Phát triển vật liệu xây dựng xanh: Xu thế tất yếu
(Xây dựng) – Phát triển vật liệu xây dựng xanh sẽ là xu thế tất yếu của ngành Xây dựng để góp phần xây dựng các công trình xanh, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường.
Phát triển vật liệu xây dựng xanh là một xu thế tất yếu đối với ngành Xây dựng Việt Nam. |
Lợi ích của việc sử dụng vật liệu xanh
Rất nhiều công trình nghiên cứu đã cho thấy công trình xanh có lợi ích rất lớn trong việc tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước, giảm phát thải khí nhà kính và góp phần quan trọng bảo vệ môi trường. Do đó, phát triển công trình xanh sẽ là một xu thế tất yếu của ngành Xây dựng trong thời gian tới.
Việc phát triển các vật liệu xanh sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng để xây dựng các công trình xanh. Hiểu một cách đơn giản thì vật liệu xanh là những vật liệu xây dựng (VLXD) thân thiện với môi trường, không gây ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường và sức khỏe người sử dụng trong suốt vòng đời, từ giai đoạn sản xuất cho tới khi được ứng dụng trong xây dựng và hết hạn sử dụng. Vật liệu xanh thường có tuổi thọ dài, có khả năng tái chế và phân hủy xanh, không tác động xấu đến môi trường.
Hiện nay, rác thải từ hoạt động sản xuất và sinh hoạt là rất nhiều, trong đó có phế thải từ sản xuất công nghiệp và xây dựng. Tình hình này gây quá tải cho hệ thống thu gom và xử lý phế thải, nhưng cũng rất lãng phí vì chưa tận dụng phế thải để tái chế, sản xuất VLXD. Bên cạnh đó, việc sản xuất VLXD nói chung sẽ tiêu tốn rất nhiều năng lượng hóa thạch như than, dầu… dẫn đến cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, gây mất cân bằng hệ sinh thái và làm gia tăng các hiện tượng biến đổi khí hậu.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc phát triển VLXD từ phế thải sẽ mang đến lợi ích lớn cho ngành công nghiệp sản xuất VLXD. Khi đó, phế thải của ngành này lại là nguyên liệu đầu vào của ngành kia và ngược lại. Như vậy, việc phát triển VLXD xanh sẽ góp phần tái chế phế thải, từ đó tiết kiệm năng lượng trong khai thác nguyên liệu, sử dụng vật liệu và giảm chi phí đầu tư.
Mặt khác, xu thế thị trường rất cần VLXD nhân tạo sản xuất từ phế thải vô cơ hoặc hữu cơ, tiến tới thay thế vật liệu tự nhiên được sử dụng nhiều trong các công trình xây dựng mang đặc trưng về văn hóa và bản sắc địa phương. Đặc biệt, VLXD nhân tạo sẽ có một số yêu cầu đặc biệt mà VLXD tự nhiên không thể đáp ứng như cách nhiệt, cách âm, chống cháy…
Với những lý do kể trên, việc phát triển VLXD theo xu hướng xanh, thân thiện với con người và môi trường sẽ là một xu thế tất yếu đối với ngành Xây dựng Việt Nam.
Khó khăn và cơ hội trong áp dụng vật liệu xanh
Trong những năm qua, ngành VLXD đã đạt được một số bước tiến nhất định, Bộ Xây dựng vẫn nhận định việc phát triển vẫn chưa thực sự bền vững, còn bộc lộ những vấn đề bất cập cần được nghiên cứu khắc phục.
Hiện nay, việc sử dụng vật liệu xanh trong các công trình xây dựng vẫn còn hạn chế vì một số rào cản. Đó là thói quen sử dụng vật liệu cũ, tâm lý ngại đồng bộ; sự thờ ơ với mục tiêu chung vì không mang lại lợi ích ngay lập tức cho chủ thể xây dựng; công tác tuyên truyền chưa đủ mạnh, và đặc biệt là hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến sản phẩm xanh chưa đầy đủ, chưa có cơ sở để quy chiếu cho các bên liên quan.
Mặc dù vậy, ngành sản xuất VLXD xanh vẫn có nhiều cơ hội phát triển khi Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để khuyến khích, thúc đẩy việc sản xuất và sử dụng vật liệu xanh trong các công trình xây dựng.
Trong đó, Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020 đã xác định 7 giải pháp thực hiện, bao gồm: Hoàn thiện thể chế, chính sách; Khai thác tài nguyên khoáng sản hiệu quả, tiết kiệm; Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ; Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm VLXD trong nước và xuất khẩu; Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Nâng cao năng lực chế tạo thiết bị; Bảo vệ môi trường trong sản xuất.
Như vậy, Chính phủ đang tạo ra nhiều thời cơ và động lực cho các bên tham gia thị trường VLXD xanh, đặc biệt là các nhà sản xuất và chủ đầu tư xây dựng.
Giải pháp phát triển vật liệu xanh
Hiện nay, ngành sản xuất vật liệu xanh chủ yếu sử dụng các nguồn phế thải từ các ngành công nghiệp như tro, xỉ… để chế tạo các loại VLXD như gạch không nung, xi măng hay vật liệu ốp lát. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, các vật liệu xanh sẽ ngày càng được cải tiến mạnh mẽ, chất lượng được nâng lên, bổ sung thêm nhiều công năng mới và mẫu mã cũng đa dạng, phong phú hơn.
Theo ý kiến của TS.KTS Nguyễn Tất Thắng đến từ Viện Kiến trúc quốc gia Bộ Xây dựng, để tiến tới sản xuất hàng loạt VLXD xanh, ngành Xây dựng cần giải quyết bài toán ở cả 2 giai đoạn. Đầu vào của quá trình thu gom, phân loại, tận dụng các nguồn phế thải và đầu ra của quá trình tạo ra các chủng loại VLXD hoặc sản phẩm xây dựng, tương ứng với mỗi quy trình và công nghệ sản xuất khác nhau sẽ cho ra những sản phẩm khác nhau.
Theo đó, chế tạo VLXD xanh là xu thế đòi hỏi từ các nhu cầu trong ngành Xây dựng. Ví dụ, lĩnh vực kiến trúc mô phỏng sinh học gắn liền với việc thiết kế trợ giúp bởi các công nghệ kỹ thuật số, đòi hỏi kết cấu và vật liệu tương ứng để đáp ứng các hình khối, không gian và hình thức nghệ thuật kiến trúc. Trong khi đó, các tiện ích công cộng ngoài trời lại đòi hỏi độ bền cao, thay thế các vật liệu tự nhiên như đá, gạch, gỗ hay tre nứa.
Bên cạnh đó, VLXD xanh cũng rất cần thiết đối với công nghiệp xây dựng trang trí nội ngoại thất, đồ gia dụng, nhất là đối với nội thất các công trình kiến trúc nhà ở, công cộng, công nghiệp. Nếu đáp ứng yêu cầu thân thiện với môi trường và con người, các vật liệu nhân tạo vô cùng phong phú và đa dạng sẽ được sử dụng để thay thế các VLXD tự nhiên.
Để hướng tới phát triển theo xu thế bền vững, ngành Xây dựng cần nhanh chóng học hỏi kinh nghiệm quốc tế, kịp thời đẩy mạnh nghiên cứu, chế tạo, phát triển các loại VLXD xanh, vừa là mục tiêu chiến lược, vừa đặt nền móng cho các công trình xây dựng theo hướng đạt tiêu chí xanh.
Trong thời gian tới, ngành sản xuất VLXD xanh được dự báo sẽ góp phần quan trọng tạo dựng các công trình xanh cho đô thị, nông thôn, từ đó đáp ứng các mục tiêu chiến lược quốc gia về tiết kiệm tài nguyên và năng lượng, bảo vệ môi trường sinh thái và thích nghi với sự biến đổi của khí hậu.
Nguồn: Báo xây dựng