tuyến, đang là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc, tai nạn, xe dù, bến cóc…
Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cũng đang xây dựng kế hoạch phối hợp với các lực lượng Thanh tra giao thông, Công an quận, phường thực hiện chuyên đề xử lý nghiêm vi phạm từ gốc. Trước mắt, đề xuất, tham mưu UBND TP Hà Nội lắp đặt hệ thống camera giám sát, tăng cường “phạt nguội” qua hình ảnh để nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông.
Thiết nghĩ, luật lệ, quy định là do con người, chính sách tạo ra, nên không phù hợp cần sớm điều chỉnh cho sát thực tế, thay vì để bất cập kéo dài, dẫn đến tình trạng bất bình đẳng trong kinh doanh. Nếu không xử lý vấn đề trên một cách quyết liệt, rốt ráo, việc giải quyết nạn “xe dù, bến cóc” sẽ chỉ là câu chuyện kiểm tra là vi phạm và xử lý kiểu “ném đá ao bèo” đang tồn tại hiện nay.
Theo Báo Tin tức/TTXVN
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu