Phát triển Phú Quốc là đô thị biển độc đáo, hướng tới đạt tiêu chuẩn đô thị loại I
(Xây dựng) – Ngày 30/8, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã chủ trì Hội nghị thẩm định Đồ án quy hoạch chung thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2040.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. |
Đô thị biển đảo độc đáo, đặc sắc
Theo nội dung Đồ án, phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích đất tự nhiên của đảo Phú Quốc, khoảng 589,27km2, bao gồm 2 phường, 7 xã và các không gian biển liên quan. Thời hạn lập quy hoạch ngắn hạn đến năm 2030, dài hạn đến năm 2040.
Mục tiêu lập quy hoạch là phát triển thành phố Phú Quốc với tầm nhìn dài hạn và đáp ứng yêu cầu phát triển theo các giai đoạn quy hoạch thông qua chiến lược phát triển toàn diện, cân bằng và bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Đặc biệt, quy hoạch cần đảm bảo khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển trong trường hợp hình thành Khu hành chính – kinh tế đặc biệt và tách xã đảo Thổ Châu (Thổ Chu) thành huyện đảo riêng. Quy hoạch lần này cũng có mục tiêu phát triển thành phố Phú Quốc trở thành một đô thị biển đảo đặc sắc; một trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng và dịch vụ có bản sắc, chất lượng cao, có sức hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế; trung tâm thương mại, dịch vụ và trung tâm chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng ứng dụng công nghệ cao ở tầm cỡ khu vực và quốc tế… Bên cạnh đó, thành phố cũng phải được quản lý phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Quy hoạch xác định tính chất của thành phố Phú Quốc trong giai đoạn tới sẽ là đô thị biển – đảo độc đáo, đặc sắc, hướng tới đạt tiêu chuẩn đô thị loại I. Đây cũng sẽ là khu kinh tế có vị thế đặc biệt; trung tâm kinh tế du lịch, dịch vụ du lịch sinh thái biển – đảo đặc sắc với nhiều giá trị khác biệt, chất lượng cao của quốc gia và quốc tế, là trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ chuyên ngành; trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học rừng và biển của quốc gia và khu vực.
Với vị trí đặc biệt của mình, Phú Quốc còn là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng, cảng biển và cảng hàng không quốc tế, có vai trò quan trọng về an ninh và quốc phòng.
Quy hoạch dự báo lượng khách du lịch đến Phú Quốc vào năm 2030 sẽ đạt khoảng 9,5 triệu khách/năm, đến năm 2040 là khoảng 14,6 triệu khách/năm. Dân số năm 2030 khoảng 400.000 người và đến năm 2040 khoảng 680.000 người. Đất xây dựng đô thị năm 2030 đạt khoảng 15.170ha, chỉ tiêu 223 m2/người, đến năm 2040 khoảng 16.551ha, chỉ tiêu 243m2/người.
4 chiến lược và 12 phân khu phát triển
Để đạt được những mục tiêu nêu trên, Đồ án quy hoạch chung đã nêu ra 4 chiến lược phát triển mà thành phố Phú Quốc cần triển khai thực trong thời gian tới.
Một là bảo tồn và phát triển tài nguyên cảnh quan thiên nhiên và nhân văn đặc thù biển đảo Phú Quốc. Hai là phát huy giá trị biển đảo xây dựng Phú Quốc trở thành cực tăng trưởng kinh tế biển vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Ba là phát triển đô thị biển đảo đặc sắc, phát triển mô hình đô thị nén, nhỏ gọn, tựa núi – hướng biển; phát triển đô thị – du lịch biển hỗn hợp, hình thành trung tâm thương mại dịch vụ tầm cỡ quốc tế…
Bốn là phát triển khu du lịch quốc gia Phú Quốc, xây dựng thương hiệu du lịch Phú Quốc có đặc trưng riêng, có sức hút mạnh mẽ với các hoạt động du lịch cũng như các điểm tham quan đa dạng, nguồn cung cơ sở lưu trú phong phú và dễ dàng tiếp cận.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh tiếp thu ý kiến chỉ đạo và giải trình một số vấn đề của quy hoạch chung thành phố Phú Quốc. |
Về định hướng phát triển không gian, Đồ án quy hoạch chung đến năm 2040 xác định Phú Quốc sẽ kế thừa mô hình phát triển thành phố du lịch sinh thái biển đảo theo cấu trúc chuỗi tập trung, đa trung tâm. Cấu trúc khung thiên nhiên bao gồm rừng quốc gia, rừng phòng hộ, các công viên đô thị… Bên cạnh đó, thành phố sẽ tiếp tục phát triển cấu trúc chuỗi đô thị – du lịch theo trục chính Bắc – Nam An Thới – Cầu Trắng, trục giao thông vòng quanh đảo Bãi Vòng – Bãi Thơm – Rạch Tràm – Rạch Vẹm – Gành Dầu – Cửa Cạn – Dương Đông – Bãi Trường – Bãi Khem, kết nối với cảng biển An Thới, Bãi Đất Đỏ, cảng hàng không quốc tế Phú Quốc.
Đồ án cũng xác định 12 phân khu vực phát triển của Phú Quốc trong thời gian tới. Phân khu 1 – khu vực Dương Đông là trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa, thể dục thể thao thành phố Phú Quốc; trung tâm đô thị du lịch và thương mại, khu đô thị – du lịch hỗn hợp chính. Phân khu 2 – khu vực Bãi Trường là khu đô thị – du lịch hỗn hợp chính, trung tâm thương mại, dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí. Phân khu 3 – khu vực Bãi Ông Lang – Cửa Cạn là khu đô thị – du lịch hỗn hợp chính phía Bắc của thành phố, trung tâm thương mại, dịch vụ du lịch, trung tâm giáo dục chuyên nghiệp và công nghệ cao.
Phân khu 4 – khu vực Bãi Vòng là khu dịch vụ du lịch hỗn hợp, khu nghỉ dưỡng kết hợp sân golf. Phân khu 5 – khu vực Bãi Sao là khu đô thị du lịch hỗn hợp với cấu trúc mở, khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, khu thể thao biển. Phân khu 6 – khu vực An Thới là khu đô thị – du lịch hỗn hợp chính, khu đô thị cảng, thương mại, dịch vụ du lịch; trung tâm văn hóa, gìn giữ giá trị lịch sử.
Phân khu 7 – khu vực Vịnh Đầm là khu du lịch tổng hợp, giải trí du lịch biển; khu tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ hậu cần cảng. Phân khu 8 – khu vực Bãi Khem và Mũi Ông Đội là khu dịch vụ du lịch; khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, thể thao biển. Phân khu 9 – khu vực ven biển phía Đông là khu dịch vụ du lịch, khu đô thị – du lịch hỗn hợp, khu nghỉ dưỡng sinh thái, khu giải trí thể thao biển, sân golf.
Phân khu 10 – khu vực ven biển phía Bắc là khu đô thị du lịch hỗn hợp; khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, kết hợp tham quan rừng; khu bảo tồn sinh vật biển. Phân khu 11 – khu vực ven biển phía Tây Bắc là khu dịch vụ du lịch; khu nghỉ dưỡng cao cấp, giải trí sân golf gắn với các khu resort, thể thao biển. Phân khu 12 – khu vực quần đảo Nam An Thới là khu dịch vụ du lịch, khai thác tổ chức các hoạt động tham quan, ngắm cảnh, bảo tồn môi trường biển; giải trí biển.
Khu vực đảo Thổ Châu sẽ xây dựng điểm dân cư trung tâm tại ấp Bãi Ngự và bổ sung các hoạt động dịch vụ du lịch nhằm khai thác các tài nguyên thiên nhiên sẵn có của Thổ Châu, thu hút khách du lịch đến và lưu trú dài ngày.
Đồ án cũng lưu ý nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, đề ra các giải pháp chung và các giải pháp cụ thể bảo vệ môi trường khu vực tập trung dân cư, du lịch, dịch vụ và khu chức năng; bảo vệ môi trường khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp.
Trong thời gian tới, thành phố Phú Quốc sẽ ưu tiên thực hiện các dự án đầu tư đáp ứng tiêu chí đô thị loại I (hạ tầng cấp nước, rác thải, trung tâm khám chữa bệnh, môi trường sống…), các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính, kết nối các khu chức năng, các dự án quan trọng trong việc thực hiện các chiến lược phát triển đô thị; các dự án ưu tiên áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ có tác động tích cực đến môi trường.
Phú Quốc cần xác định rõ tiềm năng và động lực phát triển
Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, đại diện các Bộ, ngành, Hội và Hiệp hội đều đánh giá dự thảo Quy hoạch có đầy đủ hồ sơ pháp lý, tuân thủ các quy định của pháp luật, nội dung cơ bản bám sát Nhiệm vụ Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tuy nhiên, các thành viên của Hội đồng cũng đề nghị địa phương và đơn vị tư vấn lưu ý một số vấn đề. Trong đó, Vụ Quy hoạch Kiến trúc Bộ Xây dựng đề nghị làm rõ tính kế thừa của các quy hoạch đã được phê duyệt; làm rõ hiện trạng sử dụng quy hoạch đất, đặc biệt là diện tích đất rừng; bổ sung tiêu chí hình thành 12 phân khu; phân tích rõ hơn vị thế đặc biệt của thành phố Phú Quốc trong sự phát triển của quốc gia. Cục Hạ tầng kỹ thuật Bộ Xây dựng đề nghị bổ sung nội dung giao thông kết nối các đảo.
Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam lưu ý nội dung kết nối đảo với đất liền. Bộ Công an đề nghị làm rõ vấn đề phát triển kinh tế biển. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu cập nhật quy hoạch thủy lợi, phòng chống thiên tai. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch lưu ý địa phương đảm bảo quy hoạch không làm ảnh hưởng đến di tích quốc gia đặc biệt nhà tù Phú Quốc, đồng thời làm rõ nội dung phát triển kinh tế ban đêm.
Bộ Công Thương đề nghị rà soát khả năng đáp ứng hạ tầng kỹ thuật và xã hội trong thời gian tới, đồng thời đầu tư phát triển hạ tầng thương mại. Bộ Giao thông vận tải lưu ý bổ sung tỷ lệ quỹ đất hạ tầng giao thông. Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu bổ sung danh mục đầu tư các dự án ưu tiên cụ thể, bổ sung giải pháp cụ thể đáp ứng dự báo dân số. Bộ Tài chính yêu cầu cập nhật quy mô dân số mới nhất.
Toàn cảnh Hội nghị thẩm định. |
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang, UBND thành phố Phú Quốc và đơn vị tư vấn rà soát kỹ các căn cứ pháp lý và tính đồng bộ với các quy hoạch đã được phê duyệt; rà soát điều kiện tự nhiên, phân tích tiềm năng và lợi thế của địa phương để xác định tầm nhìn, chiến lược phát triển phù hợp.
Bộ trưởng cũng yêu cầu làm rõ các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong vấn đề phát triển hạ tầng, cấu trúc không gian, thực tế triển khai các dự án, đảm bảo các tiêu chí của đô thị loại II. Đồ án cần xác định rõ tiềm năng và động lực để phát triển Phú Quốc, đặt trong mối quan hệ tổng thể của Phú Quốc với tỉnh Kiên Giang và vùng Tây Nam bộ.
Địa phương và đơn vị tư vấn cần xem xét kỹ định hướng phát triển, dự báo về quy mô dân số, chỉ tiêu sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đảm bảo các chỉ tiêu gốc; làm rõ cấu trúc phát triển, định hướng tổ chức không gian, phù hợp với tính chất, chức năng đô thị; làm rõ các nét độc đáo riêng của Phú Quốc và chú ý các vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái, rừng.
Bộ trưởng cũng lưu ý địa phương về vấn đề kiến trúc cảnh quan đô thị, mật độ xây dựng, tầng cao; xác định bản sắc, điểm nhấn kiến trúc; nghiên cứu các phương án và xác định nguồn lực cho công tác xử lý nước thải, rác thải… Bên cạnh đó, thành phố Phú Quốc cũng phải quan tâm đảm bảo an ninh quốc phòng để phát triển kinh tế, nhưng cũng không lơ là nhiệm vụ giữ vững chủ quyền biển đảo.
Hội đồng thẩm định thống nhất thông qua Đồ án quy hoạch chung thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2040, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với điều kiện có tiếp thu, chỉnh sửa theo ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng.
Nguồn: Báo xây dựng