Phiên họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét một số cơ chế, chính sách phòng, chống dịch Covid-19
Theo dự kiến Chương trình, Phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra tại Phòng họp Tân Trào, Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội theo 2 đợt. Đợt 1 diễn ra từ ngày 8-10/12, đợt 2 từ ngày 21-22/12.
Tại phiên họp này, theo Chương trình dự kiến, về công tác xây dựng pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đầu thấu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự; Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Phiên họp thứ 5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội |
Đồng thời, xem xét dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 575/NQ-UBTVQH12 ngày 31/01/2008 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về chức năng, nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu; xem xét Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về các vấn đề kinh tế – xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và gia hạn thời gian lưu giữ hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp bán hành miễn thuế, hàng hóa gửi kho ngoại quan.
Đồng thời, tiếp tục cho ý kiến đối với: Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2019-2021 và xem xét, quyết định mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2022-2024; Đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo công tác dân nguyện tháng 11 của Quốc hội và cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa XV; xem xét, thông qua Chương trình công tác năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bên cạnh đó, tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tiến hành đánh giá kết quả thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế năm 2021; xem xét, thông qua chương trình hoạt động đối ngoại năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho ý kiến (chỉ đạo, điều hòa) về chương trình đối ngoại, hợp tác quốc tế của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, các nhóm nghị sĩ hữu nghị, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước và Văn phòng Quốc hội.
Nguồn: Báo lao động thủ đô