Philippines tuyên bố không giảm thuế nhập khẩu gạo, giá gạo xuất khẩu Việt Nam bật tăng

Trong 2 tuần gần đây, thị trường thế giới trầm lắng và giá gạo 5% tấm quay đầu giảm về sát mức 600 USD/tấn.

Tuy nhiên, sáng 27/9, giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng 5 USD lên 613 USD/tấn. Tương tự, gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan tăng 2 USD lên 602 USD/tấn. Cả gạo 25% tấm của 2 nước này cũng tăng tương ứng.

Giá gạo xuất khẩu điều chỉnh tăng trở lại được đánh giá do tác động từ việc Philippines tuyên bố không giảm thuế nhập khẩu gạo. Thị trường tin rằng giai đoạn chờ chính sách của các nhà nhập khẩu Philippines đã kết thúc và giờ là lúc họ sẽ phải quay trở lại.

1
Giá gạo xuất khẩu Việt bật tăng

Cụ thể, theo Reuters, ngày 26/7, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. có cuộc họp với các quan chức kinh tế và nông nghiệp. Quyết định được đưa ra sau cuộc họp là tiếp tục áp thuế nhập khẩu gạo 35%, thay vì giảm xuống 10% hoặc 0% như một số đề xuất trước đó. Ngoài ra duy trì mức giá trần đối với giá bán lẻ mặt hàng gạo. Người đứng đầu chính phủ cho rằng, hiện tại “không phải là thời điểm thích hợp để giảm thuế” do dự báo giá gạo thế giới sẽ giảm.

Reuters cũng dẫn nguồn nhiều thương nhân Philippines cho biết, thời gian gần đây thị trường trầm lắng do tâm lý kỳ vọng giá gạo thế giới sẽ giảm. Tuy nhiên, do nguồn cung khan hiếm và nhu cầu mạnh từ những người mua khác sẽ giữ giá không giảm thêm.

Trong sáng 27/9, tờ The Philippine Star thông tin: Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước , sản lượng gạo nhập khẩu trong năm nay (niên vụ 2023/24) của Philippines là 3,5 triệu tấn, giảm 300.000 tấn so với dự báo trước đó. Tuy nhiên, các quan chức phụ trách lĩnh vực lương thực đã bác bỏ dự báo của USDA và cho rằng sản lượng nhập khẩu của năm nay chỉ từ 3 – 3,2 triệu tấn do sản xuất tốt hơn. Dù vậy, với 3,5 triệu tấn gạo nhập khẩu, Philippines cùng với Trung Quốc sẽ là 2 nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Tính đến ngày 14/9, Philippines đã nhập khẩu 2,41 triệu tấn gạo, theo dữ liệu của cơ quan chức năng nước này công bố. Sau khi áp dụng giá trần với mặt hàng gạo tiêu thụ nội địa, các nhà nhập khẩu nước này đã tạm đình chỉ các hoạt động.

Ấn Độ tăng diện tích trồng lúa

2
Nông dân Ấn Độ mở rộng diện tích trồng lúa

Giá gạo cao kỷ lục đã thúc đẩy nông dân Ấn Độ mở rộng diện tích trồng lúa. Dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Ấn Độ ngày 1/9 cho thấy diện tích trồng lúa tại Ấn Độ đã tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 39,8 triệu ha.

Việc quốc gia sản xuất và tiêu thụ gạo lớn thứ hai thế giới trồng lúa nhiều hơn có thể làm giảm bớt mối lo ngại về nguồn cung gạo ở nước này.

Tháng 7, Ấn Độ đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng không phải giống basmati (một loại gạo phổ biến tại Nam Á), sau khi đã cấm xuất khẩu gạo tấm vào năm 2022. Quyết định cấm xuất khẩu loại gạo có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Ấn Độ có thể sẽ làm giảm gần một nửa lượng gạo xuất khẩu của nước này.

Vụ mùa năm nay của Ấn Độ đã phải hứng chịu điều kiện thời tiết bất lợi, với tháng 8 khô hạn nhất trong hơn 100 năm qua tại nước này, khi lượng mưa giảm 36% so với mức thông thường trong năm nay.

Theo Thương Hiệu Và Sản Phẩm

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích