Phát triển phương tiện giao thông đường bộ điện, hướng tới chuyển đổi năng lượng xanh

(Xây dựng) – Đó là chủ đề của Hội thảo được Báo Giao thông và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp tổ chức ngày 20/10 tại Hà Nội.

phat trien phuong tien giao thong duong bo dien huong toi chuyen doi nang luong xanh
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn phát biểu khai mạc Hội thảo.

Hội thảo là dịp để giới thiệu về chuyển đổi phương tiện giao thông đường bộ sang xe điện; các chính sách phát triển xe điện. Trao đổi và thảo luận về những cơ hội và thách thức đối với việc thúc đẩy phát triển giao thông đường bộ sử dụng điện ở Việt Nam, về chính sách, hạ tầng và thị trường. Chia sẻ kinh nghiệm và xu thế của quốc tế và đề xuất các giải pháp nhằm phát triển loại hình phương tiện này ở Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết: “Biến đổi khí hậu là thách thức nghiêm trọng toàn cầu, vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon, phát triển bền vững là xu thế không thể đảo ngược với quyết tâm cao và mục tiêu lớn của cộng đồng quốc tế”.

Để từng bước hiện thực hóa cam kết tại COP26, ngày 22/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành Giao thông vận tải với những mục tiêu, lộ trình và nhiệm vụ cụ thể đối với từng lĩnh vực; trong đó giao thông vận tải đường bộ với việc phát triển phương tiện điện được xác định là trọng tâm. Đây sẽ là cơ hội cho ngành Giao thông vận tải tiếp cận công nghệ tiên tiến, hiện đại, chuyển đổi từ sử dụng năng lượng hóa thạch sang các loại năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính.

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cũng nhấn mạnh, là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải luôn trân trọng các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp vào định hướng cũng như giải pháp góp phần thực hiện việc phát triển phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện, hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường, an toàn và thuận lợi nhất cho người tham gia giao thông. Thứ trưởng cũng đánh giá cao ý nghĩa của Hội thảo.

Tại Hội thảo, các chuyên gia giới thiệu về chuyển đổi phương tiện giao thông đường bộ sang xe điện; các chính sách phát triển xe điện. Các đại biểu tham dự cũng đã dành thời gian trao đổi và thảo luận về những cơ hội và thách thức đối với việc thúc đẩy phát triển giao thông đường bộ sử dụng điện ở Việt Nam, về chính sách, hạ tầng và thị trường; đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm và xu thế của quốc tế và đề xuất các giải pháp nhằm phát triển loại hình phương tiện này ở Việt Nam.

phat trien phuong tien giao thong duong bo dien huong toi chuyen doi nang luong xanh
Bà Nguyễn Thị Phương Hiền – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải trình bày tham luận “Chuyển đổi phương tiện giao thông đường bộ sang xe điện theo Quyết định 876: Lộ trình và giải pháp triển khai” tại Hội thảo.

Các kết quả nghiên cứu được viện dẫn tại Hội thảo cho thấy, ngành Giao thông Vận tải tiêu thụ trên 55% lượng nhiên liệu dầu mỏ và phát thải ra khoảng 25% tổng lượng CO2 toàn cầu. Trong đó, tỷ lệ này từ các phương tiện giao thông đường bộ chiếm tới 17%. Để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí trong lĩnh vực giao thông vận tải, xe điện hóa được đánh giá có ưu thế.

Thực tế, thị trường xe điện thế giới trong những năm qua đã có những bước nhảy vọt. Năm 2021, số lượng xe điện là 17 triệu xe, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2019. Tại Việt Nam, theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, đến tháng 8 năm 2022, cả nước có gần 3.000 ôtô điện được sản xuất lắp ráp, nhập khẩu, tăng gấp hơn 20 lần so với lượng ôtô điện của năm 2019. Cả nước cũng đã có gần 1,8 triệu môtô – xe máy điện đang hoạt động.

phat trien phuong tien giao thong duong bo dien huong toi chuyen doi nang luong xanh
Nguồn: Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA).

Thị trường xe điện Việt Nam cũng đang cố gắng để bắt kịp tốc độ tăng trưởng chung. Ông Đào Công Quyết, đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho biết, theo thống kê 8 tháng đầu năm, doanh số toàn thị trường ôtô gần 263.000 xe, trong đó, doanh số bán của các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Hiệp hội VAMA lên tới 236.000 xe, chiếm đến 90%.

phat trien phuong tien giao thong duong bo dien huong toi chuyen doi nang luong xanh
Ông Đào Công Quyết – đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam với tham luận: “Những điều kiện cần thiết để hình thành, thúc đẩy thị trường xe điện tại Việt Nam và đề xuất lộ trình mới cho xe điện tại Việt Nam”.

Cũng theo các chuyên gia, cam kết mạnh mẽ tại COP26 chính là cơ hội để Việt Nam tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng carbon thấp, là động lực thúc đẩy chuyển đổi toàn diện nền kinh tế nói chung và ngành Giao thông vận tải nói riêng sang phương thức phát triển xanh. Đây cũng là cơ hội để ngành Giao thông vận tải tiếp cận công nghệ tiên tiến, hiện đại, tiến tới ngang bằng với các nước phát triển về công nghệ xanh; đồng thời, tiếp cận các nguồn lực, hỗ trợ quốc tế đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tiên tiến, hiện đại, phát thải thấp, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế. Ngoài ra, thúc đẩy phát triển phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện còn góp phần hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe người dân…

phat trien phuong tien giao thong duong bo dien huong toi chuyen doi nang luong xanh
Toàn cảnh Hội thảo.

Trên cơ sở đó, nhiều phát biểu tại Hội thảo cho rằng, việc sớm có được những chính sách và sáng kiến về chuyển đổi sớm năng lượng xanh sẽ giúp ngành công nghiệp về phương tiện không phát thải của Việt Nam phát triển nhanh và mạnh mẽ tại thị trường trong nước và thị trường nước ngoài, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; nhấn mạnh đây sẽ là cơ hội để Việt Nam thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngành công nghiệp phương tiện, trang thiết bị không phát thải còn khá non trẻ của nước ta.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích