Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự hội nghị ASEP-11

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự hội nghị ASEP-11

PV –  Thứ tư, 17/11/2021 10:20 (GMT+7)

Hội nghị diễn ra tại Thủ đô PhnomPenh, Campuchia. Chủ đề của ASEP lần thứ 11 là “Tăng cường hợp tác nghị viện vì hòa bình và phát triển bền vững trong và sau đại dịch Covid 19”.

tm-img-alt
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: TL

Đây là hoạt động ngoại giao Nghị viện đầu tiên trong khuôn khổ hợp tác liên khu vực Á-Âu được tổ chức theo hình thức trực tuyến sau 1 năm gián đoạn do đại dịch COVID-19. Phát biểu tại hội nghị, ông Samdech Vibolsena Pakei Say Chhum, Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Campuchia, đồng Chủ tịch ASEP 11 cho biết, trên toàn cầu, đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động sâu rộng về kinh tế, xã hội, y tế, tạo thách thức lớn đối với năng lực ứng phó của các nước, làm gián đoạn sản xuất và đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng ở quy mô quốc gia, khu vực và toàn cầu.

Bên cạnh đó, tình hình an ninh, chính trị toàn cầu có những chuyển động mới, phức tạp hơn. Mặc dù, các nước lớn tập trung củng cố ổn định nội bộ, phục hồi kinh tế nhưng cạnh tranh chiến lược vẫn diễn ra gay gắt và là xu thế nổi trội trong quan hệ giữa các nước lớn; tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, biển đảo và các thách thức an ninh phi truyền thống như: an ninh nguồn nước, biến đổi khí hậu và một số vấn đề khác gia tăng phức tạp.

Trong bối cảnh đó, các cơ chế hợp tác đa phương và khu vực được chú trọng đẩy mạnh nhằm thúc đẩy liên kết kinh tế thương mại, tạo động lực cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế, đồng thời hợp tác giải quyết các thách thức phi truyền thống và các nguy cơ bất ổn mới.

“Chúng ta với tư cách là đại diện của nhân dân và là đại diện của hơn 60% dân số thế giới, chúng ta có nghĩa vụ cần phải cân nhắc và tiếp tục thúc đẩy sự hợp tác rộng mở toàn diện vì lợi ích chung của cả châu Âu và châu Á cũng như của cả thế giới. Về vấn đề này, tôi hoàn toàn tin tưởng hội nghị sẽ là cơ hội để chúng ta trao đổi ý kiến, tiếp tục ủng hộ chủ nghĩa đa phương, để tạo ra kết quả và đưa ra những thông điệp giúp cho các nhà lãnh đạo các quốc gia có thể đối mặt với vấn đề toàn cầu”, ông Samdech Vibolsena Pakei Say Chhum nêu rõ.

Tại hội nghị, đại diện các nước đóng góp nhiều ý kiến và các các giải pháp về việc hợp tác toàn cầu trong việc đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 thông qua cơ chế covax, nhất là đối với các quốc gia nghèo, thiếu vaccine; giảm thiểu ô nhiễm môi trường; thúc đẩy hợp tác kinh tế, hỗ trợ lập pháp… tạo sự thịnh vượng cho các nước thành viên.

Đại diện cho Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Trần Thanh Mẫn đánh giá cao nỗ lực của Nghị viện Campuchia tổ chức Hội nghị ASEP-11 theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của đông đảo đại diện các Nghị viện thành viên, thể hiện quyết tâm trong việc duy trì kết nối giữa hai khu vực Á – Âu trên kênh nghị viện.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, Việt Nam tiếp tục phát huy thành công vai trò và tham gia tích cực của Quốc hội Việt Nam tại ASEP; chủ động, tích cực, đóng góp thực chất vào nội dung của ASEP-11, đảm bảo lợi ích cốt lõi trên cơ sở giữ vững lập trường nguyên tắc của Việt Nam đổi với các vấn đề về an ninh và hợp tác trong khu vực và quốc tế.

Nhằm thúc đẩy sự đồng hành của ASEP trong việc tăng cường quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình và phát triển bền vững trong và sau đại dịch COVID-19 ở cả hai khu vực và trên toàn cầu, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đưa ra các đề xuất liên quan đến việc duy trì cam kết chính trị, tăng cường hợp tác, ủng hộ tiếp cận vaccine; thúc đẩy vai trò cơ chế hợp tác đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động nghị viện, kiểm soát dịch bệnh và thúc đẩy sớm phục hồi kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của các cơ chế hợp tác Liên nghị viện trước sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

“Thúc đẩy hợp tác nhằm đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định dựa trên luật lệ, bảo vệ thượng tôn pháp luật ở các vùng biển và đại dương, trong đó có duy trì Biển Đông là vùng biển hòa bình và hợp tác, bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không. Từng quốc gia phát huy tinh thần trách nhiệm, tự kiềm chế trong các hoạt động và nhất là tránh các hành động đơn phương có thể làm phức tạp tình hình; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh./.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích