Phim truyền hình Việt thắng thế nhờ đề tài gia đình
Phim truyền hình Việt thắng thế nhờ đề tài gia đình
Đề tài về gia đình chính là nguồn cảm hứng vô tận cho những nhà làm phim Việt khai thác. Chính việc tận dụng những mối quan hệ thân quen để tạo nên các tác phẩm đã góp phần giúp cho dòng phim truyền hình lấy lại được vị thế vốn có.
Đề tài về gia đình chính là nguồn cảm hứng vô tận cho những nhà làm phim Việt khai thác. Chính việc tận dụng những mối quan hệ thân quen để tạo nên các tác phẩm đã góp phần giúp cho dòng phim truyền hình lấy lại được vị thế vốn có.
Trong những năm gần đây, phim truyền hình Việt đang dần chứng minh sức hấp dẫn trên các diễn đàn. Không chỉ ghi dấu ấn trên màn ảnh nhỏ, những tác phẩm này còn để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng công chúng nhờ nội dung hấp dẫn. Đặc biệt, việc tập trung khai thác chủ đề về gia đình của các nhà làm phim đã giúp cho những tác phẩm này thu về thành công ngoài mong đợi
Những bộ phim truyền hình xoay quanh đề tài gia đình là những bộ phim được khán giả Việt quan tâm và hưởng ứng nhiệt tình. Chẳng hạn như với “Hương vị tình thân”, bộ phim kể về hành trình đi tìm người thân của cô gái trẻ Phương Nam (Phương Oanh) khiến người xem không khỏi xúc động và thu về hơn 100 triệu lượt xem trên website VTV. Hay với “Thương ngày nắng về”, tác phẩm thành công lấy đi nước mắt của khán giả khi mang đến câu chuyện nhà bà Nga (NSƯT Thanh Quý) và những cô con gái. Thậm chí khi phần 2 lên sóng, bộ phim vẫn không cho thấy sự giảm nhiệt, nhờ đó mà tác phẩm nhận đến hơn 50 triệu lượt xem trên website.
“Hương vị tình thân” là bộ phim gia đình gây bão trên màn ảnh truyền hình năm 2021.
Đến năm 2023, đề tài gia đình vẫn là nguồn cảm hứng chính để các nhà làm phim khai thác. Với “Đừng làm mẹ cáu”, bên cạnh mối quan hệ tình cảm lãng mạn của các nhân vật trẻ, bộ phim vẫn “nhường chỗ” kể về chuyện mẹ con, chuyện cuộc sống hôn nhân của người trưởng thành. Còn “Dưới bóng cây hạnh phúc”, tác phẩm như cuốn tự truyện về cuộc đời làm vợ, làm dâu khổ cực của nữ chính Son (Kim Oanh). Chưa kể, những cuộc hôn nhân xào xáo chính là chất liệu giúp làm nên tên tuổi của phim. Hay bộ phim mới nhất gần đây là “Gia đình mình vui bất thình lình” đã tái hiện cuộc sống của đại gia đình khi các thành viên dù đã kết hôn nhưng vẫn chọn chung sống với bố mẹ.
Nhìn chung, các bộ phim vẫn mang đến những nội dung về gia đình, nhưng ưu điểm là các bộ phim dần mở rộng ra thêm nhiều mối quan hệ, không chỉ gò bó những mối quan hệ phổ biến như mẹ chồng – nàng dâu, vợ chồng,… Những mối quan hệ như bố chồng – nàng dâu, anh chị em chồng – nàng dâu, anh em trong gia đình,… bắt đầu được khai thác nhiều hơn. Nhờ đó, dù vẫn thuộc đề tài gia đình nhưng các tác phẩm dần cho thấy được sự mới mẻ và đa dạng.
Chỉ trong vòng vài năm nhưng phim Việt nhanh chóng lấy lại hào quang cũng như vị thế vốn có bằng cách mang đến những câu chuyện gia đình đời thường, gần gũi. Chính việc tái hiện lại hoàn cảnh của các gia đình Việt Nam đã giúp bộ phim đến gần với khán giả. Không đơn thuần là nội dung xoay chuyện làm vợ, làm dâu, mà những tác phẩm cũng đan xen thêm những khía cạnh khác như công việc, sự nghiệp của các nhân vật hay tình yêu đôi lứa… Nhờ việc phản ánh chân thật mà nay các bộ phim vốn thân quen nay lại càng mang đậm “chất đời” trong từng phân cảnh.
Một điểm thú vị là kịch bản phim Việt trong những năm gần đây có xu hướng triển khai rõ ràng, mạch lạc hơn rất nhiều. Những kịch bản đó mang tính sáng tạo, không bị đóng khung như một vài tác phẩm trước. Cách kể chuyện hấp dẫn, lôi cuốn, tạo cảm xúc cho người xem. Chẳng hạn như trong bộ phim “Gia đình mình vui bất thình lình”, với phân cảnh chị em chồng đối chất, thay vì thực hiện theo cách thông thường, đạo diễn đã khiến cho phân cảnh này thêm vui nhộn khi biến màn đối thoại trở thành một “phiên tòa mini”. Còn ở “Dưới bóng cây hạnh phúc”, “Đừng làm mẹ cáu”,… dù liên tục cài cắm những nhân vật có vẻ không liên quan đến phim nhưng đây lại là những nhân tố gây cười, mang đến bầu không khí tươi vui cho toàn bộ phim. Tuy rằng kịch bản không có nhiều sự đột phá mạnh mẽ hay những chi tiết quá cao trào nhưng chí ít, việc sắp xếp nội dung chặt chẽ, hợp lý đã cho thấy được nội dung phim đã được chú trọng và cải thiện, gần như không còn tình trạng “đầu voi đuôi chuột” hay bố cục lủng củng.
Và để phim thành công, đóng góp của dàn diễn viên là cực kỳ to lớn. Dàn diễn viên gạo cội như NSƯT Thanh Quý, NSND Lan Hương, NSND Quốc Trị,… vẫn chứng minh “gừng càng già càng cay” thông qua các vai diễn của mình. Với những gương mặt trẻ như Phan Minh Huyền, Quỳnh Lương, Quốc Trường, Lan Phương.. cũng không kém cạnh khi cho thấy bản thân nhập thân nhân vật khá tốt. Tất cả đều sống với nhân vật, truyền tải rõ nét, chân thực về tính cách, hoàn cảnh của nhân vật. Nhờ đó mà ngay cả khán giả cũng đồng cảm và nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của bản thân thông qua từng vai diễn.
Thông qua những tác phẩm gần đây, người xem dễ dàng nhận thấy những yếu tố bi kịch, hài kịch trong phim được thể hiện một cách hài hòa. Đối với những phân cảnh cảm động, các diễn viên thành công truyền tải cảm xúc, chạm đến trái tim người xem. Chưa kể, việc đẩy tình huống cao trào cũng là yếu tố giúp gia tăng cảm xúc cho chính khán giả. Cụ thể như với “Thương ngày nắng về”, phân cảnh bà Nhung (NSND Minh Hòa) nhận ra con ruột thất lạc bấy lâu nay đã để lại dấu ấn cho người xem. Trước đó, tình tiết bà khăng khăng đổ tội oan cho con mình là kẻ trộm vặt chính là “mồi lửa” khiến mối quan hệ hai mẹ con lên tới đỉnh điểm, chạm tới giới hạn của nhân vật. Như vậy mà ngay cả khán giả sau màn ảnh cũng không thể không khóc cùng nhân vật.
Ngoài yếu tố bi thương thì yếu tố hài kịch cũng được các nhà làm phim cài cắm khéo léo. Những nhân vật, phân cảnh được thực hiện một cách vừa phải, duyên dáng, khôn ngoan để tránh trở nên lố lăng, phản cảm. Điển hình như tác phẩm “Gia đình mình vui bất thình lình”, chính khán giả cũng không khỏi buột miệng cười trước những màn tấu hài đến từ ba cha con nhà ông Toại (NSND Bùi Bài Bình). Việc xen lẫn yếu tố hài hước không chỉ mang đến tiếng cười mà còn trở thành gia vị hấp dẫn, trở thành làn gió xoa dịu những mối quan hệ đang căng thẳng đến mức “đổ lửa” trong tác phẩm.
Dù khai thác đề tài gia đình và nhận được phản hồi tích cực nhưng những tác phẩm này vẫn không tránh khỏi một số điểm trừ đáng tiếc. Chẳng hạn như kịch bản của một số tác phẩm vẫn còn phải remake lại một số bộ phim Hàn Quốc. Những cái tên có thể điểm qua như “Thương ngày nắng về”, “Hương vị tình thân”,… Dẫu đã thay đổi sao cho phù với văn hóa, con người Việt Nam nhưng việc phải remake tác phẩm của nước ngoài đang cho thấy kịch bản chính thống do người Việt tự tay sản xuất vẫn còn hạn chế.
Tuy nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả nhưng một số tác phẩm như “Thương ngày nắng về” vẫn lấy cảm hứng từ tác phẩm Hàn Quốc “Mother of mine”
Nếu như yếu tố bi – hài được đan xen hài hòa thì những yếu tố mâu thuẫn được khai thác quá nhiều, thậm chí là lạm dụng. Điều này ban đầu có thể mang đến cảm xúc phẫn nộ cho chính người xem khi các nhân vật phải vướng vào tranh cãi. Tuy nhiên, nếu sử dụng nhiều sẽ gây tác dụng ngược, dần dần các khán giả sẽ không còn hứng thú để xem vì chính họ cũng cảm thấy áp lực. Suy cho cùng, phim ảnh là để giải trí nên nếu một tác phẩm chứa đựng quá nhiều sự tiêu cực sẽ khiến cho khán giả cảm giác đang “bị tra tấn” tinh thần dù đó là một tác phẩm hay.
Vì khai thác mối quan hệ gia đình nên sẽ có trường hợp, nhiều hình tượng phải đóng vai phản diện. Ví dụ như gần đây, người xem đã có một cái nhìn không mấy thiện cảm với bố chồng, chị chồng trong những sản phẩm mới nhất. Ban đầu, điều đó có thể mang đến một góc nhìn mới về kiểu mẫu nhân vật này. Nhưng nếu xây dựng không đúng cách sẽ vô tình khiến hình tượng đó trở nên phản cảm trong mắt khán giả. Bằng chứng là trước đây, do xây dựng hình tượng mẹ chồng quái đản mà khán giả đã có những bình luận tiêu cực, khó chịu về kiểu mẫu nhân vật này. Từ đó, ngay cả những mẹ chồng ngoài đời thực cũng phải chịu điều tiếng không hay ho. Và phải mất một khoảng thời gian dài thì khán giả Việt mới dần mở lòng và đón nhận hình tượng này theo hướng tích cực hơn. Cho nên, vì mối quan hệ trong gia đình hay các kiểu mẫu trong gia đình quá quen thuộc, quá gần gũi nên các nhà làm phim càng phải “cân đo đong đếm” để tránh gây ra tác động cũng như làm ảnh hưởng đến các hình tượng thực bên ngoài.
Có thể thấy, phim truyền hình Việt đang ngày một cho thấy được sức hút khó cưỡng cùng phong độ tương đối ổn định. Không chỉ riêng mảng truyền hình mà các trang mạng xã hội như Facebook, Tiktok,… cũng đang dần chứng kiến sự đổ bộ của các bộ phim truyền hình. Điều đó cho thấy sự quan tâm và ủng hộ nhiệt tình của khán giả đối với phim ảnh nước nhà và độ nhận diện các tác phẩm “cây nhà lá vườn” ngày càng tăng lên.
Nội dung – Thiết kế: Thu Loan