Phát triển xứng tầm ngành Du lịch vùng Đông Nam Bộ
Tại Hội nghị sơ kết thực hiện thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ diễn ra vừa qua tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đại diện các tỉnh, thành phố trong vùng đều đánh giá cao các kết quả nổi bật trong năm 2023. Tiêu biểu là các địa phương trong vùng đã thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình hoạt động du lịch theo từng năm, chia sẻ kinh nghiệm quản lý Nhà nước về du lịch.
Các địa phương đã kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong phát triển du lịch như cấp phép, sử dụng đất, thuế và hoạt động kinh doanh. Các địa phương đã khảo sát điểm đến, xây dựng chương trình kích cầu du lịch, phát triển sản phẩm du lịch mới, kết nối trong các tour, tuyến du lịch như làng sơn mài Tương Bình Hiệp (Bình Dương), các sản phẩm du lịch trong thành phố du lịch sinh thái Sơn Tiên (Đồng Nai), khách sạn nghỉ dưỡng 5 sao Ixora Hồ Tràm, resort 5 sao Angsana & Dhawa Hồ Tràm (Bà Rịa – Vũng Tàu)…
Bà Rịa – Vũng Tàu, điểm đến du lịch hấp dẫn của vùng Đông Nam Bộ. |
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố trong vùng đã tổ chức 8 sự kiện du lịch tiêu biểu trên các kênh truyền thông du lịch; chia sẻ truyền thông về du lịch các tỉnh Đông Nam Bộ trên cổng thông tin điện tử, fanpage của các đơn vị, trang mạng xã hội, các group cộng đồng, các travel bloggers…
Trong công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch, Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ các tỉnh tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch, nghiệp vụ cho khách sạn, resort trên địa bàn các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ …
Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam: Vùng Đông Nam Bộ là trọng điểm của du lịch cả nước, có cơ sở hạ tầng và dịch vụ được đầu tư bài bản, hấp dẫn du khách. Với nhiều lợi thế, tiềm năng về du lịch, Đông Nam Bộ cũng là nơi trung chuyển khách quốc tế và gửi khách đến các khu vực khác của cả nước.
Trong khi đó, theo đại diện Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu: Liên kết phát triển du lịch đã đem lại lợi ích phát triển du lịch cho mỗi địa phương và cả vùng thông qua việc hợp tác, hỗ trợ, bổ sung sản phẩm về du lịch cho nhau, tạo ra các chuỗi sản phẩm, dịch vụ hoàn chỉnh, tạo sự cạnh tranh với các vùng khác. Đồng thời thúc đẩy, khai thác lượng du khách trong vùng, nhất là đối với các địa phương có khoảng cách địa lý gần, người dân có thu nhập cao.
Bên cạnh đó, hợp tác, liên kết còn là cơ hội để trao đổi kinh nghiệm công tác quản lý Nhà nước về du lịch, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và thúc đẩy phát triển du lịch giữa các địa phương trong vùng.
“Với lợi thế về biển, các di tích lịch sử, nhiều lễ hội dân gian, Bà Rịa – Vũng Tàu đã phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã và đang hình thành các khu du lịch chất lượng cao, tầm vóc quốc tế. Đây là đặc trưng của du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu, đồng thời cũng là sản phẩm du lịch hỗ trợ, bổ sung đối với các địa phương trong vùng”, đại diện UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ thêm.
Mặc dù bước đầu hợp tác phát triển du lịch trong vùng Đông Nam Bộ đã đạt được nhiều kết quả nhưng các thành viên trong vùng cũng thẳng thắn nhìn nhận các bất cấp, hạn chế. Đơn cử là việc chưa tạo ra được những sản phẩm liên kết hấp dẫn, khác biệt tạo nên thương hiệu của vùng; sự liên kết trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá, truyền thông đạt hiệu quả chưa cao.
Công tác liên kết, khảo sát phát triển các sản phẩm du lịch, chương trình du lịch chung cho vùng Đông Nam Bộ còn hạn chế; công tác quảng bá du lịch của vùng trên các kênh truyền thông của các địa phương chưa được thực hiện thường xuyên và hiệu quả.
Các nội dung thực hiện liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành phố theo chương trình ký kết chỉ mới thực hiện tốt được việc tổ chức và tham gia các sự kiện quảng bá du lịch do các tỉnh, thành tổ chức. Chưa có chương trình, chính sách cụ thể trong liên kết, hỗ trợ, ưu đãi cho du khách giữa các địa phương trong vùng, đặc biệt là hỗ trợ, ưu đãi các doanh nghiệp lữ hành…
Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đánh giá, doanh thu du lịch của vùng Đông Nam Bộ còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tỷ trọng khách du lịch của vùng. Vì thế, vùng Đông Nam Bộ cần tập trung giải quyết, đưa ra các giải pháp để tăng doanh thu từ du lịch, kéo dài thời gian lưu trú của du khách khi đến với vùng, đồng thời đưa khách đến với các khu vực khác trong cả nước.
Trên cơ sở đánh giá những tồn tại, hạn chế, các thành viên trong vùng Đông Nam Bộ đã thống nhất nhiều nội dung quan trọng để phát triển du lịch của vùng. Cụ thể là sẽ triển khai các hoạt động liên kết hiệu quả hơn trong nội vùng, mở rộng ra các vùng Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ nhằm khai thác hiệu quả hơn các sản phẩm đặc thù ở từng địa phương, đa dạng các loại hình du lịch, tăng tính cạnh tranh của vùng.
Thúc đẩy hoạt động liên kết hiệu quả hơn nhằm đạt được mục tiêu lớn là quảng bá thông tin xúc tiến du lịch và xúc tiến đầu tư du lịch; xây dựng kế hoạch quảng bá du lịch vùng, khu vực trên kênh truyền thông quốc tế. Tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, tạo điều kiện tốt nhất cho việc triển khai các hoạt động hợp tác, liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng.
Xây dựng cơ chế, chính sách nhằm liên kết thu hút đầu tư, phát triển nguồn nhân lực du lịch, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời các địa phương cũng khuyến khích hiệp hội du lịch và các doanh nghiệp du lịch, chủ động liên kết, hợp tác với nhau nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, hỗ trợ nhau trong việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ.
Nguồn: Báo lao động thủ đô