Phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung thị trấn Phù Yên, huyện Phù Yên, Sơn La
Phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung thị trấn Phù Yên, huyện Phù Yên, Sơn La
UBND tỉnh Sơn La vừa ký Quyết định số 934/QĐ-UBND về việc phê duyệt nhiệm vụ và dự toán lập quy hoạch chung thị trấn Phù Yên, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La đến năm 2035.
Thị trấn Phù Yên được quy hoạch là trung tâm hành chính – chính trị, văn hóa giáo dục, y tế, thương mại, dịch vụ du lịch… cấp huyện, đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV; là trung tâm hỗ trợ và thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ chế biến nông, lâm sản gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu; là trung tâm văn hóa , thương mại, dịch vụ và du lịch cửa ngõ phía Đông của Sơn La kết nối giao thương kinh tế với các tỉnh lân cận; là đầu mối giao thông quan trọng cửa ngõ phía Đông của tỉnh, có vị trí và ý nghĩa chiến lược quan trọng về an ninh quốc phòng.
Phạm vi lập quy hoạch chung bao gồm toàn bộ địa giới hành chính thị trấn Phù Yên và mở rộng sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính các xã Quang Huy, xã Huy Bắc và xã Huy Hạ để mở rộng thị trấn Phù Yên. Ranh giới lập quy hoạch được xác định như sau: Phía Đông giáp xã Huy Thượng, Huy Tân; phía Bắc và phía Tây giáp xã Suối Tọ; phía Nam giáp xã Huy Hạ. Quy mô lập quy hoạch khoảng 1.486ha và quy mô dân số hiện trạng năm 2023 là 21.120 người, đến năm 2025 khoảng 25.000 người, đến năm 2035 khoảng 35.000 người.
Quy hoạch nhằm hướng đến mục tiêu lập quy hoạch thị trấn Phù Yên theo phương pháp sáp nhập điều chỉnh địa giới hành chính đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhất trí chủ trương. Phù hợp với định hướng quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 – 2023, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện dọc lòng hồ Sông Đà trên địa bàn tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Xây dựng thị trấn Phù Yên thành đô thị trung tâm, là động lực tăng trưởng kinh tế phía Đông của tỉnh, hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí, phấn đấu thị trấn Phù Yên đạt đô thị loại IV, mang đậm bản sắc đô thị trung du miền núi, có kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội đồng bộ phát triển theo hướng bền vững; phát huy được tiềm năng và lợi thế của địa phương, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đồng thời, làm cơ sở để lập các quy hoạch đô thị và các dự toán đầu tư xây dựng trên địa bàn thị trấn theo quy định; là công cụ pháp lý để quản lý đất đai, kiểm soát các hoạt động đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị