Phiên chợ ngày 30 Tết

Ngày cuối cùng của năm Quý Mão, phiên chợ Tết rộn ràng, tấp nập hơn thường ngày. Thêm một năm nữa lại trôi qua, mọi người tạm gác lại công việc, với những lo toan cuộc sống đời thường để háo hức đi chợ quê ngày Tết, cảm nhận vẻ đẹp của những phiên chợ cuối cùng trước khi năm cũ khép lại, để chào đón năm mới Giáp Thìn với nhiều h vọng tươi sáng.

Chợ Tết ngày 30 thường đông vui, tấp nập hơn và cũng hối hả hơn. Người ta đi chợ Tết không chỉ để mua sắm mà còn để gặp gỡ, để tận hưởng cái không khí háo hức khi Tết đến.

Phiên chợ ngày 30 Tết
Phiên chợ ngày cuối cùng của năm vẫn luôn được đón chờ, luôn mang một ý nghĩa quan trọng trong tiềm thức của mỗi người con đất Việt.

Nói về phiên chợ ngày cuối năm, bà Nguyễn Thị Thái (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) cho biết: “Người ta đi chợ mua sắm chuẩn bị cho ba ngày Tết thường không phải chỉ để “có cái ăn” mà đó là thói quen, làm dậy lên không khí ngày lễ hội. Mặc dù là phiên chợ cuối cùng của năm nhưng gần như tất cả “món ngon vật lạ” đều được bày bán. Không khí Tết thấm đượm thật sự vào những ngày này bởi cảnh người mua hàng nặng trĩu giỏ”.

Mặc dù đi làm xa nhà nhưng năm nào về quê ăn Tết, chị Hoàng Thị Trang (huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) cũng tranh thủ đi phiên chợ ngày cuối năm. Theo chị Trang, phiên chợ 30 Tết ở quê thường nhộn nhịp, tập nập hơn bao giờ hết. Ai cũng nhanh chóng mua sắm để kịp trở về chuẩn bị mâm cơm ngày 30.

“Nhìn cảnh chợ quê ngày cuối năm, tôi càng cảm nhận được giá trị của gia đình, Tết không phải là mâm cao cỗ đầy, Tết là mùi của hạnh phúc bình dị, được cùng người thân đi chợ Tết, cùng ngồi bên nhau, nấu một bữa ăn”, chị Trang bày tỏ.

Có thể thấy, trước đây, để chuẩn bị cho Tết, người ta phải tích cóp, dành dụm cả năm trời. Người ta đi chợ Tết chủ yếu là mua lá dong, mua thịt, mua hành để về gói bánh chưng, mua thực phẩm chuẩn bị ăn Tết.

Theo đó, phiên chợ Tết xưa thường diễn ra từ 25 đến 30 tháng Chạp, nhưng bắt đầu 23 tháng Chạp cúng ông Công ông Táo, nhà nhà đã lo dọn dẹp ban thờ, bày biện và mua sắm vật dụng, thực phẩm. Còn lũ trẻ, niềm vui lớn nhất vào những ngày giáp Tết là sẽ được theo chân bố mẹ đi chợ hoa để mua hoa, mua quất về chưng Tết.

Chợ Tết hôm nay cũng vẫn là chợ Tết xưa, cũng đông vui và đầy ắp mọi thứ. Nhưng cuộc sống hiện đại đã làm cho chợ Tết bây giờ đa dạng, tiện lợi hơn nhiều.

Phiên chợ ngày 30 Tết
Dù hòa mình trong nhịp sống số, đủ đầy với những phiên chợ Tết online, nhiều người vẫn da diết nhớ hình ảnh phiên chợ Tết xưa, đặc biệt là phiên chợ ngày 30 Tết.

Chợ Tết nay thỏa mãn một số nhu cầu mua sắm để thưởng ngoạn, mua quà biếu Tết, sắm sửa. Các loại quà Tết cũng rất đa dạng, từ giỏ quà Tết, hộp quà Tết đến túi quà Tết, mỗi loại lại có nhiều kiểu cách đóng gói, đa dạng chủng loại sản phẩm và mức giá khác nhau.

Chợ Tết nay không chỉ gói gọn trong các khu chợ, những địa điểm nhất định mà đã tỏa ra mọi ngóc ngách của cuộc sống, trong sự phát triển của công nghệ thông tin và các loại hình dịch vụ. Việc chuẩn bị Tết cũng trở nên dễ dàng hơn, chỉ cần một tiếng ra chợ hay vào siêu thị là có đủ cho một cái Tết. Gần như tất cả đã được làm sẵn nên người ta không phải lụi cụi, vất vả chuẩn bị Tết như xưa.

Mặc dù vậy, đi chợ ngày 30 Tết vẫn là một phong tục bao đời gắn liền với người dân ta. Và chợ ngày cuối cùng của năm vẫn luôn được đón chờ, luôn mang một ý nghĩa quan trọng trong tiềm thức của mỗi người con đất Việt. Đặc biệt, đối với những người con xa xứ thì dù bao nhiêu năm đã qua đi, hình ảnh chợ quê ngày 30 Tết vẫn in đậm trong tâm trí của mỗi người.

Phiên chợ quê ngày cuối cùng của năm, dù có hối hả, có vội vàng cho kịp giờ nấu mâm cơm tất niên, nhưng vẫn không thiếu được nụ cười chân chất, hiền hậu của cả người bán lẫn người mua. Phiên chợ diễn ra giữa dòng người chen chúc nhau, trong tiếng nói cười, chào bán nhộn nhịp…

K.Tiến

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích