Phát triển nông nghiệp theo hướng tới bền vững

Phát triển nông nghiệp theo hướng tới bền vững

MTĐT –  Thứ tư, 01/12/2021 10:38 (GMT+7)

Các chuỗi giá trị nông sản nói chung, mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo nói riêng được hình thành trên cơ sở chia sẻ thành quả và lợi ích giữa các bên tham gia, là chìa khóa mở cánh cửa hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.

tm-img-alt
Nước sạch về bản. Ảnh Hoàng An

Xác định tầm quan trọng của chuỗi liên kết, thời gian qua, mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh lúa gạo đã và đang được chú trọng phát triển tại Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác, mang lại lợi ích thiết thực. Cụ thể, người nông dân chủ động được nguyên liệu, vật tư sản xuất; được hỗ trợ về thông tin, kỹ thuật, tránh được nhiều rủi ro. Doanh nghiệp kiểm soát được quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, có thể chủ động trong việc xây dựng thương hiệu, kế hoạch tiêu thụ (trong nước và xuất khẩu). Nhà nước bảo đảm được an ninh lương thực, thị trường tiêu thụ cũng như mục tiêu tăng trưởng, an sinh xã hội… Mặt khác, thành công của các chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh lúa gạo trong thời gian qua cũng cho thấy, sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế hợp tác là một tất yếu.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều “rào cản” trong việc phát triển các chuỗi giá trị lúa gạo tại Hà Nội với đích đến là thị trường và người tiêu dùng. Doanh nghiệp chưa “mặn mà” đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hoặc tham gia các chuỗi liên kết giá trị bởi chính sách về tích tụ đất đai, hạn điền còn bất cập, hạn chế; việc tiếp cận với nguồn vốn tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều khó khăn; chưa kể những vấn đề liên quan đến pháp lý, nguồn nhân lực…

Đặc biệt, còn tình trạng ngay trong các chuỗi sản xuất, kinh doanh lúa gạo cũng chưa có sự liên kết bền chặt; vẫn còn tình trạng phá vỡ hợp đồng giữa doanh nghiệp và người sản xuất; nông dân không được kết nối với nhà cung ứng nguyên liệu sản xuất nên không nắm rõ nguồn gốc, chất lượng và chịu tác động tiêu cực khi giá vật tư biến động; các khâu liên kết chưa mang lại giá trị gia tăng cao bởi công nghệ, kỹ thuật lạc hậu…

Để tháo gở “rào cản”, thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị lúa gạo, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trước mắt, các bộ, ngành của trung ương, thành phố và các địa phương cần có cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng… để thu hút nhà đầu tư vào các chuỗi giá trị cũng như khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, kinh doanh lúa gạo. Đồng thời, tăng cường vai trò của các tổ hợp tác, hợp tác xã trong việc hỗ trợ doanh nghiệp hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn.

Ngoài ra, để thúc đẩy chuỗi liên kết, cần xây dựng các mối quan hệ trên cơ sở gắn lợi ích của các chủ thể với lợi ích của chuỗi giá trị; tăng cưòng các giải pháp hỗ trợ pháp lý, bảo đảm thực thi các hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo giữa nông dân với doanh nghiệp và các bên liên quan; tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, bất cập trong quá trình liên kết.

Đối với người nông dân, cần loại bỏ triệt để tâm lý, cách thức sản xuất nông nghiệp manh mún, điển hình như việc bán lúa gạo cho tiểu thương thay vì thực hiện theo đúng cam kết trong hợp đồng liên kết mỗi khi giá tăng; tích cực tham gia các lớp tập huấn do chính quyền, hội nông dân… tổ chức để có thêm thông tin thị trường, kỹ thuật canh tác, phương thức kinh doanh hiện đại… Qua đó áp dụng vào sản xuất, liên kết, giúp nâng cao giá trị gia tăng trên diện tích canh tác, thích ứng với điều kiện phát triển mới.

Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo với đích đến là thị trường và người tiêu dùng được xem là một giải pháp tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững.

Nhân rộng điển hình trong liên kết chuỗi

Đến nay Hà Nội đá có 141 mô hình liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ. Các mô hình đã và đang phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội, khẳng định được vị thế trong điều kiện hiện nay. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay, mô hình liên kết chuỗi có ý nghĩa hết sức quan trọng trong ổn định nguồn cung lương thực, thực phẩm, rất cần nhân rộng điển hình…

Với hướng sản xuất hữu cơ kết hợp với xây dựng các chuỗi liên kết trong bao tiêu sản phẩm, Công ty cổ phần Sản xuất và Kinh doanh thực phẩm an toàn Vinh Hà (xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên) đã có thị trường tiêu thụ nông sản ổn định, hiệu quả kinh tế, cao. Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và Kinh doanh thực phẩm an toàn Vinh Hà Nguyễn Thị Mai cho biết, công ty hiện có quy mô 10 ha trồng các loại rau theo mùa và các loại quả như: Bưởi, ổi, mít, nhãn, đu đủ. Sản phẩm cung cấp ổn định cho hàng trăm hộ gia đình tại các khu chung cư, hơn 20 bếp ăn trường học trong, ngoài địa phương và nhiều hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn thành phố… Doanh thu của công ty đạt khoảng 8 tỷ/năm, tạo việc làm cho hơn 50 lao động địa phương.

Đó là một trong số những chuỗi liên kết phát huy hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn thành phố. Theo Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, đến nay thành phố đã xây dựng được 141 chuỗi liên kết, trong đó có 59 chuỗi có nguồn gốc động vật, 82 chuỗi có nguồn gốc thực vật.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí nhận định: Không chỉ giúp gia tăng giá trị kinh tế 15-20%, các chuỗi liên kết còn góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động. Người tiêu dùng cũng được hưởng lợi từ việc nông sản có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm an toàn chất lượng.

Mặc dù đã xây dựng được số lượng chuỗi liên kết dẫn đầu cả nước, tuy nhiên, theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của nông nghiệp Thủ đô. Nhiềụ sản phẩm nông nghiệp chưa có nhãn mác, thương hiệu, không tiêu thụ được ở các kênh phân phối lớn.

Một số chuỗi liên kết trên địa bàn chưa hoàn chỉnh, quy mô nhỏ theo hình thức “thuận mua, vừa bán” nên dễ xảy ra tình trạng đứt gãy. Nhiều đơn vị đã xây dựng được chuỗi nhưng vẫn đứng trước khó khăn như khó tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn, thiếu vốn để mở rộng sản xuất.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, thành phố hiện còn 24 thị xã, huyện, quận có sản xuất nông nghiệp. Diện tích đất nông nghiệp của Hà Nội hiện nay có khoảng 188.6 nghìn ha chiếm 56,3% diện  tích đất tự nhiên. Mặt khác, thành phố Hà Nội với số dân khoảng 10,33 triệu người đang sinh sống, học tập, làm việc nên nhu cầu thực phẩm nông, lâm, thủy sản rất lớn. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, việc hình thành các chuỗi liên kết là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng không chỉ duy trì ổn định về mặt sản lượng cung ứng mà còn bảo đảm chất lượng nông sản đến người tiêu dùng…

Nhân rộng mô hình liên kết chuỗi, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp đối với sản phẩm chủ lực của thành phố. Các chủ thể tham gia liên kết chuỗi được đào tạo, tập huấn kỹ thuật, nâng cao nghiệp vụ; các chuỗi liên kết được ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QR. Ngành Nông nghiệp Hà Nội cũng đang tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi các mô hình kinh tế nông nghiệp theo hướng chuyên canh tập trung, từ đó hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa lớn

Năm 2021, diện tích canh tác lúa của thành phố Hà Nội là 160.000 ha, là một trong những địa phương có diện tích trồng lúa lớn của khu vực phía Bắc. Thời gian qua, các địa phương, hợp tác xã… trên địa bàn thành phố đã tích cực liên kết sản xuất – tiêu thụ lúa gạo với doanh nghiệp, mang lại nhiều lợi ích: Nông dân trồng lúa có thu nhập ngày càng cao, doanh nghiệp có sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường, thành phố nhân rộng được nhiều mô hình sản xuất mới…

Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân Ba Vì thay thế cây có khả năng phòng hộ kém

 Theo UBND huyện Ba Vì, hiện địa bàn huyện hiện có gần 9.700 ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm gần 40% tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp toàn thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, việc trồng rừng tại địa phương vẫn mang nặng tư tưởng phủ xanh đất trống, đồi trọc, quảng canh với một số loài cây keo, bạch đàn… cho thu hoạch ngắn hạn nên giá trị sản xuất, hiệu quả kinh tế từ rừng còn thấp. Nhiều hộ dân nhận giao khoán đất rừng muốn trồng loại cây gỗ lớn có chu kỳ khai thác phải từ 10 năm trở lên nhưng gặp khó khăn về nguồn vốn…

Thời gian tới, huyện Ba Vì tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyên, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ và phát triển rừng. Từ đó, giúp người dân địa phương thấy rõ hơn trách nhiệm trong bảo vệ và phát triển rừng, chủ động thay thế những loài cây có khả năng phòng hộ kém bằng các loài cây bản địa và trồng bổ sung các loài cây có giá trị như: Lim xanh, sến, sao đen… để tạo hiệu quả kinh tế cao hơn

Đông Anh xây dựng 27 vườn ươm hoa và cây trang trí

 UBND huyện Đông Anh thông tin, huyện xây dụng và vận hành 27 vườn ươm hoa, cây trang trí cảnh quan tại 24 xã, thị trấn. Hiện, các vườn ươm hoa đã hoàn thành, lắp dựng nhà lưới tiêu chuẩn có hệ thống phun sương tưới nước tự động; tổ chức cấp cây, hoa, hạt giống… Một số vườn ươm thực hiện cung cấp sản phẩm cây hoa ươm trồng tới các điểm sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa,…

tm-img-alt
Ảnh Đỗ Thanh Tuyên

Ngoài ra, huyện đã rà soát danh mục các vị trí quỹ đất công phù hợp quy hoạch để làm vườn ươm cây bóng mát đô thị với tổng diện tích khoảng 82.500m2 từ nguồn vốn xã hội hóa; huyện đã triển khai 2 vườn ươm cây đô thị kiểu mẫu tại xã Kim Chung và xã Vĩnh Ngọc. Huyện cũng đã rà soát, thống kê được khoảng 86 ha là diện tích đất công phù hợp quy hoạch tại các xã sử dụng thực hiện các dự án cây xanh, vườn ươm và cung cấp cây xanh cho toàn huyện.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển
Nguyên Giám đốc Sở KH-CNMT Hà Nội.

Tài liệu tham khảo:
1. Thế Văn “Hướng tới phát triển bền vững ”. HNM 29/11/2021.
2. Thanh Bạch  “Liên kết tiêu thụ gạo tại Hà Nội mang lại nhiều lợi ích”.
3. Minh Phú  “Nhân rộng điển hình trong liên kết chuỗi”.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích