Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn: Sẽ dành những vị trí thuận lợi để xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân

(Xây dựng) – Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn, để thu hút nhà đầu tư, ngoài việc miễn các loại thuế, phí, Bắc Giang sẽ ưu tiên dành những vị trí thuận lợi để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội cho công nhân, người có thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn: Sẽ dành những vị trí thuận lợi để xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn cho biết, tỉnh Bắc Giang sẽ dành những vị trí thuận lợi để xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bắc Giang).

Nhiều khó khăn, vướng mắc cần được “tháo nút”

Trong những năm gần đây, nhu cầu nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Giang ngày càng tăng cao, trong khi việc triển khai đầu tư xây dựng các dự án còn chậm tiến độ, gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn đặt ra. Một số dự án khu đô thị còn chưa bố trí quỹ đất 20% cho xây dựng, phát triển nhà ở xã hội.

Cùng với đó là việc nhiều đối tượng đủ điều kiện mua nhà ở xã hội, nhưng lại khó tiếp cận và gặp nhiều khó khăn trong việc xét duyệt hồ sơ. Cụ thể, quy định Tại Điều 20 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP; được sửa đổi bổ sung bởi điểm b, khoản 13, Điều 1 Nghị định số 49/2021 quy định: “Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội có trách nhiệm gửi Danh sách các đối tượng dự kiến được giải quyết mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo thứ tự ưu tiên (theo nguyên tắc quy định tại Điều 23 Nghị định này) về Sở Xây dựng địa phương nơi có dự án để kiểm tra nhằm xác định đúng đối tượng được hỗ trợ và loại trừ việc người được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội được hỗ trợ nhiều lần hoặc đã có nhà ở, đất ở; đã được Nhà nước hỗ trợ về nhà ở, đất ở; có phát sinh nộp thuế thu nhập cá nhân tại địa phương…”.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn quy định này bộc lộ rõ nhiều bất cập trong việc triển khai thực hiện tại các địa phương. Tiêu chí không có nhà ở, đất ở không rõ được thực hiện tại nơi có dự án, địa bàn huyện nơi đối tượng thường trú, tạm trú hay trên địa bàn toàn tỉnh, cả nước. Dẫn tới cách triển khai của các địa phương khác nhau, không thống nhất. Bên cạnh đó, việc rà soát các đối tượng để xem có nhà ở, đất ở hay chưa trong giai đoạn này còn nhiều bất cập, như: Sổ đỏ thường cấp cho hộ gia đình trong đó có bố mẹ và đối tượng đăng ký mua nhà (hiện nay nếu không có nhà ở thì không thể tách hộ theo Luật cư trú).

Vậy bố mẹ đã có sổ đỏ đất ở, nhà ở của hộ gia đình thì đối tượng đó có được coi là chưa có đất ở, nhà ở hay không; dữ liệu về đất đai của các địa phương chưa hoàn thiện nên thời gian để kiểm tra, xác minh về nhà ở, đất ở thường không đảm bảo theo quy định, đối tượng đăng ký mua có dữ liệu về thuế ngoài tỉnh sẽ rất khó khăn trong việc kiểm tra, xác minh… ngoài ra, mặc dù các đối tượng đã có nhà ở, có đất ở nhưng ở quê, đi làm tại khu công nghiệp ở xa muốn thuê hoặc mua nhà để ổn định lao động lại không được mua, thuê mua (trên địa bàn tỉnh Bắc Giang khi rà soát có công nhân làm việc cách 80km đã có nhà, đất ở quê nên ko được mua nhà ở xã hội mặc dù là đang rất cần).

Cùng với đó là việc hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội. Theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 58 của Luật Nhà ở năm 2014: Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội “Được UBND cấp tỉnh hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội; trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được hỗ trợ toàn bộ kinh phí này”.

Và theo quy định tại điểm b, khoản 8, Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Chủ đầu tư dự án được UBND cấp tỉnh hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 58 của Luật Nhà ở. Trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ để cho thuê thì được hỗ trợ toàn bộ kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

“Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc xác định hỗ trợ “một phần kinh phí” là như thế nào, triển khai thực hiện ra sao là chưa có quy định cụ thể, gây khó khăn cho các địa phương khi áp dụng chính sách”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho hay.

Cũng theo ông Phan Thế Tuấn, hiện những quy định về đối tượng được hưởng thụ của dự án nhà ở xã hội còn thiếu rõ ràng. Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện nay, nhiều doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp FDI) có nhu cầu thuê, mua nhà ở xã hội cho công nhân của mình ở nhằm mục tiêu tăng cường kỷ luật, tập trung quản lý, phòng tránh tệ nạn xã hội và dịch bệnh là rất lớn, và đặc biệt nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã. Tuy nhiên với khung pháp lý hiện hành, việc đó chưa thể triển khai thực hiện.

“Vướng” luật, khó thu hút các nhà đầu tư

Thực tế, các quy định thiếu rõ ràng đang là trở ngại trong việc thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án nhà ở xã hội tại Bắc Giang. Theo ông Phan Thế Tuấn, cơ chế ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội còn bộc lộ bất cập. Cụ thể, là việc dành 20% diện tích sàn nhà ở của dự án để bán, cho thuê, thuê mua theo giá kinh doanh thương mại. Theo quy định tại điểm b, c, khoản 1, Điều 9, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội được dành: 20% tổng diện tích đất để xây dựng nhà ở trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội hoặc được dành 20% diện tích sàn nhà ở của dự án để bán, cho thuê, thuê mua theo giá kinh doanh thương mại. Tuy nhiên, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP không còn quy định về cơ chế ưu đãi về 20% diện tích sàn (chỉ dành 20% tổng diện tích đất để đầu tư để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại).

Việc Nghị định số 49/2021/NĐ-CP không cho phép chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội được dành 20% diện tích sàn nhà ở của dự án để bán, cho thuê, thuê mua theo giá kinh doanh thương mại làm cho các dự án nhà ở xã hội không được bố trí sàn thương mại dịch vụ làm ảnh ưởng đến người mua nhà ở xã hội không được tiếp cận các tiện ích, dịch vụ thương mại ngay tại toà nhà, đồng thời rất khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn: Sẽ dành những vị trí thuận lợi để xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân
Mặc dù đã được UBND tỉnh Bắc Giang tạo điều kiện, nhưng nhiều dự án nhà ở xã hội hiện nay vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc gây ảnh hưởng tới tiến độ.

Sẽ ưu tiên dành vị trí thuận lợi để xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân

Trao đổi với PV Báo điện tử Xây dựng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đưa thực tế về dự án nhà ở xã hội Ever Green City (Việt Yên), đây là dự án được ưu tiên dành vị trí đắc địa vì nằm gần 2 Khu Công nghiệp lớn, có vị trí giao thông thuận lợi.

“Để thu hút các nhà đầu tư, ngoài miễn một số khoản thuế, phí, Bắc Giang sẽ ưu tiên dành những vị trí thuận lợi để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội cho công nhân, người có thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn chia sẻ.

Nhằm giải quyết những khó khăn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang kiến nghị Bộ Xây dựng có hướng dẫn cụ thể trong việc xét duyệt các đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội về tiêu chí “không có nhà ở, đất ở” để Bắc Giang cũng như một số địa phương khác triển khai thực hiện một cách đồng nhất, tuân thủ theo quy định của pháp luật hiện hành. Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi đang xác định: Không có nhà ở, đất ở tại nơi làm việc, nơi cư trú. Vậy nơi làm việc, nơi cư trú cụ thể là tại xã, tại huyện hay trên địa bàn tỉnh?

Bộ cần hướng dẫn cụ thể về trình tự hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội để các địa phương triển khai thực hiện một cách đồng bộ đảm bảo tuân thủ theo quy định.

Đồng thời, xem xét, nghiên cứu tăng cường phân cấp, phân quyền về cho các địa phương trong việc thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi; thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở đối với các dự án nhà ở xã hội.

Bắc Giang đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 sẽ thu hút đầu tư xây dựng hoàn thành 14 dự án nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp; giai đoạn 2026 -2030 là 22 dự án. Tuy nhiên, với hàng loạt những khó khăn, vướng mắc, Bắc Giang mong muốn có được sự hỗ trợ từ phía Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương; qua đó từng bước hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết 110-NQ/TU về phát triển nhà ở xã hội cho công nhân trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 mà Ban thường vụ Tỉnh ủy đã đặt ra.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích