Phê duyệt đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, hệ thống định danh… phục vụ chuyển đổi số quốc gia

danh-tinh-dien-tu
Định danh điện tử. Ảnh: Internet.

Mục tiêu tổng quát của đề án là ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích:

1- Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến;

2- Phục vụ phát triển kinh tế, xã hội;

3- Phục vụ công dân số;

4- Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư;

5- Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Với nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, năm 2022, hoàn thành tích hợp, cung cấp dịch vụ xác thực thông tin về số chứng minh nhân dân (9 số) với căn cước công dân trên cổng dịch vụ công quốc gia để 100% tài khoản định danh điện tử của cá nhân đã được tạo lập bởi cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh thực hiện được việc xác thực với danh tính điện tử do Bộ Công an cung cấp.

Hoàn thành việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu thuế trong quý I năm 2022 phục vụ xác thực thông tin về người nộp thuế trong giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực thuế, giúp 100% người nộp thuế không phải khai báo lại các thông tin thay đổi đã có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bảo đảm từng bước thay thế các giấy tờ cá nhân trên cơ sở tích hợp, xác thực các thông tin, giấy tờ cá nhân vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để chỉ cần sử dụng thẻ căn cước công dân, ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID), trong đó, tập trung thực hiện ngay đối với một số giấy tờ như: bảo hiểm y tế, bằng lái xe, giấy phép lái xe, mã số chứng chỉ hoặc giấy phép hành nghề, tiêm chủng, y tế, giáo dục, thẻ cán bộ, công chức, viên chức…

Giai đoạn 2023 – 2025, 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được định danh và xác thực điện tử thông suốt, hợp nhất trên tất các các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương.

100% người dân khi thực hiện thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa các cấp được định danh, xác thực điện tử trên hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an đã kết nối, tích hợp với cổng dịch vụ công quốc gia; không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ về dân cư đã có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;…

Với nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, giai đoạn năm 2022 – 2023, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống định danh và xác thực điện tử; nghiên cứu mở rộng việc ứng dụng hệ thống trong các giao dịch điện tử phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Tích hợp, phát triển các ứng dụng trên nền tảng hệ thống định danh và xác thực điện tử với các ứng dụng cốt lõi như: ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, chứng khoán, điện, nước… lên ứng dụng VNEID, mã QR của thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử;…

Còn với nhóm tiện ích phục vụ công dân số, năm 2022, bảo đảm xác thực 100% các thông tin thiết yếu, quan trọng trên ứng dụng VNEID hoặc qua thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử như: thông tin tiêm chủng, xét nghiệm, giấy phép lái xe, đăng ký xe… từng bước thay thế các giấy tờ của công dân trong một số các giao dịch theo quy định pháp luật; cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ thương mại phục vụ tiện ích số của công dân trên ứng dụng VNEID như: dịch vụ cư trú, căn cước công dân, thương mại điện tử, thanh toán điện tử và các dịch vụ khác;…

Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện đề án là hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển, cung cấp ứng dụng, dịch vụ số liên quan đến thông tin dân cư; phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; phục vụ phát triển công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư.

Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số chỉ đạo, điều hành toàn diện hoạt động của đề án, phân công đồng chí Vũ Đức Đam – Phó Thủ tướng Chính phủ giúp Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban trực tiếp chỉ đạo các hoạt động của đề án; xem xét, giải quyết các công việc thường xuyên của đề án.

Thành lập Tổ công tác triển khai đề án (Tổ công tác) do Bộ trưởng Bộ Công an làm Tổ trưởng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm Tổ phó, đồng chí Nguyễn Duy Ngọc – Thứ trưởng Bộ Công an làm Tổ phó thường trực. Thành viên là đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Lao động – Thương binh và Xã hội, Tài chính, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính – Văn phòng Chính phủ, Cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội – Bộ Công an, đồng chí Tô Anh Dũng – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội – Bộ Công an là thành viên – thư ký Tổ công tác.

Tổ công tác có trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai các nhiệm vụ tại đề án. Định kỳ hàng tháng, Tổ công tác báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Vũ Đức Đam – Phó Thủ tướng Chính phủ tình hình, kết quả thực hiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đề án. Tổ công tác sử dụng bộ máy giúp việc là Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội – Bộ Công an và Cục Kiểm soát thủ tục hành chính – Văn phòng Chính phủ và được huy động chuyên gia trong nước, quốc tế để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích