Phát triển trước, chạy chữa sau: Hiểm họa ‘phá môi trường lấy kinh tế’

Phát triển trước, chạy chữa sau: Hiểm họa ‘phá môi trường lấy kinh tế’

MTĐT –  Thứ hai, 02/01/2023 00:03 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo giới chuyên gia, việc thanh tra đột xuất vẫn phải thông báo trước là một trong những “lỗ hổng” rất lớn, khiến ô nhiễm “chui lọt” chủ trương và “lẽ phải” luôn đứng về doanh nghiệp.

tm-img-alt
Theo giới chuyên gia, việc thanh tra đột xuất phải thông báo trước đã gây ra nhiều bất cập trong công tác thanh kiểm tra môi trường, trong nhiều năm qua. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bài 3: “Lỗ hổng” thanh tra đột xuất giúp ô nhiễm “chui lọt” chủ trương

Không chỉ phải chịu cảnh sống mòn với ô nhiễm do tình trạng khai thác, vận hành sản xuất “vượt đèn đỏ” của nhiều doanh nghiệp, thời gian qua, người dân tại nhiều địa phương còn phải chịu “nỗi sợ kết luận thanh tra.” Đó là khi sự thật về ô nhiễm được họ phản ánh vào những lá đơn, tâm thư gửi tới các cấp địa phương, cơ quan quản lý, nhưng kết luận thanh/kiểm tra lại luôn đứng về phía doanh nghiệp,…

Nghịch lý thanh tra đột xuất vẫn phải thông báo trước

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, quan điểm, chủ trương về “phát triển bền vững, bảo vệ môi trường phải được gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế-xã hội” đã tiếp tục được Đảng và Nhà nước ta mở rộng, sâu sắc hơn, thấm sâu vào các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Đặc biệt, Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nhấn mạnh: “Lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.”

Với chủ trương xuyên suốt trên, hơn 5 năm trở lại đây, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra. Trong đó chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giảm số lượng các cơ sở thanh tra theo kế hoạch; tăng cường thanh tra đột xuất, tập trung vào các cơ sở quy mô lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; xử phạt nghiêm các đối tượng vi phạm để răn đe và tạo dư luận buộc các cơ sở đang hoạt động sản xuất, kinh doanh phải quan tâm, đầu tư cho môi trường, tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Chỉ riêng Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ ngày 1/1/2016 đến nay, bộ này đã triển khai thanh tra, kiểm tra tại 2.364 cơ sở và khu công nghiệp, qua đó xử phạt 878 cơ sở với số tiền hơn 210 tỷ đồng. Hoạt động thanh tra này tập trung vào các cơ sở có nguồn thải lớn, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, đặc biệt là vi phạm xả thải gây ô nhiễm môi trường lớn.

Tuy vậy, những con số thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu trên cũng mới chỉ phản ánh một phần của hiện trạng ô nhiễm môi trường bấy lâu nay.

Thực tế trên đã được đại diện lãnh đạo Tổng cục Môi trường thừa nhận khi khẳng định còn “lỗ hổng” rất lớn trong công tác thanh tra theo Luật Bảo vệ Môi trường và Luật Thanh tra trước đây. Theo vị này, nếu là đất đai, vi phạm thể hiện ngay trên hồ sơ và hiện trạng nên việc thanh tra có báo trước cũng không thay đổi được. Thanh tra tài chính cũng vậy. Còn môi trường thì hoàn toàn khác, nếu báo trước thì doanh nghiệp đang xả trộm hoàn toàn có thể hủy ngay tang chứng, vật chứng.

Phat trien truoc, chay chua sau: Hiem hoa 'pha moi truong lay kinh te' hinh anh 1
Hệ quả của “thanh tra đột xuất vẫn phải thông báo trước” là số lượng đơn thư cầu cứu, kiến nghị của người dân ở nhiều địa phương cứ thế tăng theo thời gian.(Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Cùng quan điểm, một cán bộ có thâm niên nhiều năm gắn bó với công tác chính sách, pháp chế và thanh tra ở Tổng cục Môi trường cũng cho biết: “Thời gian qua, việc triển khai các hoạt động thanh tra về bảo vệ môi trường phải tuân theo quy định chung của Luật Thanh tra dẫn tới còn gặp nhiều vướng mắc, hạn chế, chưa phát huy được hiệu quả của thanh tra, kiểm tra chuyên ngành môi trường.”

Bên cạnh đó, pháp luật chưa quy định trình tự, thủ tục triển khai đoàn kiểm tra; hoạt động thanh tra tập trung triển khai theo kế hoạch, chưa sử dụng hình thức thanh tra thường xuyên; việc triển khai thanh tra đột xuất vẫn phải thông báo trước theo quy định của pháp luật về thanh tra cũng là những bất cập trong công tác thanh kiểm tra môi trường hiện nay.

“Trong khi lĩnh vực môi trường có tính đặc thù, các vi phạm về bảo vệ môi trường, nhất là về xả thải thường mang tính thời điểm và không để lại dấu vết trong trường hợp doanh nghiệp cố tình che giấu, trốn tránh nghĩa vụ,” vị cán bộ trên chia sẻ.

Ngoài ra, các quy định về thời hạn gửi quyết định thanh tra, thông báo việc công bố quyết định thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất theo quy định Luật Thanh tra cũng dẫn tới việc khi biết trước kế hoạch thanh tra, doanh nghiệp thường cố tình đối phó như “thực hiện việc vận hành các công trình bảo vệ môi trường.” Thậm chí, doanh nghiệp sẽ sử dụng các biện pháp pha loãng nguồn thải hoặc dừng hoạt động; xả trộm, xả lén vào ban đêm, hoạt động ngoài giờ hành chính.

“Trăm phương nghìn kế” qua mặt cơ quan quản lý

Tiếp tục “mổ xẻ” bất cập trong quá trình tiến hành thanh tra về lĩnh vực môi trường trong thời gian qua, vị cán bộ ở Tổng cục Môi trường cho biết trước đây, khi tiến hành thanh tra, kiểm tra đối cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp thường “chạy theo mục tiêu là lợi nhuận.” Thế nên, những vấn đề thuộc về chi phí phát sinh, doanh nghiệp sẽ giảm thiểu tối đa, bởi chi phí về đầu tư cho môi trường là tương đối lớn.

Đơn cử như trong việc duy trì hệ thống xử lý nước thải, khí thải, hay công tác thu gom vận chuyển xử lý chất thải nguy hại, thông thường chi phí rất lớn. Do vậy, những trường hợp không tuân thủ, không có ý thức và trách nhiệm với môi trường thì những mánh khóe, chiêu bài đối phó với cơ quan quản lý ngày càng tinh vi.

“Ví dụ, trước đây chúng tôi đi kiểm tra, có trường hợp doanh nghiệp làm đường ống xả thải vắt ra ngoài hàng rào. Thậm chí, họ có thể làm đường ống chui ngầm xuống dưới lòng đất; bố trí van đảo chiều để xả thải hay hệ thống pha loãng chất thải để đối phó khi có đoàn kiểm tra. Vì thế khi chúng tôi mới đến cơ sở thanh tra, rõ ràng thấy nước xả ra bên ngoài hàng rào có màu đen, nhưng khi phân công một nhóm đi vào bên trong làm việc thì bên ngoài hiện trạng đã khác. Như vậy, sự thay đổi của họ rất nhanh,” vị cán bộ ở Tổng cục Môi trường chia sẻ.

Phat trien truoc, chay chua sau: Hiem hoa 'pha moi truong lay kinh te' hinh anh 2
Hình ảnh khói bao phủ cả vùng trời trong quá trình vận hành sản xuất của Nhà máy xi măng Sông Lam, tại xã Bài Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Cũng như việc đổi màu nước thải từ “nâu” sang “xanh” khi có đoàn thanh tra, việc kiểm tra đối với hoạt động xả khí thải làm nhiễm bẩn môi trường của nhiều cơ sở sản xuất, nhất là các nhà máy xi măng cũng là vấn đề đặc biệt khó khăn.

Đáng chú ý, một cán bộ quản lý thuộc Tổng cục Môi trường đã chỉ ra thực trạng “gian lận” trong việc vận hành hệ thống xử lý khí thải của nhiều cơ sở, nhà máy sản xuất như xi măng, bởi việc vận hành này thường tốn rất nhiều chi phí về điện và màng lọc bụi định kỳ phải thay thế.

“Chỉ riêng tiền điện, một buổi tối không vận hành hệ thống xử lý khí thải, doanh nghiệp đã lãi. Chưa kể, một số địa phương còn du di cho doanh nghiệp để thu hút đầu tư bằng mọi giá. Nhiều lúc chúng tôi đi kiểm tra, có khi sở tài nguyên và môi trường thực hiện theo sự chỉ đạo lại xin cho doanh nghiệp. Trong khi đó, việc này có thể sẽ gây hại cho môi trường về sau,” vị cán bộ môi trường trên tiết lộ.

Trước đó, trong phần phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành tài nguyên và môi trường, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng đã yêu cầu ngành này cần kiểm soát thật tốt việc xả thải. Đặc biệt là xử lý nghiêm minh các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, bởi theo ông, rất nhiều dự án có công nghệ xử lý xả thải tốt nhưng một số doanh nghiệp vẫn không chấp hành.

Dẫn thực tế ở thành phố Hải Phòng (nơi ông từng công tác), ông Thành lưu ý: “Trong quá trình kiểm tra một số trạm xử lý nước thải thì một số trạm mới bắt đầu vận hành. Hay một nhà máy nhiệt điện, một nhà máy xi măng, có thể ban ngày vấn đề bụi rất sạch sẽ, nhưng có một thời điểm nhất định, phía doanh nghiệp ngừng phát điện, xả thải vào ban đêm thì môi trường khu vực ảnh hưởng rất lớn.”

Vì thế, ông Thành đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phải có giải pháp, đề nghị các địa phương, nhất là các Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai lắp đặt các trạm quan trắc và tổ chức quan trắc 24/24, để đảm bảo pháp luật về môi trường.

Lẽ phải luôn đứng về doanh nghiệp?

Qua những thông tin trên, có thể thấy cơ quan quản lý nhà nước về môi trường hoàn toàn biết những “mánh khóe” gian lận trong hoạt động sản xuất gây ô nhiễm của doanh nghiệp. Thế nhưng, điều khó hiểu là rất nhiều trường hợp người dân vì quá khổ sở bởi ô nhiễm đã gửi đơn, tâm thư cầu cứu tới các cấp địa phương, nhưng khi các đoàn thanh tra vào cuộc, kết quả lại luôn đứng về phía doanh nghiệp.

Phat trien truoc, chay chua sau: Hiem hoa 'pha moi truong lay kinh te' hinh anh 3
Nhiều trường hợp người dân vì quá khổ sở bởi ô nhiễm đã gửi đơn, tâm thư cầu cứu nhưng “kết quả thanh tra luôn đứng về phía doanh nghiệp.” (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Đó cũng là lý do mà rất nhiều người dân tại các địa phương khi chúng tôi đến tìm hiểu trong suốt hơn 5 năm qua, đều khẳng định họ “rất sợ” kết luận thanh tra.

Đơn cử như vụ việc ô nhiễm bụi, nước bùn và tiếng ồn ở xung quanh Nhà máy xi măng Sông Lam (ở xóm Đô Sơn, xã Bài Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An), mà chúng tôi đề cập trong bài trước. Theo phản ánh của người dân xóm Đô Sơn, từ năm 2016 đến nay, cuộc sống của họ đã bị “đảo lộn” hoàn toàn bởi ô nhiễm.

Quá khổ sở, người dân Đô Sơn đã nhiều lần gửi đơn lên các cấp chính quyền địa phương. Thế nhưng, điều mà họ nhận được suốt từ năm 2016-2018 (thời điểm Nhà máy xi măng Sông Lam chưa được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường) lại là “phạm vi tác động ở mức cho phép.” Thực tế này đã khiến kiến nghị của người dân “chìm” theo năm tháng.

Trả lời câu hỏi của phóng viên VietnamPLus hồi tháng 12/2021, phía Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An cũng khẳng định kết quả quan trắc giám sát môi trường và kết quả quan trắc tự động liên tục tại Nhà máy xi măng Sông Lam cho thấy “các thông số cơ bản nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn Việt Nam.”

Khẳng định nhận định của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An là “không khách quan,” chị Nguyễn Thị Tám ở cách nhà máy khoảng 400m, buồn rầu nói: “Chúng tôi chán lắm rồi vì kết quả thanh tra luôn đứng về phía doanh nghiệp.”

Chỉ tay về phía Nhà máy xi măng Sông Lam – nơi những cuộn khói vàng đục đang ùn ùn “nhả” ra môi trường trong màn đêm, chị Tám bức xúc nói: “Thanh tra đột xuất là để biết doanh nghiệp có vi phạm hay không. Vậy mà trước khi đoàn thanh tra về, doanh nghiệp đã biết trước kế hoạch, tưới rửa đường sạch sẽ thì làm sao mà ghi nhận đúng thực trạng ô nhiễm? Chưa kể, họ về một lúc rồi đi thì làm sao biết được ô nhiễm trong đêm mà chúng tôi đã và đang phải chịu đựng?”

Trong khi đó, về nguồn nước, ông Trần Văn Ân (nhà cách Nhà máy xi măng Sông Lam khoảng 300m) cho biết hơn 5 năm nay, nguồn nước giếng của gia đình ông lúc nào cũng có màu vàng đục. Mỗi khi bơm nước lên là mùi thối hắc, rất khó chịu.

“Vậy mà, mấy lần cán bộ môi trường của tỉnh về lấy mẫu kiểm tra, chúng tôi hỏi thì họ bảo kết quả không ảnh hưởng đến người dân. Thế là chúng tôi vẫn phải sử dụng nguồn nước mùi thối hoắc đó từ năm này qua năm khác,” ông Ân lo lắng.

Ghi nhận của phóng viên tại thời điểm đầu tháng 12/2022 cũng cho thấy tình trạng nguồn nước ở xóm Đô Sơn có mùi rất khó chịu đúng như ông Ân phản ánh. Về không khí, tại một số thời điểm đêm khuya và rạng sáng, những luồng khói phát ra từ Nhà máy xi Măng Sông Lam đã khiển cả vùng trời nhuốm màu vàng đục.

Phat trien truoc, chay chua sau: Hiem hoa 'pha moi truong lay kinh te' hinh anh 4
Hoạt động khai thác khoáng sản, vận chuyển đá tại thị trấn Yên Lâm, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, khiến đường xá thường xuyên chìm trong “bão bụi.” (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Cùng chung tình cảnh trên, suốt nhiều năm qua, cuộc sống của người dân sinh sống xung quanh các mỏm núi mà 32 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác và chế biến đá tại Làng nghề đá Yên Lâm (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) đang khai thác cũng bị ảnh hượng nặng nề bởi bụi đá, nguồn nước không thể sử dụng… Vì thế, người dân đã nhiều lần gửi đơn cầu cứu đi khắp nơi, từ tỉnh tới Trung ương.

Tuy nhiên, kết quả giải quyết phản ánh của công dân mà Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này đưa ra lại khẳng định các doanh nghiệp đã có đầy đủ hồ sơ, thủ tục liên quan đến hoạt động khai thác, chế biến đá và bảo vệ môi trường,… khiến người dân thêm bế tắc. Bởi theo người dân, đó là kết luận “không khách quan.”

Ngay trong đơn cầu cứu và kiến nghị lần 3 gửi tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, các cơ quan quản lý của địa phương và Báo Điện tử VietnamPlus hồi tháng 6/2020, nhiều người dân thôn Phúc Trí, xã Yên Lâm (lúc đó chưa lên thị trấn) cũng đã chỉ ra một loạt vi phạm về môi trường của các doanh nghiệp khai thác đá trên địa bàn, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân.

Đáng chú ý hơn, theo phản ánh của người dân thôn Phúc Trí, một số doanh nghiệp đã đi vào hoạt động nhiều năm, song đến khi người dân có đơn kêu cứu chính quyền địa phương mới đi làm thủ tục mang tính hình thức xin Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, trong khi thủ tục này lẽ ra phải được doanh nghiệp thực hiện trước khi vận hành.

“Nhìn qua quy trình làm giấy tờ của các doanh nghiệp là biết mang tính hình thức, đối phó với quy định pháp luật, nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hoá vẫn có kết luận cho các doanh nghiệp đảm bảo đúng quy định trên giấy là bao che cho sai phạm và càng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích của cả khu dân cư chúng tôi,” đơn cầu cứu của người dân thôn Phúc Trí nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo người dân Phúc Trí, việc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hoá kết luận nồng độ bụi, độ ồn tại khu vực dân cư thôn này “nằm trong quy chuẩn” cũng không đúng thực tế. Bởi theo người dân thì tại thời điểm đoàn thanh tra của sở về làm việc, các doanh nghiệp đã biết trước và lẽ tất nhiên là họ không thực hiện nổ mìn khai thác đá trên núi; tắt toàn bộ máy xẻ, máy nghiền đá lớn và chỉ để lại một, hai máy loại nhỏ ở phía xa khu dân cư.

Chưa kể, “doanh nghiệp đã quét bụi xung quanh, thực hiện phun nước trong khu vực nghiền xay đá và ngoài đường khu dân cư. Vì vậy, bụi bẩn và tiếng ồn đã giảm tới 70-80% so với bình thường.”/.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích