Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Trà Vinh tầm nhìn đến năm 2050
Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Trà Vinh tầm nhìn đến năm 2050
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1142/QĐ-TTg ngày 2-10-2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quyết định nêu rõ, phạm vi ranh giới quy hoạch tỉnh Trà Vinh bao gồm toàn bộ lãnh thổ đất liền tỉnh Trà Vinh và phần không gian biển được xác định theo Luật Biển Việt Nam năm 2012, Luật Tài nguyên, môi trường biển và Hải đảo năm 2015, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và Hải đảo.
Mục tiêu tổng quát là đến 2030 Trà Vinh là tỉnh phát triển ở mức trung bình cao, nằm trong nhóm đầu của vùng đồng bằng sông Cửu Long, có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; có kinh tế biển phát triển, thích ứng với biến đổi khí hậu; các giá trị văn hóa của các dân tộc được bảo tồn và phát huy; người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Cụ thể, về kinh tế, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt khoảng 11,5%/năm; trong đó ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân 3,32%/năm, ngành công nghiệp – xây dựng tăng bình quân 15,49%/năm, ngành thương mại – dịch vụ tăng bình quân 10,81%/năm. GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt 148 triệu đồng vào năm 2030. Thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân từ 12% đến 15%/năm. Tỷ trọng trong GRDP nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 17,98%; công nghiệp – xây dựng chiếm khoảng 46,14%; dịch vụ chiếm khoảng 33,00%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm khoảng 2,88%. Giá trị xuất khẩu đạt khoảng 1.700 đến 1.800 triệu USD vào năm 2030. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt từ 350 nghìn tỷ đến 400 nghìn tỷ đồng.
Về xã hội, đến 2030, Trà Vinh có tốc độ tăng dân số bình quân 0,75 %/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có cấp bằng, chứng chỉ đạt 40% vào năm 2030. Năng suất lao động tăng bình quân 11,65%/năm. Giải quyết việc làm mới hàng năm cho 30.000 lao động. Phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 73% trường mầm non, 89% trường tiểu học, 70% trường trung học cơ sở và 91% trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Phấn đấu đạt 35 giường bệnh/vạn dân; 14 – 16 bác sỹ/vạn dân. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% vào năm 2030. Tỷ lệ hộ nghèo đạt chuẩn đa chiều giảm bình quân mỗi năm 1 – 1,5%/năm. Chỉ số phát triển con người (HDI) đạt 0,75 trở lên.
Về bảo vệ môi trường, tỷ lệ sử dụng nước sạch cho mục đích sinh hoạt của dân cư ở khu vực đô thị đạt 99% trở lên; ở khu vực nông thôn đạt khoảng 85%. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 4,5%.
Đến năm 2050, Trà Vinh là tỉnh phát triển cao của vùng đồng bằng sông Cửu Long, có trung tâm kinh tế biển hiện đại và trung tâm năng lượng sạch của vùng đồng bằng sông Cửu Long, thích ứng với biến đổi khí hậu; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, kết nối hiệu quả với vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Xã hội văn minh, hiện đại; quốc phòng, an ninh được bảo đảm; người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Theo Quy hoạch, về công nghiệp: Phát triển nhanh, bền vững theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ mới, thân thiện với môi trường gắn với lợi thế kinh tế biển.
Trà Vinh sẽ phát triển các ngành công nghiệp chủ yếu sau: Công nghiệp năng lượng: Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới thành trung tâm năng lượng sạch của vùng đồng bằng sông Cửu Long; khai thác tối đa công suất các nhà máy nhiệt điện hiện có, từng bước nâng cao tỷ trọng nguồn điện sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế – xã hội khu vực miền Nam.
Công nghiệp chế biến nông, thủy sản: Mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, nâng cao công suất các nhà máy hiện có; xây dựng các nhà máy chế biến mới có công nghệ hiện đại gắn với vùng nguyên liệu; đa dạng hóa các sản phẩm chế biến, nâng tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu để nâng cao giá trị các sản phẩm xuất khẩu; đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào chế biến, bảo quản nông sản.
Về dịch vụ: Phát triển nhanh, đa dạng các loại hình dịch vụ theo hướng hiện đại, chất lượng cao. Tập trung phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, đẩy mạnh tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu ngành.
Trong đó: Về thương mại: Phát triển dịch vụ thương mại, nâng cao khả năng tham gia điều tiết, cân đối cung cầu, lưu thông hàng hóa bảo đảm thông suốt, đáp ứng đầy đủ các mặt hàng phục vụ sản xuất và đời sống người dân; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử; chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Về du lịch: Trà Vinh trở thành điểm đến hấp dẫn của vùng đồng bằng sông Cửu Long; phát triển du lịch xanh, bền vững, có sức cạnh tranh cao; phát triển đồng thời du lịch biển, du lịch di sản văn hóa, đặc biệt là văn hóa Khmer; du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp; liên kết với các điểm đến của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Về dịch vụ cảng biển, logistics: Đầu tư phát triển dịch vụ cảng biển và logistics, khai thác có hiệu quả các loại hình vận tải đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển; nâng cấp hệ thống kho bãi, bảo quản hàng hóa, dịch vụ hậu cần, nhất là các bến cảng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động và chất lượng dịch vụ logistics; hình thành và phát triển Trung tâm logistics cấp tỉnh tại Khu kinh tế Định An.
Về nông nghiệp, Trà Vinh phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, tuần hoàn, sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo chuỗi giá trị, hiệu quả và có sức cạnh tranh cao dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ và thích ứng với biển đổi khí hậu. Trong đó: Về thủy sản: Nuôi trồng thủy sản tập trung, công nghiệp, công nghệ hiện đại; phát triển mạnh vùng nuôi chuyên canh cho các sản phẩm chủ lực. Về trồng trọt: Phát triển các cây trồng có lợi thế; hình thành các khu nông nghiệp, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Về chăn nuôi: Phát triển ngành chăn nuôi tập trung, chăn nuôi hữu cơ, hàng hóa chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm và phòng chống dịch bệnh. Tổ chức lại chăn nuôi theo hướng hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng gắn với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm cho đàn bò, heo và gia cầm.
Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ phát triển Khu kinh tế Định An thành khu kinh tế động lực của tỉnh và của vùng đồng bằng sông Cửu Long với tính chất tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực. Ưu tiên phát triển các ngành: năng lượng tái tạo, chế biến nông – thủy sản, đóng tàu cùng với các ngành công nghiệp phụ trợ; phát triển khu nuôi trồng thủy sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao; phát triển dịch vụ, du lịch với các sản phẩm độc đáo gắn với cảng biển, dịch vụ logistics.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị