Phổ biến kiến thức NSCL cho sinh viên: ‘7 lãng phí – nhận diện các lãng phí trong sản xuất và cách loại bỏ hiệu quả’ (chuyên đề 3)

Tham dự buổi đào tạo trực tuyến có ông Hà Minh Hiệp – Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL, ông Phạm Lê Cường – Phó Chánh Văn phòng Tổng cục, cùng hơn 1.000 giảng viên, sinh viên 25 trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc: Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Trường Đại học Thủy Lợi; Học viện Tài chính; Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội; Trường Đại học Công nghệ Đông Á; Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội; Trường Cao đẳng Việt Xô số 1; Trường Cao đẳng Công nghiệp và xây dựng; Trường Cao đẳng Công thương miền Trung; Trường Đại học Đông Á; Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế; Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh; Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP.Hồ Chí Minh; Trường Đại học Ngoại thương (cơ sở 2); Trường Đại học Thủ Dầu một; Trường Đại học Trà Vinh; Tỉnh đoàn Yên Bái; ĐH Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học Bình Dương; Trường Cao đẳng nghề Việt Nam – Singapore; ĐH SPKT Vĩnh Long; Sở KH&CN Nam Định; Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nam Định; Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp.

Chia sẻ về nhận diện lãng phí trong sản xuất và cách loại bỏ hiệu quả, ông Lê Minh Dưng – chuyên gia tư vấn phụ trách R&D, Trung tâm SMEDEC 2 cho biết, những thứ không thể tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm thì trở thành lãng phí. Lãng phí không tạo ra giá trị cho sản phẩm, chỉ làm tăng chi phí. Hiểu theo cách đơn giản, lãng phí là tất cả những gì “không đem lại giá trị”. Bất kỳ hoạt động, vật liệu, quy trình hay tính năng nào không tạo thêm giá trị theo quan điểm của khách hàng đều được xem là dư thừa, lãng phí nên được ghi nhận và loại bỏ ngay.

Buổi đào tạo nhận được đông đảo sự quan tâm của sinh viên tại 25 trường đại học, cao đẳng. 

Các chi phí không chất lượng khiến doanh nghiệp bị giảm lợi nhuận, đẩy giá thành sản phẩm lên cao và gây thất thoát, những chi phí không chất lượng còn được gọi là lãng phí trong sản xuất.

Cũng theo chuyên gia có rất nhiều lãng phí trong sản xuất và cuộc sống, có thể kể đến như: chần chừ để làm một việc gì đó, chờ đợi thang máy, không rõ nhu cầu muốn gì, kẹt xe, chờ đợi đơn hàng, thức ăn thừa… Trong sản xuất việc sản xuất dư thừa gây lãng phí hay tồn kho, chờ đợi, vận chuyển, thao tác thừa, hãng lỗi, gia công thừa cũng gây lãng phí.

Có 3 nhân tố làm phát sinh lãng phí là bất đồng nhất, bất đồng đều, và bất hợp lý. Trong đó, bất đồng nhất nghĩa là thực tế khác với tiêu chuẩn: Thao tác khác tiêu chuẩn, thao tác tùy tiện, điều kiện thao tác khác, chưa tuân thủ quy tắc 5S3D; Bất đồng đều có nghĩa là phân chia không đồng đều: Không bình đẳng lượng công việc; Thường xuyên thay đổi quy tắc, kế hoạch; Phát sinh sự phân tán công việc; Bất hợp lý có nghĩa là phương pháp bất hợp lý (nguyên nhân bên trong): Handling sản phẩm, vật liệu trên 2 lần; Thao tác bất tiện và khó khăn. Nguyên nhân bên ngoài: Cung cấp nguyên liệu quá mức; Bất tiện khi tiếp xúc với sản phẩm.

Về nhận diện lãng phí trong sản xuất bao gồm lãng phí do sản xuất thừa, tồn kho, chờ đợi, vận chuyển, do thao tác thừa, do hàng lỗi và sửa chữa, lãng phí do gia công thừa, lãng phí do nguồn lực, lãng phí do sản xuất thừa, lãng phí do loss sản lượng, lãng phí thiết bị, lãng phí không gian.

Về loại bỏ lãng phí, cần phát hiện và cải tiến theo nguyên tắc 3 hiện: hãy xuống hiện trường, tiếp xúc trực tiếp với hiện vật và năm bắt hiện trạng.

Chỉ dựa vào phân tích dữ liệu thì không thể biết hết các vấn đề trong sản xuất. Bên cạnh đó, cần quản lý hiện trường, số năng suất, số chất lượng, quản lý an toàn, quản lý nhân lực, áp dụng phương pháp cải tiến 5S3Đ, hoạt động theo PRO-3M, sử dụng nguyên tắc ECRS, cải tiến lãng phí theo nguyên tắc 4M, áp dụng nguyên tắc 5W1H, nguyên tắc 5WHY, quản lý chi phí chất lượng, sử dụng công cụ JIT, công cụ KAIZEN,…

Để sinh viên nắm bắt và hiểu rõ hơn những lãng phí cũng như cách loại bỏ, chuyên gia đã đưa rất nhiều ví dụ minh họa trong đời sống cũng như sản xuất để sinh viên có cái nhìn trực quan, rõ ràng, sinh động hơn, từ đó có thể nhận biết, áp dụng vào đời sống và công việc sau này.

Trong khuôn khổ buổi đào tạo trực tuyến đã ghi nhận nhiều câu hỏi đặt ra liên quan đến bài học như: Vai trò của Ban lãnh đạo công ty trong công tác cải tiến chất lượng cũng như trong nhóm QCC?; Lãng phí nào ở Việt Nam là cao nhất?; Mối quan hệ giữa văn hóa doanh nghiệp và lãng phí?; Trong 7 lãng phí, lãng phí nào phổ biến nhất tại doanh nghiệp Việt Nam?; Lãng phí bao nhiêu là mức chấp nhận được ở doanh nghiệp?; Công ty có nên loại bỏ hoàn toàn hàng tồn kho hay không?; Có số liệu thống kê tỉ lệ lãng phí trong doanh nghiệp ở Việt Nam không và con số đó là bao nhiêu?…

Những câu hỏi, thắc mắc trên của các bạn sinh viên đã được chuyên gia từ phía Tổng cục TCĐLCL giải đáp thỏa đáng, đem lại không khí hứng khởi cho buổi đào tạo.

Hà My – Kim Quý

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích